Xuất khẩu cà phê của Lào tăng 100% trong nửa đầu năm 2020
"Khối lượng xuất khẩu tăng nhờ sự phục hồi của giá cà phê trên thị trường quốc tế trong năm nay cũng như sản lượng tốt hơn so với năm ngoái", Giám đốc của LCA, ông Sivixay Xayaseng, cho biết.
Sản lượng cà phê mỗi năm phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như khí hậy và dịch bệnh ảnh hưởng tới cây cà phê.
Những biện pháp cứng rắn hơn của chính phủ đã khiến các thương nhân nước ngoài gặp khó khăn trong việc mua bán trái phép với người nông dân, và đây là nguyên nhân chính cho sự gia tăng về khối lượng xuất khẩu.
"Năm ngoái, một số thương nhân nước ngoài đã mua cà phê từ người nông dân. Số cà phê đó được vận chuyển sang các quốc gia khác trước khi chế biến và sau đó xuất khẩu sang những nước thứ ba để tiêu thụ", ông Sivixay nói.
Hành động xuất khẩu trái phép như vậy gây ra nhiều vấn đề cho những doanh nghiệp trong hiệp hội vì các thương nhân nước ngoài thu mua cà phê mà không phải trả bất kì khoản thuế nào, nhưng doanh nghiệp Lào phải trả thuế xuất khẩu cho chính phủ, điều khiến chi phí sản xuất cà phê của Lào cao hơn, theo Phnom Penh Post.
Ông cũng cho biết hiệp hội đánh giá cao việc các cơ quan chức năng, từ trung ương đến địa phương, đã vào cuộc chống lại những người buôn bán trái phép, giúp giảm bớt những giao dịch này.
Năm nay, các thương nhân mua hạt cà phê arabica từ nông dân với giá 1.500 - 3.200 kip/kg, tương đương 0,17- 0,35 USD/kg, tùy thuộc vào thời kì và chất lượng cà phê, trong khi giá cà phê chung dao động từ 15.000 - 16.500 kip/kg.
Giá cà phê robusta tách vỏ dao động từ 11.000-12.500 kip một kg trong năm nay.
Nhờ điều kiện thời tiết năm nay phù hợp nên cây cà phê arabica cho quả đến tháng 1. Các cây thường ngừng ra quả vào tháng 12.
Lào xuất khẩu cà phê sang hơn 26 quốc gia ở châu Âu, châu Á và Mỹ. Quốc gia Đông Nam Á đã xuất khẩu gần 23.000 tấn sản phẩm cà phê trị giá gần 53 triệu USD vào năm ngoái, giảm so với gần 33.000 tấn trị giá hơn 63 triệu USD của năm 2018.
Hiện tại, có 8 công ty thu mua cà phê của nông dân Lào để xuất khẩu và bán trong nước.