Xóa app, rời nhóm săn sale, bỏ thẻ tín dụng,... để tránh cám dỗ mua sắm ngày Black Friday
Cuối năm thường là thời điểm diễn ra mùa lễ hội mua sắm nhộn nhịp nhất năm. Từ các cửa hàng bán lẻ, trung tâm thương mại cho đến các trang mua sắm trực tuyến, thương mại điện tử đều chờ đợi các dịp lễ hội này để tung ra những chương trình ưu đãi, giảm giá,… với mong muốn thu hút thêm khách hàng.
Với người mua, các dịp lễ hội mua sắm lớn cuối năm như Ngày Độc Thân (11/11) hay Black Friday (Ngày thứ 6 cuối cùng của tháng 11) là thời điểm không thể phù hợp hơn trong việc tìm kiếm cơ hội mua sắm những món đồ yêu thích với mức giá hợp lý.
Dù vậy, đôi khi việc chi tiêu quá mức có thể dẫn đến nhiều hệ lụy khác nhau, chẳng hạn như vượt quá ngân sách mua sắm của bản thân, mua những món đồ không thật sự cần thiết,… Thậm chí, có những người còn không biết bản thân đã từng đặt mua những món đồ nào cho tới khi shipper giao hàng đến.
Do đó, nhiều người tìm đủ mọi cách khác nhau để tránh những cám dỗ mùa mua sắm cuối năm. Chia sẻ với chúng tôi, chị Phương Nga, 23 tuổi, một nhân viên văn phòng tại Hà Nội cho biết trong những năm trước đây, vào mỗi dịp mua sắm Ngày Độc Thân hay Black Friday, thường chi tới hàng triệu đồng, thậm chí cả chục triệu đồng để mua sắm đồ giảm giá như quần áo, giày dép,…
Với những cám dỗ từ các chương trình ưu đãi như giảm từ 50% đến 70%, mua 1 tặng 1, mua hàng bản thân đã thích từ lâu, mua hàng theo xu hướng,… chị Nga dễ dàng xuống tiền để mua sắm mùa lễ hội mà không suy nghĩ nhiều.
"Có những món đồ mà bản thân tôi thích, nhưng thường ngày chúng được đăng bán với giá vài triệu đồng. Điều này khiến tôi cảm thấy lăn tăn. Tuy nhiên, vào những ngày lễ hội mua sắm như Black Friday hay Ngày Độc Thân, chúng được giảm giá đáng kể, vì vậy tôi sẵn sàng chi tiền để mua hàng. Thậm chí, tôi sẵn sàng mua nhiều món đồ cùng lúc để được hưởng các chương trình ưu đãi khác nhau", chị Nga chia sẻ.
Tuy nhiên, chị Nga cũng nói thêm rằng chính vì tâm lý ham rẻ, mua sắm mà không suy nghĩ nhiều khiến bản thân chị từng cảm thấy tiếc khi mua sắm quá nhiều. Đôi khi, có những bộ quần áo hay giày dép mua về mà không dùng nhiều, thậm chí có những sản phẩm còn nguyên tem, chưa cắt mác.
Từ những quyết định có phần vội vàng trong quá khứ, chị Nga khẳng định năm nay sẽ cố gắng mua sắm một cách có kế hoạch, tránh bị cám dỗ từ các đợt giảm giá. Dù vậy, không đơn giản để những người nghiện mua sắm như chị Nga làm được điều này.
Do đó, chị đã làm một số cách tương đối quyết liệt để tránh rơi vào tình trạng ám ảnh mùa mua sắm. "Tôi quyết định rời khỏi một số nhóm săn sale, mua sắm theo hội nhóm, không bàn bạc về mùa lễ hội mua sắm cuối năm tại công ty. Thậm chí, tôi còn xóa bớt một số ứng dụng mua sắm online, trang thương mại điện tử, tạm thời bỏ theo dõi một số trang mua sắm trên mạng xã hội như Facebook, Instagram,.. để tránh nhận thông báo", chị Nga cho biết.
Anh Đ.H, một nhiên viên văn phòng 26 tuổi tại Hà Nội chia sẻ bản thân là một người đam mê công nghệ, thích những món đồ liên quan đến công nghệ. Tuy nhiên những món đồ này thường có giá trị lớn nên anh thường đợi tới các dịp lễ mua sắm đợi giảm giá để xuống tiền.
"Năm nay, thay vì mua các món đồ điện tử như điện thoại, tai nghe,… tôi quyết định dùng tiền mua các đồ nhu yếu phẩm, dùng cho gia đình như đồ ăn, thức uống,… để tránh việc phải chi ra những khoản lớn. Ngoài ra, tôi không dùng ví điện tử và chỉ dùng tiền mặt thay vì thẻ tín dụng.
Mỗi lần đi shopping, tôi chỉ đem theo một khoản tiền nhất định để giới hạn ngân sách chi tiêu, không tiêu quá dự định", anh chia sẻ về cách tránh cám dỗ mùa mua sắm cuối năm 2021.
Rõ ràng, cuối năm là một thời điểm thích hợp để nhiều người xuống tiền mua các món đồ yêu thích với mức giá phù hợp. Tuy nhiên, khách hàng cần có những cách để mua sắm thông minh thay vì mua ồ ạt, tạo ra những cảm xúc không tốt về sau.