|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Xét xử Phạm Công Danh sáng 25/1: Luật sư chỉ ra những điểm không thuyết phục của cáo trạng

07:15 | 25/01/2018
Chia sẻ
Trong phiên xét xử Phạm Công Danh sáng 25/1, bị cáo Nguyễn Việt Hà (nguyên Tổng giám đốc Quỹ Lộc Việt) và một số nguyên giám đốc các công ty liên quan khoản vay tại TPBank được các luật sư bào chữa, bảo vệ trước tòa cũng như tự bào chữa bổ sung.
xet xu pham cong danh sang 251 luat su chi ra nhung diem khong thuyet phuc cua cao trang Xét xử Phạm Công Danh sáng 11/1: 'Ông Bê không áp đặt chúng tôi phải cho ông Danh vay tiền'
xet xu pham cong danh sang 251 luat su chi ra nhung diem khong thuyet phuc cua cao trang Xét xử Phạm Công Danh sáng 10/1: 'Cho Phạm Công Danh vay là có lợi cho Sacombank'

Các bị cáo xin HĐXX xem xét một cách khách quan hành vi cấu thành tội phạm

Luật sư bào chữa cho bị cáo Ong Khắc Chung (nguyên là Giám đốc Công ty Khánh Chi). Hành vi của Chung liên quan đến hành vi của Vũ Viết Minh Quân (nguyên giám đốc CTCP Dịch vụ Đầu tư và thương mại Minh Quang) trong việc đã sử dụng pháp nhân Công ty Khánh Chi tham gia vào việc vay 112 tỷ đồng của TPBank, mua bán trái phiếu Công ty Trung Dung. Hoàn cảnh gia đình bị cáo Chung có công cách mạng..., luật sư đề nghị HĐXX áp dung mức án khoan hồng, 2-3 năm treo như VKS đưa ra.

Bị cáo Chung tự bào chữa: Bị cáo hoàn toàn đồng ý với luật sư, không bổ sung.

Luật sư Phương Nam bào chữa 2 bị cáo Hà Văn Bình (nguyên Chủ tịch HĐQT CTCP Đại Phát Việt Nam, mức án đề nghị 3 -4 năm tù), bị cáo Đinh Việt Cường (nguyên giám đốc khối KHDN TPBank, mức án đề nghị 6-7 năm tù). Theo luật sư: Hà Văn Bình được Phạm Công Danh nhờ cho mượn pháp nhân Công ty Đại Phát Việt Nam vay tiền ngân hàng TPbank mua trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh, Bình đồng ý nên đã chỉ đạo và ủy quyền cho Đỗ Phương Nam trong cáo trạng là không đúng.

Ông Bình không quen ông Danh, ông Danh cũng thừa nhận không quen ông Bình. Thực tế do ông Hà yêu cầu, ông Bình chỉ thực hiện theo. Luật sư cho rằng bị cáo không hề gặp ông Danh, bàn bạc công việc mà lại bị quy vào tội đồng phạm với Phạm Công Danh gây thiệt hại cho VNCB; đã phạm vào tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Bị cáo Bình tự bào chữa: Trường hợp bị cáo trong vụ án đặc biệt, mong HĐXX xem xét. Về 3 hành vi VKS nêu, bị cáo không quen biết ông Danh, bị cáo cũng không ủy quyền cho ông Đỗ Phương Nam (Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Phát Việt Nam, án đề nghị 3 năm tù và hưởng án treo). Bị cáo chỉ xin HĐXX, VKS xem xét cho bị cáo hành vi gì, hành vi đó để cấu thành tội phạm, truy cứu hình sự không, nếu đủ truy cứu, xin HĐXX xem xét một cách khách quan.

Luật sư khẳng định không có hợp đồng cầm cố 3 bên TPBank, VNCB và công ty Thạch Hà

Luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Hoài Thanh (nguyên phó giám đốc CTCP đầu tư và phát triển Thạch Hà, mức án đề nghị 3 năm tù và hưởng án treo), Nguyễn Kim Cẩm Vân (nguyên phụ trách kế toán CTCP Quản lý quỹ Lộc Việt, mức án đề nghị 3 năm tù) cho biết, Nguyễn Kim Cẩm Vân chuyên kế toán lại nhận trách nhiềm tài chính hoàn toàn không phù hợp, do đó bị cáo không nhận thức được hành vi sai phạm của mình, vô tình tiếp tay cho hành vi sai trái. Bị cáo chỉ làm công ăn lương, nhận lương theo vị trí kế toán, bị cáo không biết hậu quả có thể xảy ra.

