|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nuôi trồng thủy sản gặp khó về tiêu chuẩn xuất khẩu

13:51 | 18/10/2018
Chia sẻ
Mặc dù ngành thủy sản đang tăng trưởng khá tốt đặc biệt là nuôi trồng thủy sản nhưng hiện nay ngành này cũng gặp nhiều thách thức về tiêu chuẩn xuất khẩu do quy mô nuôi trồng nhỏ chiếm đến 80%.

Đó là nhận định của ông Đinh Xuân Lập, Phó giám đốc Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản Bền vững ICAFIS tại Hội nghị Vietstock 2018 tại TP HCM sáng nay (18/10).

nuoi trong thuy san dang gap kho ve tieu chuan xuat khau
Hội nghị Thủy Sản 2018 (ảnh: MA)

Ông Lập cho biết, tiêu thụ thủy sản toàn cầu bình quân đầu người đã tăng hơn gấp đôi so với năm 1960 (năm 1960 là 9,9 kg lên 20 kg trong năm 2015). Nếu như trước đây, nguồn thủy sản tự nhiên chiếm đến 80% còn vùng nuôi chỉ 20% thì nay sản lượng cá nuôi chiếm đến 50% tổng sản lượng cá tiêu dùng.

Ngư nghiệp đánh bắt ngày càng thu hẹp do nguồn cung ngày càng cạn kiệt, đánh bắt thái quá, hết công suất.

Việc cung cấp thủy sản thế giới cần đến từ nuôi trồng ngày nhiều hơn nên có nhiều vấn đề quan tâm là những tác động tiềm ẩn như tác động môi trường, an toàn thực phẩm, dư lượng hóa chất, phúc lợi cho người lao động…

Vì vậy, thủy sản của Việt Nam cần có những chứng nhận như truy xuất nguồn gốc, đa dạng sinh học và môi trường sống, tính bền vững của môi trường sống.

Hiện có 6 tiêu chuẩn xuất khẩu chính được sử dụng tại Việt Nam, là giấy thông hành và cơ hội để thâm nhập các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu.

Việc lựa chọn tiêu chuẩn nào phải phụ thuộc vào hệ thống sản xuất và hoạt động. Các tiêu chuẩn khác nhau sẽ có những yêu cầu kỹ thuật khác nhau. Bên cạnh đó, ông Lập cho biết, sự lựa chọn tiêu chuẩn cũng tùy thuộc vào thị trường xuất khẩu. Nhà bán lẻ có những chính sách thu mua thủy sản và tủy thuộc vào mà thị trường đó hướng tới, sẽ xác định tiêu chuẩn nào phù hợp nhất.

Một số tiêu chuẩn xuất khẩu phổ biến tại Việt Nam:

MSC: đây là tiêu chuẩn được biết đến rộng rãi nhất trong lĩnh vực khai thác hải sản, tuy nhiên, chỉ có một phần nhỏ sản lượng cá nguyên con có chứng nhận của MSC được dùng làm nguyên liệu cho việc sản xuất bột cá và dầu cá. Tiêu chuẩn này dược kết hợp với tiêu chuẩn về Chuỗi hành trình sản phẩm (CoC) nhằm cho phép người mua hàng cuối cùng có thể dán nhãn cho các sản phẩm thủy sản riêng lẻ với nhãn bền vững.

MSC là thành viên của ISEAL, hiệp hội quốc tế về các tiêu chuẩn bền vững, và việc đánh giá theo các tiêu chuẩn đó là cực kỳ nghiêm ngặt, cần có sự tham gia của các bên tham gia liên quan ở tất cả các giai đoạn và hoàn toàn minh bạch. Tuy vậy, mức độ chi tiết và quá trình đánh giá lâu dài có thể rất có ý nghĩa khi tính xem xét về thành phần thức ăn nuôi trồng thủy sản. Những nghề cá đã có chứng nhận của MSC thì nguyên liệu sử dụng sản xuất dầu cá, bột cá đến từ nghề cá đó sẽ tự động được chấp thuận bởi IFFO RS.

IFFO RS: là tiêu chuẩn được thiết kế chuyên cho việc sản xuất dầu cá, bột cá theo hướng có trách nhiệm, sản phẩm có thể được sử dụng trực tiếp (viên dầu cá) hoặc gián tiếp (làm thức ăn gia súc, nuôi thủy sản...) cho con người. Đây là tiêu chuẩn cho các doanh nghiệp nhận ra nhau trong chuỗi cung cấp, bao gồm nguồn cung nguyên liệu thô và thực hành sản xuất trong nhà máy có trách nhiệm.

Đến giữa năm 2012, trên thế giới có khoảng 33% sản lượng dầu cá và bột cá đã được cấp chứng nhận của IFFO RS. Chứng nhận IFFO RS được tiêu chuẩn BAP của GAA chấp nhận hay công nhận về tiêu chí thức ăn nuôi thủy sản, và cũng được công nhận trong một phần của tiêu chuẩn ASC.

ASC: là tiêu chuẩn dành cho các đối tượng thủy sản nuôi, chủ yếu là cá và nhóm nhuyễn thể, giáp xác. Thông thường, mỗi loài thủy sản nuôi sẽ có tiêu chuẩn ASC riêng. Hiện nay, các tiêu chuẩn đều có yêu cầu dài hạn về thức ăn nuôi biển phải đến từ nghề cá có chứng nhận MSC, trong thời gian hiện tại, tiêu chuẩn của IFFO RS được chấp nhận, tuy vậy, tiêu chuẩn FOS chưa được ASC công nhận cho cá sử dụng làm nguyên liệu chế biến thức ăn cho nuôi trồng thủy sản.

GAA BAP: đây là tiêu chuẩn được áp dụng phổ biến nhất là ở Châu Á và Châu Mỹ trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Các tiêu chuẩn BAP cho các yếu tố trong quy trình nuôi, sản xuất cũng rất khác nhau như nhà máy sản xuất thức ăn, trại giống, trại nuôi và nhà máy chế biến thủy sản.

Tiêu chuẩn cho trại nuôi không có bất kỳ yêu cầu nào cụ thể về thành phần thức ăn. Tiêu chuẩn về nhà máy thức ăn của BAP yêu cầu 50% nguyên liệu sản xuất phải đến từ nghề cá được cấp chứng nhận MSC hoặc IFFO RS. Tiêu chuẩn thức ăn này còn tương đối mới, do đó, sản lượng được cấp chứng nhận này chưa nhiều trên thế giới.

FOS: tổ chức này đã đưa ra tiêu chuẩn khác nhau bao phủ toàn bộ chuỗi giá trị từ nghề cá đến trại nuôi. Số lượng nghề cá, nhà máy sản xuất dầu cá, bột cá, thức ăn đang được cấp chứng nhận của FOS ngày càng tăng. Chứng nhận này được phát triển nhiều ở khu vực phía nam châu Âu.

Global GAP: Tổ chức này có kinh nghiệm từ lĩnh vực thực phẩm nông nghiệp an toàn và có nhiều tiêu chuẩn được các nhà bán lẻ lớn sử dụng. Gần đây, tổ chức này đã phát triển các tiêu chuẩn cho các hệ thống trại nuôi trồng thủy sản với sự tập trung chủ yếu đến vấn đề an toàn thực phẩm tại trang trại và trong các nhà máy chế biến hơn là các quan tâm về vấn đề về môi trường.

Tiêu chuẩn cũng có đề cập đến việc sử dụng thức ăn chế biến có thành phần nguyên liệu từ biển như không được sử dụng các loài cá đang bị đe dọa.

Xem thêm

Minh Anh