|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xử lí nghiêm vi phạm sử dụng gỗ nguyên liệu bất hợp pháp, gian lận thương mại

10:56 | 02/12/2020
Chia sẻ
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc gỗ nhập khẩu; 100% doanh nghiệp chế biến cam kết nói không với gỗ bất hợp pháp.

Thông tin tại Hội nghị “Giải pháp thúc đẩy sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản năm 2021 và giai đoạn 2021-2025” cho biết năm 2020 giá trị xuất khẩu lâm sản tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, ước đạt trên 12,6 tỉ USD, tăng 11,5% so với năm 2019, tiếp tục đứng trong 10 nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực của đất nước, báo Chính phủ đưa tin.

Với kết quả này, Việt Nam tiếp tục đứng đầu khối ASEAN, thứ hai châu Á và thứ 5 thế giới về giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản. 

Các sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ của Việt Nam tiếp tục có mặt và giữ vững uy tín tại thị trường của trên 140 quốc gia và vùng lãnh thổ, đặc biệt là tại 5 thị trường lớn, thị trường truyền thống như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU và Trung Quốc.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng có được kết quả trên là do ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản đã chủ động, kịp thời ứng phó, có nhiều giải pháp hay, cách làm mới phù hợp với diễn biến của thị trường và các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Các doanh nghiệp chế biến lâm sản tập trung nguồn lực, tăng cường đầu tư mở rộng mặt bằng, qui mô, nâng công suất, đổi mới dây chuyền công nghệ sản xuất; tăng cường quản trị doanh nghiệp, để nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh. 

Có nguồn nguyên liệu gỗ ổn định, hợp pháp, đáp ứng gần 80% nhu cầu nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ, đầu vào quan trọng của chuỗi cung ứng.

Xử lí nghiêm vi phạm sử dụng gỗ nguyên liệu bất hợp pháp, gian lận thương mại - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Xử nghiêm vi phạm sử dụng gỗ nguyên liệu bất hợp pháp. Ảnh: VGP.

Tuy nhiên, công tác qui hoạch và cơ chế, chính sách đầu tư trong lĩnh vực lâm nghiệp vẫn còn một số bất cập, chưa thực sự tạo động lực và đột phá trong công tác phát triển trồng rừng, chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ có hiệu quả cao và bền vững.

Hạ tầng và công nghiệp phụ trợ phục vụ chế biến gỗ còn yếu; thiếu trung tâm thương mại quảng bá, giới thiệu sản phẩm ngành gỗ có tầm cỡ khu vực và thế giới. 

Việc xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm quốc gia, đầu tư thiết kế mẫu mã, sản phẩm chưa được chú trọng đúng mức; công nghiệp phụ trợ phục vụ cho ngành chế biến lâm sản chưa phát triển...

Ngoài ra tình trạng gian lận thương mại, giả xuất xứ sản phẩm hàng hóa có diễn biến phức tạp trong bối cảnh thuế nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ Việt Nam thấp hơn so với một số nước trong khu vực.

Các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành gỗ

Do đó, theo Phó Thủ tướng để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản năm 2021 và giai đoạn 2021-2025, phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản trở thành một mũi nhọn trong sản xuất nông nghiệp, đóng góp quan trọng trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, Bộ NN&PTNT cần chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách liên quan. 

Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án kiểm kê rừng theo Nghị quyết 118/NQ-CP, Chiến lược và Qui hoạch phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045, các chương trình và đề án liên quan. 

Bên cạnh đó, rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến lâm nghiệp, nhất là chính sách đầu tư bảo vệ, phát triển rừng, chế biến, thương mại lâm sản...

Tập trung phát triển cơ sở hạ tầng ngành chế biến gỗ. Trong đó, xây dựng Trung tâm triển lãm thiết kế mẫu mã sản phẩm gỗ có tầm cỡ khu vực và thế giới; xây dựng một số Khu Lâm nghiệp công nghệ cao để thu hút, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến lâm sản phù hợp với lộ trình, mục tiêu tăng trưởng giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản giai đoạn 2021-2025.

Phát triển công nghiệp chế biến gỗ theo hướng liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm từ khâu trồng rừng tạo nguyên liệu gỗ lớn đến chế biến, thương mại lâm sản.

Đồng thời khuyến khích doanh nghiệp chế biến lâm sản liên kết chặt chẽ, có sự phân công chuyên môn hóa cao về sản xuất chủng loại, chi tiết sản phẩm để tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, quản trị doanh nghiệp.

Phát triển thị trường và xây dựng thương hiệu gỗ Việt. Trong đó, khuyến khích doanh nghiệp tham gia phát triển thị trường nội địa; duy trì, phát triển các thị trường xuất khẩu truyền thống, thị trường chính (như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc…); chủ động xúc tiến thương mại vào các thị trường mới, thị trường tiềm năng. 

Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng kênh phân phối sản phẩm gỗ Việt tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm, thị trường truyền thống, chuyển đổi phương thức bán hàng từ cách truyền thống (offline) sang hình thức bán hàng online. 

Bộ Công Thương chủ trì, hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu gỗ Việt và tập trung tháo gỡ rào cản kĩ thuật, thương mại, phòng chống gian lận thương mại trong hoạt động xuất nhập khẩu gỗ và lâm sản tạo cơ hội mở rộng thị phần xuất khẩu.

Tại Diễn đàn Quốc hội vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu sáng kiến và cũng là yêu cầu từ nay đến năm 2025 trồng 1 tỉ cây xanh. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT chủ trì sớm cụ thể hoá thông điệp này của Thủ tướng thành các kế hoạch, chương trình hành động để triển khai thực hiện.

Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc gỗ nhập khẩu; 100% doanh nghiệp chế biến cam kết nói không với gỗ bất hợp pháp. Xử lí nghiêm các trường hợp vi phạm về sử dụng nguyên liệu gỗ bất hợp pháp, gian lận thương mại, bảo vệ doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam trên thị trường trường quốc tế.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rà soát, nghiên cứu xây dựng chính sách tín dụng ưu đãi lãi suất để hỗ trợ các doanh nghiệp.

Các hiệp hội gỗ và lâm sản thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp với Nhà nước, có kế hoạch, động viên, khích lệ, hỗ trợ các doanh nghiệp trong xuất khẩu lâm sản.

Đồng thời, các doanh nghiệp giữ vững tinh thần làm việc sáng tạo, năng động để tiếp tục duy trì sự phát triển sản xuất, chế biến lâm sản, bảo đảm nhu cầu tiêu dùng các loại sản phẩm của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Như Huỳnh