Đối với bị cáo Hoài Thanh, gần như chỉ ký tên vào các văn bản, hồ sơ theo chỉ đạo, không hề ý thức về hành vi của mình là sai phạm.

Luật sư khẳng định hoàn toàn không có hợp đồng cầm cố 3 bên TPBank, VNCB và công ty Thạch Hà. Bị cáo phải chịu trách nhiệm về 300 tỷ đồng là chưa chính xác. Bị cáo có vai trò giúp sức nhưng chỉ là thụ động, không mong muốn. Bị cáo không được hưởng đồng nào từ khoản tiền đó ngoài tiền lương. Luật sư nêu hoàn cảnh gia đình khó khăn của 2 bị cáo Thanh và Vân, đề nghị HĐXX xem xét cho hưởng án treo đã đủ tính răn đe, chăm sóc gia đình.

Luật sư chỉ ra những điểm không thuyết phục của cáo trạng

Luật sư Trần Giáng Hương bào chữa cho bị cáo Đỗ Việt Bun nguyên là Giám đốc, người đại diện trước pháp luật Công ty Khôi Nguyên Phát đã có hành vi: Sử dụng pháp nhân Công ty Đức Long để ký các thủ tục liên quan đến hồ sơ vay 109 tỷ đồng tại TPBank.

Luật sư xin sửa Công ty Đức Long thành công ty Khôi Nguyên Phát để tiện cho việc bào chữa. Hành vi của Việt Bun không phải là tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Thứ nhất mua trái phiếu xuất phát từ mục đích đầu tư, tìm kiếm lợi nhuận. Thông qua các kênh thông tin bị cáo đã tìm hiểu mua trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh Sauk khi mua trái phiếu, bị cáo có vay 109 tỷ đồng tại TPBank. Công ty Khôi Nguyên Phát đã sử dụng hợp pháp số tiền trên. Ông Việt hoàn toàn không có mối quan hệ làm việc với ông Danh, việc ký kết hợp đồng với Tập đoàn Thiên Thanh hoàn toàn tự nhiên.

Luật sư cho rằng, phần cáo trạng của bị cáo không thuyết phục. Thứ nhất việc mua trái phiếu là thỏa thuận dân sự và được pháp luật cho phép. Cho dù trái phiếu tập đoàn Thiên Thanh chưa đủ điều kiện, công ty đã chuyển 109 tỷ đồng để mua trái phiếu là có thật. Tập đoàn Thiên Thanh phải có trách nhiêm trả lại số tiền trên. Việc trái phiếu chưa đủ điều kiện thì chỉ có thể giải quyết dân sự chứ không phải hình sự.

Việc sử dụng số tiền đó như thế nào là quyền của Tập đoàn Thiên Thanh. Tập đoàn Thiên Thanh hoàn toàn không thông báo với công ty Khôi Nguyên Phát về việc sử dung số tiền trên.

"Mong HĐXX xem lại lập luận của chúng tôi, do đó vị quy bị cáo có vai trò giúp sức cho Phạm Công Danh và đồng phạm thực hiện tội phạm gây thiệt hại cho VNCB là không đúng", luật sư mong HĐXX đề nghị bị cáo không phạm vào tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Tự bào chữa, bị cáo Bun cho biết chưa từng có hành vi vi phạm pháp luật nào, mong HĐXX cho bị cáo không cách ly với xã hội, có cơ hội chăm sóc gia đình, làm việc có ích.

Vai trò bị cáo Nguyễn Việt Hà - mắt xích quan trọng trong việc ủy thác đầu tư để mua trái phiếu hay thủ đoạn để phạm tội?

Luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Việt Hà (nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quản lý Quỹ Lộc Việt, VKS đề nghị mức án 6-7 năm tù:

Theo luật sư, Nguyễn Việt Hà cũng các đồng phạm đã nhận ủy thác đầu tư số tiền 903 tỷ đồng để mua trái phiếu Thiên Thanh. Hành vi này đã được xem xét ở giai đoạn 1 và tiếp tục chuyển sang giai đoạn 2 trong vụ án này. Vấn đề trách nhiệm của bị cáo Hà, trong bản án sơ thẩm giai đoạn 1 Quỹ Lộc Việt bị truy thu lại và đã hoàn thành xong.

Bào chữa về hành vi giới thiệu các công ty để vay tiền tại TPBank của Nguyễn Việt Hà. Luật sư cho biết, bị cáo giới thiệu 6 công ty để làm hồ sơ vay vốn tại TPBank. Hà không ký bất kì giấy tờ gì trong gói tín dụng TPBank.

