Xuất hiện việc nhờ hủy chuyến để chạy ngoài ứng dụng, Be xử lý ra sao?
Gần đây, nhiều người dùng các dịch vụ của ứng dụng công nghệ Be như BeBike, BeCar... phản ánh tình trạng tài xế nhờ hủy chuyến liên tục, song các cuốc xe vẫn được thực hiện và tiền của khách hàng trả sẽ rót thẳng vào túi tài xế, không thông qua ứng dụng Be.
Với khách hàng, đây là một tình huống tiến thoái lưỡng nan, một phần ngại vì tài xế than khổ sở do mức chiết khấu mà theo họ là Be đang lấy quá cao (hơn 30%), dẫn tới việc không đảm bảo thu nhập, không bõ công thực hiện cuốc xe sau khi trừ chi phí xăng dầu, điện thoại...
"Tài xế than phiền với tôi rằng đợt này chi phí xăng dầu lên cao, nhưng ứng dụng lại cắt chiết khấu tới hơn 30%, khiến thu nhập của họ bị ảnh hưởng nên mới buộc phải nhờ khách hủy chuyến", anh Trường, một người dùng ứng dụng Be chia sẻ sau khi liên tiếp được tài xế Be "nhờ" hủy chuyến.
Ngoài dịch vụ BeBike, các dịch vụ khác như BeCar, Be Giao hàng, chúng tôi cũng ghi nhận những phàn nàn về tình trạng tài xế của Be tìm cách thực hiện các cuốc xe mà không thông qua ứng dụng.
Trả lời chúng tôi, một tài xế BeBike cho biết: "Tài xế muốn nhờ khách hủy chuyến cũng có cái lý của họ. Ứng dụng cắt chiết khấu cao quá, hơn 30%, chúng tôi cực chẳng đã mới phải làm vậy". Theo bảng chi tiết thu nhập trên một chuyến đi của tài xế này, chúng tôi phát hiện ngoại trừ các khoản thuế, tài xế chỉ nhận về khoảng gần 70% so với mức cước phí trước thuế.
"Nếu ở khoảng cách gần thì không nói nhưng nếu gặp những cuốc xe có quãng đường dài, nhiều tài xế sẽ chọn nhờ khách hủy chuyến", tài xế Be cho biết. Người này cho rằng với những chi phí mà tài xế phải chịu như điện thoại, xăng xe khi phải chạy lòng vòng để đón khách hay gặp thời tiết xấu, tình hình giao thông phức tạp thì ứng dụng nên thấu hiểu cho tài xế và đưa ra mức chiết khấu hợp lý hơn.
Tuy nhiên, tình trạng này cũng luôn có hai mặt. Khi hủy chuyến để nhận cuốc ngoài của tài xế Be, khách hàng có thể sẽ rơi vào thế bị động khi có vấn đề rủi ro phát sinh và đánh giá về trải nghiệm người dùng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Việt Linh, Giám đốc Truyền thông của Be Group, cho biết Be đã có chế tài xử phạt đối với những tài xế có hành vi "huỷ chuyến" để trục lợi ứng dụng.
"Be quy định các ngưỡng vi phạm về tỷ lệ hủy chuyến dành cho tài xế, và theo đó áp dụng các hình thức từ nhắc nhở, cảnh cáo cho đến tạm khóa tài khoản và cuối cùng là ngừng hợp tác vĩnh viễn nếu tài xế vẫn cố tình vi phạm", ông Linh nêu chế tài xử phạt.
Đồng thời, ông Linh khẳng định Be chưa ghi nhận về báo cáo tỷ lệ hủy chuyến cao bất thường nào ở toàn bộ tài xế. Vị đại diện Be cho rằng một số trường hợp chạy cuốc ngoài ứng dụng được phản ánh chỉ mang tính cục bộ ở tại một thời điểm, hoặc phạm vi không gian nhất định.
Theo vị đại diện, Be cũng đã thưc hiện các biện pháp nhắc nhở tài xế, khách hàng qua các hình thức tin nhắn qua ứng dụng, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng báo chí, mạng xã hội về việc nên thực hiện các chuyến xe an toàn, văn minh thông qua ứng dụng Be để mang lại lợi ích cho cả tài xế và khách hàng.
Về phía người dùng, vị đại diện Be mong muốn khách hàng thực hiện các chuyến đi một cách đầy đủ và hợp lệ thông qua ứng dụng để các bên tham gia sẽ được hưởng những lợi ích như an toàn như hỗ trợ bảo hiểm và y tế nếu xảy ra tai nạn, cũng như việc đảm bảo minh bạch về thông tin chuyến xe, tài xế và hành khách.
"Sự an toàn của khách hàng và tài xế luôn là một trong những ưu tiên quan trọng nhất", đại diện Be cho biết.