|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Các ứng dụng đặt xe công nghệ đang áp chiết khấu lên tài xế như thế nào?

16:23 | 27/07/2022
Chia sẻ
Mặc dù vướng nhiều lùm xùm liên quan đến các khoản phụ phí trong thời gian qua nhưng Grab chưa phải là ứng dụng công nghệ thu phí nhiều nhất ở tài xế.

"Anh (chị) hủy chuyến giúp em, em vẫn lấy đúng giá trên app thôi, đợt này phí cao quá." - đây là câu nói cửa miệng quen thuộc của rất nhiều tài xế BeBike trong thời gian qua.

Gần đây, hiện tượng tài xế của ứng dụng công nghệ Be thường xuyên đưa ra thỉnh cầu với khách hàng, nhờ hủy chuyến dù đơn hàng hay cuốc xe vẫn được thực hiện. Chỉ có điều, phần tiền khách trả sẽ vào thẳng túi của tài xế, không bị ứng dụng cắt chiết khấu.

Anh Trường, một người dùng BeBike cho biết cuối tuần qua, anh có sử dụng dịch vụ BeBike để qua thăm nhà người thân. Cả hai lượt đi và về, tài xế đều yêu cầu hủy chuyến. "Cánh tài xế đều nói rằng họ bị app cắt chiết khấu quá nhiều", anh Trường chia sẻ.

  Bảng chi tiết thu nhập trên một cuốc xe của tài xế BeBike. (Ảnh:Thành Vũ). 

Anh D. (tài xế BeBike) chia sẻ với chúng tôi rằng phần phí ứng dụng "đánh" lên tài xế của Be quá cao khiến tài xế không còn cách nào khác buộc phải nhờ khách hủy chuyến để đảm bảo thu nhập. "Một cuốc xe như vậy, nếu cuốc xa thì đi còn bõ công chứ ở khoảng cách ngắn, không tính trường hợp tài xế phải đi lòng vòng thì cũng phải tốn tiền cước điện thoại, vậy mà ứng dụng cắt tới hơn 30% phí sử dụng ứng dụng. Cực chẳng đã mới phải nhờ khách hủy cuốc", tài xế D. nói.

Theo bảng thu nhập của những cuốc xe gần nhất mà anh D. cung cấp, trong phần cước phí mà Be thu của khách hàng sẽ gồm: Cước phí chuyến đi trước thuế GTGT, phí sử dụng ứng dụng và chiết khấu, thuế TNCN, thuế GTGT. 

Loại trừ các thuế, trên một cuốc xe mà khách hàng phải trả 15.000 đồng thì tiền công cho tài xế chỉ khoảng hơn 13.000 đồng. Be thu phí sử dụng ứng dụng và chiết khấu rơi vào khoảng 30%. Như vậy, phần thực lĩnh của tài xế trên cuốc xe này chỉ còn khoảng gần 9.000 đồng.

Với Gojek, các tài xế cho biết mức phí mà ứng dụng đang thu của tài xế rơi vào khoảng 26 - 27%. Trong khi đó, với một ứng dụng chỉ giao đồ ăn như Baemin, tài xế thường khó nắm bắt phần chiết khấu của ứng dụng.

Theo chia sẻ của anh T. (tài xế Baemin), ứng dụng này không có hiện thị chi tiết các mức phí trên một đơn hàng. Thay vào đó, sẽ có bảng thống kê thu nhập trong ngày được gửi về cho tài xế qua email. Do đó, anh T. cũng không thể nắm rõ chi tiết các mức phí mà ứng dụng thu trên một đơn hàng.

Nhìn thử qua Grab, siêu ứng dụng đặt xe - giao hàng gần đây đang vấp phải phản ứng dữ dội từ dư luận với khoản phí phụ thu "nắng nóng gay gắt".

Mặc dù, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã yêu cầu công ty này phải cung cấp, làm rõ danh mục, các loại hình, mức phí, phụ phí hiện nay được cộng trực tiếp vào giá cước hiển thị, đồng thời yêu cầu Grab gửi bản giải trình về Cục trước ngày 18/7. Tuy nhiên, đến nay Grab vẫn đang xin lùi ngày trả lời cơ quan chức năng.

 Các tài xế Grab mất khoảng 27% phí cho ứng dụng với mỗi cuốc xe. (Ảnh: Thành Vũ).

Trao đổi với anh P. (tài xế Grab), người này cho biết tuy thuộc vào loại hình dịch vụ mà anh thực hiện, Grab sẽ thông báo các mức phí áp dụng với tài xế khác nhau. Nhưng theo tài xế chia sẻ, các mức phí này nhập nhằng và khiến anh P. không thể phân biệt nổi.

Đơn cử, với một cuốc xe mà a P. thực hiện cho GrabBike có phí là hơn 34.000 đồng, Grab phụ thu của khách hơn 8.600 đồng phí nhu cầu cao và trừ hơn 11.000 đồng cho mức phí sử dụng ứng dụng kèm thuế đối với tài xế. Như vây, tổng tiền cuốc xe anh P. thực hiện là gần 43.000 đồng và Grab đã "cắt" khoảng 26% đối với tổng số đó. Tài xế thực nhận khoảng hơn 31.000 đồng.

Đáng nói, các khoản Grab phụ thu của khách đều được tính chung vào với phần thu nhập chưa áp dụng phí nền tảng của tài xế và ứng dụng này sẽ thu khoảng 26 - 27% phí sử dụng ứng dụng kèm thuế trên con số tổng.

Như vậy, rất khó để xác định các khoản phụ phí mà Grab thu của khách hàng có thực sự đổ hết vào túi của tài xế hay không. "Trước có phí thời tiết xấu, giờ thêm cả phí nắng nóng, tôi thực sự không biết các khoản phí đó được chia cho tài xế như thế nào", anh P. chia sẻ.

Trước đó, CEO Founder của Grab, Anthony Tan đã khẳng định 100% nguồn thu từ phí nắng nóng ở thị trường Việt Nam sẽ dành cho đối tác tài xế. Theo lý giải của CEO Anthony Tan, mong muốn của Grab là cho dù điều kiện, hoàn cảnh có khó khăn thì các tài xế - đối tác vẫn có thể ra đường làm việc. 


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Thành Vũ

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.