Trong 6 công ty thì có 2 công ty thuộc Quỹ Lộc Việt, còn số công ty còn lại là bị cáo giới thiệu anh em, bạn bè. Trong kinh doanh khi thấy sản phẩm nào có lợi thì thường kép người quen vào để cùng kinh doanh, bản thân bị cáo Hà cho rằng đây là sự kinh doanh an toàn, có lợi.

Theo luật sư, cả 2 hành vi này, xuyên suốt vụ án, vai trò của bị cáo Hà nổi lên như một mắt xích quan trọng trong việc ủy thác đầu tư để mua trái phiếu. VKS đang xem xét nó như một thủ đoạn để phạm tội.

Tại thời điểm xảy ra vụ án, có 3 công ty có chức năng như Quỹ Lộc Việt nhưng Quỹ Lộc Việt được chọn. Quá trình nghiên cứu hồ sơ và thẩm vấn cho thấy, bị cáo Hà không có sự bàn bạc, thống nhất với bị cáo Danh. Trước đây, bị cáo Hà chỉ có mối quan hệ quen biết với Phan Thành Mai.

Bị cáo Hà không biết câu chuyện đang sai phạm ở ngân hàng Đại Tín rằng dùng tiền gửi để bảo lãnh cho các công ty vay tiền tại TPBank. Nếu xét ở góc độc lập, bị cáo Hà có niềm tin rằng thực hiện hành vi này không có sai phạm gì, thực hiện theo pháp luật, theo đúng quy chế của Quỹ Lộc Việt.

Việc tham gia với ngân hàng Đại Tín, sẽ tạo cơ hội lớn cho quỹ Lộc Việt. Khi triển khai sản phẩm có nhiều ưu. đãi, đó là cơ hội kinh doanh. Khi ký hồ sơ không có hồ sơ nào chứng minh tiền gửi làm đảm bảo của VNCB tại TPBank. Rất mong VKS đánh giá đúng bản chất của sự việc, luật sư nêu quan điểm.

Luật sư giải thích số tiền 66,8 tỷ đồng: 72 tỷ đồng là lợi nhuận kỳ vọng của Chủ đầu tư trong 2 năm, bất kể không có lãi thì phí 3%. Quỹ Lộc Việt mới thu được 66,8 tỷ đồng thì bị điều tra. Việc tham gia ủy thác là một hoạt động rủi ro của quỹ Lộc Việt. Ngoài việc nhận mức án 6-7 năm và bản thân bị cáo phải chịu trách nhiệm hoàn trả lại một khoản tiền là quá nặng nề. Bản thân bị cáo chỉ là giám đốc điều hành.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Đỗ Phương Nam (PGĐ Công ty CP Đại Phát Việt Nam), Đỗ Minh Thủy (GĐ Công ty CP Đầu tư và Phát triển Thương mại Đức Long):Theo luật sư, các bị cáo bị truy tố đơn giản là ở hành vi ký các hồ sơ. Các bị cáo thụ động, ký nhưng không biết kí gì, chỉ do quen biết Hà nên ký.

Ngoài ra, các bị cáo không chối bỏ hành vi, chỉ biết đưa gì kí nấy. Thời gian bị tạm giam, luật sư cho rằng đã đủ để răn đe đối với các bị cáo. Đây đều là nhân viên làm công ăn lương, gia đình có công với cách mạng. Luật sư mong HĐXX xem xét để ấn định mức hình phạt thấp hơn mức đề nghị để các bị cáo có cơ hội sớm hòa nhập xã hội, làm lại cuộc đời.

Tự bào chữa, Việt Hà mong HĐXX đánh giá thêm các lới khai, thêm chứng cứ. Bị cáo làm việc chỉ mong cho công ty có lời, không có lợi ích cá nhân, đề nghị HĐXX xem xét. Đối với bị cáo Vũ Viết Minh Quân, chỉ làm việc theo chỉ đạo của bị cáo. Còn khoản vay tại TPBank là chỗ bạn bè thân thiết nên bị cáo mới giới thiệu.

Tham gia tự bào chữa, hai bị cáo Thủy và Nam đều mong HĐXX xem xét để giảm nhẹ hình phạt.

Tóm tắt phiên tòa Phạm Công Danh chiều 24/1

Chiều 24/1, phiên xử ông Phạm Công Danh (cựu Chủ tịch HĐQT VNCB, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh), Trầm Bê (cựu phó Chủ tịch HĐQT Sacombank) và 44 đồng phạm về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng tiếp tục với phần tranh luận.

