|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Xử lý nợ xấu: Cần nhìn thẳng sự thật

07:59 | 17/10/2016
Chia sẻ
Khó khăn lớn nhất đối với tiến trình xử lý nợ xấu hiện nay là phải thống nhất về chủ trương, quan điểm có dùng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu hay không.

Thất bại ở đợt tái cơ cấu 5 năm trước, nợ xấu một lần nữa đặt ra bài toán khó cho nhiệm vụ tái cơ cấu hệ thống ngân hàng ở giai đoạn tiếp theo (2016-2020).

Cho vay, không phải cấp phát

Lần đầu tiên, vấn đề chi ngân sách xử lý nợ xấu được Chính phủ đề cập trong báo cáo kết quả thực hiện tái cơ cấu (đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước) và hệ thống ngân hàng) năm 2014. Tuy nhiên, trong báo cáo trình kỳ họp Quốc hội tháng 10-2014, Chính phủ lại rút đề xuất này do đánh giá khả năng không nhận được sự đồng thuận cao. Đến nay, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế những năm qua có phần do phải trả giá từ nợ xấu, để mặc các ngân hàng loay hoay xử lý nên không triệt để. Đã đến lúc phải nhìn thẳng vào sự thật là phải chi một phần ngân sách để xử lý dứt điểm nợ xấu.

TS Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, nhận định khi nói đến chi ngân sách xử lý nợ xấu, dư luận có định kiến là lấy của người nghèo chia cho người giàu. Sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) không phải là “cho không, biếu không”, không phải cấp phát mà thực chất là một loại tín dụng nhà nước, cho vay có định lượng và bảo đảm tránh rủi ro. Nguồn ngân sách này cho các tổ chức tín dụng vay trong 5-10 năm với mức lãi suất nào đó, đến hạn, họ bán được các tài sản bảo đảm thì trả lại. Ngoài ra, cũng có thể phát hành trái phiếu đặc biệt.

“Cần thống nhất về mặt chủ trương, sau đó mới bắt tay vào vấn đề kỹ thuật. Xin lưu ý, mỗi năm tỉ lệ nợ xấu tự nhiên của nền kinh tế phát sinh vào khoảng 1,25% GDP, tương ứng 60.000-70.000 tỉ đồng. Nếu chúng ta không tát ao thật nhanh thì nước mưa từ trên trời trút xuống sẽ tiếp tục làm ao đầy thêm” - ông Phước ví von.

TS Trương Văn Phước cho biết thêm là tỉ lệ sinh lời trên vốn chủ sở hữu của hệ thống ngân hàng 5 năm gần đây giảm 3 lần, từ 12% còn 4%, tỉ lệ sinh lời trên tài sản bảo đảm cũng giảm làm cho nền kinh tế phải chấp nhận chi phí vốn cao. Đó là một trong những lý do trực diện khiến lãi suất lên đến 8%-9%, trong khi lạm phát chưa tới 1%.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico, cho rằng dù muốn hay không vẫn phải dùng NSNN để xử lý nợ xấu, đây là vấn đề có tính nguyên tắc và kinh nghiệm thế giới đã chỉ ra. Thực tế, NSNN đã tham gia xử lý nợ xấu thông qua chi phí cho hoạt động của Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC), giảm thu từ việc các ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro cho nợ xấu... Đã đến lúc thừa nhận vấn đề này để có giải pháp hiệu quả.

Bài toán đánh đổi

Trước những lấn cấn của cả người làm chính sách và dư luận về việc xử lý nợ xấu bằng NSNN, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), nhìn nhận quá trình xử lý nợ xấu phải tách khỏi việc trừng phạt người gây ra nợ xấu. Như vậy, không có nghĩa là khoan dung, là cứu rỗi ngân hàng yếu kém mà thực chất là giảm đi tổn thất, chi phí mà nền kinh tế phải gánh chịu đối với nợ xấu. Từ đó, bảo đảm hệ thống tài chính hoạt động bình thường. Điều này đặc biệt quan trọng khi nền kinh tế Việt Nam chủ yếu dựa vào tín dụng ngân hàng với quy mô tín dụng lên đến 110% GDP.

“Chúng ta không nên sa đà vào việc tranh luận có nên dùng tiền thuế của người dân để xử lý nợ xấu hay không. Vấn đề cốt lõi là bài toán đánh đổi. Nếu sử dụng 5% GDP để xử lý nợ xấu ngay bây giờ thì 5 năm sau, nền kinh tế thu lại 10% GDP từ tăng trưởng thì đây là việc các nhà quản lý phải suy nghĩ. Nếu không, nền kinh tế cứ như cỗ xe di chuyển chậm chạp, không có sức để bứt lên” - TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên kinh tế và Chính sách - ĐHQG Hà Nội, phân tích.

Cần trừng phạt người gây ra nợ xấu

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển tâm đắc với cách xử lý nợ xấu của Indonesia.

Theo ông Tuyển, khi được giao trọng trách đứng đầu ủy ban xử lý nợ xấu của Indonesia, người được chỉ định 2 lần từ chối công việc. Đến lần thứ 3, tổng thống Indonesia yêu cầu phải chấp hành mệnh lệnh với tư cách là một công chức thì ông này mới không thoái thác. Tuy nhiên, vị đứng đầu ủy ban xử lý nợ xấu ra điều kiện là chỉ nhận trọng trách này nếu được trao nhiều quyền hành hơn và chỉ chịu sự chỉ đạo trực tiếp từ tổng thống.

Khi nắm quyền, việc đầu tiên ông này làm là bỏ tù hàng hoạt cá nhân, chủ doanh nghiệp gây ra nợ xấu, sau đó mới bắt tay xử lý nợ. “Đây là một bài học hữu ích cho Việt Nam. Những người gây ra nợ xấu phải bị trừng phạt bằng pháp luật. Xử lý nợ xấu thì phải có tiền tươi, thóc thật” - ông Trương Đình Tuyển đúc kết.

Theo Tô Hà