|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu cà phê và hồ tiêu vẫn chủ yếu ở dạng thô

17:25 | 12/04/2017
Chia sẻ
Hiện nay, cà phê và hồ tiêu Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu dưới dạng thô nên lợi nhuận của các doanh nghiệp không cao, kim ngạch xuất khẩu vẫn ở mức thấp. 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), lượng cà phê xuất khẩu năm 2016 tăng 33% lên 1,78 triệu tấn, tương đương tăng 25% lên 3,34 tỷ USD. Mặc dù tăng cả lượng và kim ngạch song kim ngạch xuất khẩu còn thấp do cà phê chủ yếu được xuất khẩu ở dạng nguyên liệu thô.

xuat khau ca phe va ho tieu van chu yeu o dang tho
Ảnh minh họa. Nguồn: Giá cà phê

Theo Cục Trồng trọt, tỷ lệ cà phê chế biến sâu vẫn còn rất khiêm tốn, chiếm chưa đến 10% sản lượng cà phê cả nước. Trong năm 2017, nếu bổ sung 32.000 tấn cà phê chế biến của nhà máy cà phê hòa tan Tín Nghĩa, tỷ lệ cà phê chế biến sâu của Việt Nam cũng chỉ đạt 12%.

Ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt cho rằng đây là con số rất khiêm tốn. Tuy nhiên, đầu tư một nhà máy chế biến cần lượng vốn lớn trong khi tiêu thụ cà phê tại nội địa không cao và còn chịu áp lực cạnh tranh rất lớn từ các doanh nghiệp FDI.

Theo ông Vinh, một trong những vấn đề trọng tâm của Hiệp hội cà phê Ca cao trong những năm tới là thúc đẩy chế biến và tiêu dùng cà phê ở trong nước. Bởi hiện tại cà phê Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ cà phê chế biến tại các nước sản xuất cà phê lớn trên thế giới đang không nhưng tăng cao, đặc biệt là Brazil tăng tới 43%, Indonesia tăng 34% - 35%.

Liên quan đến chất lượng sản phẩm, ông Vinh cho rằng việc mua bán cà phê qua thương lái có rất nhiều rủi ro. Tuy nhiên các doanh nghiệp lớn đều có ý kiến “không làm thế nào để thoát ra khỏi thương lái, trung gian, các đại lý được”.

"Một nhược điểm nữa là mặc dù đã có tiêu chuẩn về cà phê xuất khẩu, nhưng các doanh nghiệp chỉ bán theo “thỏa thuận” về độ ẩm, hạt vỡ, tạo chất bao nhiêu % là chính, số tuân thủ theo tiêu chuẩn chỉ khoảng 1%. Điều này khiến cà phê của Việt Nam bị trả giá thấp", ông Vinh cho hay.

Cũng theo Cục trồng trọt, hiện có trên 80% sản lượng cà phê được sơ chế bằng phương pháp chế biến khô tại hộ gia đình với sân phơi bạt, sân gạch, sân xi măng. Điều này khiến chất lượng cà phê sơ chế tại nông hộ còn thấp.

Đối với chế biến cà phê bột, các cơ sở chế biến có quy mô nhỏ với máy móc thiết bị chế tạo trong nước, chưa đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm và chất lượng sản phẩm. Việc pha trộn nguyên liệu thay thế chưa được kiểm soát dẫn đến chất lượng cà phê bột còn hạn chế.

Tương tự, mặt hàng hồ tiêu của Việt Nam cũng chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm thô, chưa chuyển sang các sản phẩm được chế biến với chất lượng cao.

Theo bà Nguyễn Mai Oanh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, bất cập lớn nhất của ngành hồ tiêu hiện nay là chưa có bộ giống chuẩn mặc dù Bộ đã cho ra đời Trung tâm nghiên cứu hồ tiêu Gia Lai.

Bên cạnh đó, cần có những mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất, chế biến hồ tiêu an toàn và nên truy xuất xuất xứ sản phẩm để bảo vệ uy tín và thương hiệu cho nông dân và doanh nghiệp.

Bà Oanh cho hay, các đối tác nước ngoài luôn sẵn sàng trả giá cao từ 10 - 20%, thậm chí đối tác Đan Mạch trả 50% giá chênh lệch nếu có tiêu sạch, an toàn để cung cấp cho họ.

Theo Bộ NN&PTNT, cà phê và tiêu là những cây trồng chủ lực đem lại giá trị kim ngạch xuất khẩu tỷ đô. Tuy nhiên, mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất, chế biến vẫn lỏng lẻo, chưa thực sự gắn kết thành chuỗi để nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu.

Kết quả là kim ngạch xuất khẩu cà phê và hồ tiêu vẫn ở mức thấp, doanh nghiệp thu lãi không cao, theo nhận định của thứ trưởng Bộ NN&PTNT và đại diện Hiệp hội ngành hàng trong buổi làm việc mới đây.

Hồng Vũ