Tự bào chữa cho mình, ông Trầm Bê mong HĐXX xem xét lại mức án 5-6 năm tù VKS đề nghị vì không có căn cứ xác định ông cho Phạm Công Danh vay tiền với tư cách cá nhân và ông Danh không được phép vay tiền của Sacombank.

"Tôi đại diện cho một pháp nhân. Tôi hoàn toàn không trục lợi cá nhân. Tôi gọi anh Danh là người bạn nhưng là người đại diện cho một tập thể", ông Bê nói và cho biết đã yêu cầu phía ông Danh đáp ứng đầy đủ các điều kiện mới đồng ý cho vay.

Cựu phó Chủ tịch HĐQT Sacombank cũng cho rằng, mình chỉ làm những gì pháp luật cho phép, khi ông Danh giới thiệu khách hàng sang Sacombank vay tiền còn lại là nghiệp vụ của ngân hàng. Ông cho biết trong 40 năm làm doanh nghiệp ông chưa hề có hành vi vi phạm pháp luật.

"Dù tôi học thức thấp nhưng tôi đã làm ngân hàng tín dụng gần 10 năm nay. Có thể do tôi không hiểu hết, hoặc thời kỳ đang bổ sung luật mới tôi không nắm hết", ông Bê phân trần.

Bên cạnh đó, trong phiên tòa, sau phần bào chữa của luật sư, bị cáo Phan Huy Khang (nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng Sacombank) đã bào chữa bổ sung cho mình. Ông Khang trình bày rằng luật pháp không cấm, cho vay được và an toàn nên ông triển khai xuống bộ phận chuyên môn thực hiện cho vay theo quy định.

xet xu pham cong danh sang 251 luat su chi ra nhung diem khong thuyet phuc cua cao trang
Nguyên TGĐ Sacombank Phan Huy Khang tại phiên tòa ngày 24/1. (Ảnh: NH).

"Bị cáo đã thực hiện đúng trách nhiệm, vai trò của mình, sau đó triển khai đúng trình tự cho các cấp chuyên môn trình hồ sơ lên thì bị cáo thấy đúng nên ký cho vay.

Quy trình của Sacombank từ trên xuống và từ dưới lên đã thực hiện đúng, đầy đủ. Việc cho vay không biết mục đích, hành vi sai của 6 công ty cũng như cá nhân ông Phạm Công Danh. Bị cáo cho vay cũng không có mục đích cá nhân, tư lợi"

Ông Khang thừa nhận kết quả giám định của Ngân hàng Nhà Nước đã chỉ ra cho Sacombank có một vài thiếu sót do thấy tài sản đảm bảo quá an toàn nên trong việc xem xét hồ sơ vay đã gặp nhiều thiếu sót.

"Qua những ngày xét xử cũng như trong quá trình điều tra, cá nhân bị cáo luôn hợp tác điều tra, cung cấp đầy đủ chứng cứ; không nghĩ là đồng phạm giúp sức cho ông Danh. Bị cáo xin VKSND và HĐXX cho bị cáo mức hình phạt nhẹ nhất, cụ thể cho được hưởng cải tạo không giam giữ để sớm trở về với gia đình" - bị cáo Khang trình bày.

Bào chữa cho bị cáo Đặng Thị Bích Thủy, về trách nhiệm hình sự, luật sư Lê Thị Bích Chi không đồng ý với cáo trạng và nội dung luận tội của VKSND quy buộc bị cáo Thủy phạm tội "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" với vai trò là đồng phạm giúp sức cho bị cáo Phạm Công Danh.

Theo luật sư Chi, hành vi của bị cáo Thủy không thỏa mãn yếu tố cấu thành tội phạm và cũng không thỏa mãn đầy đủ yếu tố cấu thành của bất kỳ tội phạm nào khác được quy định tại Bộ Luật Hình sự. Về dân sự, luật sư của bị cáo Thủy không đồng ý với quan điểm của VKSND và yêu cầu bồi thường thiệt hại của Ngân hàng CB buộc bị cáo Thủy phải liên đới chịu trách nhiệm với số tiền 1.216,8 tỉ đồng.

Theo phân tích của luật sư, hành vi của bị cáo Thủy không giúp sức cho Phạm Công Danh gây thiệt hại cho CB; không có mối quan hệ nhân quả với thiệt hại của CBBank.

PV