Xây dựng kho dự trữ xăng dầu: Cần thiết nhưng quy mô vẫn còn khiêm tốn
Quy mô vẫn còn khiêm tốn so với nhiều quốc gia khác
Mới đây, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đề xuất Chính phủ đầu tư tổ hợp lọc hóa dầu và kho dự trữ quốc gia dầu thô, sản phẩm xăng dầu quy mô hơn 18 tỷ USD tại khu công nghiệp dầu khí Long Sơn thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Riêng về kho dự trữ quốc gia, PVN dự kiến kho có quy mô 1 triệu tấn dầu thô và 500.000 m3 sản phẩm xăng dầu/năm.
PVN cho biết việc xây dựng kho dự trữ quốc gia là cần thiết bởi hiện nay dự trữ xăng dầu trong nước hiện nay mới đáp ứng được chưa tới 10 ngày tiêu dùng nên phụ thuộc vào sự ổn định sản xuất và cung cấp xăng dầu từ nguồn nhập khẩu. Chưa kể mặt hàng xăng dầu, sản phẩm hóa dầu có tính đặc thù nên cần có thời gian đặt hàng trước.
Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Văn Thập, Phó Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam (VUSTA) đánh giá việc xây dựng kho ngầm để tàng trữ dầu thô và các sản phẩm xăng dầu là cần thiết để đảm bảo an ninh năng lượng, ứng phó với biến động thị trường lúc giá dầu giảm sâu hoặc tăng cao.
Tuy nhiên, hiện mỗi năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 18 triệu m3 xăng dầu, tương đương 50.000 m3/ngày.
“Ở thời điểm này, 500.000 m3 xăng dầu dự trữ mới chỉ đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong 10 ngày. Tôi cho rằng với quy mô của kho dự trữ quốc gia được PVN đề xuất vẫn là khiêm tốn và thấp hơn nhiều nước.
Nếu có thể nâng lên dự trữ 30 ngày sẽ giúp ổn định trong những tình huống biến động như thời gian vừa qua”, ông Thập nói.
Dù vậy, ông Thập cũng thừa nhận việc nâng dự trữ xăng dầu quốc gia từ 5-7 ngày lên 15-17 ngày đã là rất tốt và góp phần ổn định an ninh năng lượng trong ngắn hạn.
Ngoài việc xây dựng kho dự trữ, Phó chủ tịch Vusta cũng đồng tình với dự án tổ hợp lọc dầu thứ ba của PVN bởi khi nhu cầu tiêu thụ xăng dầu tăng, dự kiến khoảng 25 triệu tấn vào năm 2025 rồi lên tới 33 triệu tấn vào năm 2030.
Với năng lực sản xuất hiện nay, Việt Nam có thể thiếu hụt lượng khoảng 19,5 triệu tấn xăng dầu vào năm 2030, khoảng 25 triệu tấn vào năm 2035 và lên tới 49 triệu tấn vào năm 2045. Việc xây dựng thêm nhà máy lọc dầu sẽ tăng khả năng chủ động nguồn cung trong nước, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.
Ông Thập cho biết nếu dự án này được thông qua, PVN sẽ phải tổ chức nghiên cứu tiền khả thi, khả thi và đưa ra dự toán chi tiết, kế hoạch thiết kế công nghệ, triển khai đấu thầu xây lắp hạng mục, công trình… Đây là quá trình dài và cần tính toán thật kỹ lưỡng, không thể vội vàng.
Còn theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, xây dựng kho dự trữ xăng dầu là bước đi quan trọng để mặt hàng xăng dầu được vận hành chuẩn theo kinh tế thị trường, cạnh tranh.
Khi đó, Nhà nước sẽ điều tiết thị trường bằng cách xả ra hoặc mua vào kho dự trữ, đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước, đồng thời không phải lo doanh nghiệp đầu mối có dự trữ đủ hai tuần hay không, khi thị trường cạnh tranh thì doanh nghiệp dự trữ nhiều hay ít.
Còn doanh nghiệp đầu mối có thể kinh doanh tự do theo kinh tế thị trường, tránh tình trạng hàng tồn kho lớn, giá cao khiến mức chiết khấu cho các doanh nghiệp bán lẻ thấp. Khi vận hành theo nguyên tắc cạnh tranh, những yếu tố như quỹ bình ổn giá xăng dầu, quy định lợi nhuận định mức có thể bỏ.
Dự trữ xăng dầu hiện nay còn nhiều bất cập
Thực tế, dự trữ xăng dầu quốc gia mỏng khiến việc điều hành gặp không ít khó khăn, đặc biệt trong giai đoạn đầu năm 2022 vừa qua.
Bà Nguyễn Thuý Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch cho biết hiện, cơ cấu dự trữ xăng dầu đến từ 3 nguồn, bao gồm dự trữ trong sản xuất, dự trữ thương mại và dự trữ quốc gia.
Trong đó, dự trữ sản xuất đến từ hai nhà máy lọc dầu. Dự trữ thương mại nằm ở các thương nhân kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối. Cuối cùng là nguồn dự trữ quốc gia.
Tuy nhiên, dự trữ quốc gia của Việt Nam chỉ được khoảng 5-7 ngày, còn khá mỏng so với các quốc gia khác…
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải dẫn chứng dự trữ xăng dầu của một số quốc gia như Nhật Bản, Australia, Mỹ đang khoảng 90 ngày.
“Dự trữ xăng dầu của Việt Nam như một hình thức tiết kiệm, khi nguồn cung xăng dầu thiếu hụt sẽ mang ra dùng. Và dự trữ xăng dầu có tính lưu chuyển, không phải lúc nào cũng nằm trong kho”, Thứ trưởng khẳng định.
Trong bối cảnh nguồn cung thế giới và việc sản xuất trong nước bị gián đoạn, doanh nghiệp đầu mối đã đóng vai trò quan trọng trong việc dự trữ xăng dầu. Tuy nhiên, việc dự trữ trong doanh nghiệp cũng lộ nhiều bất cập.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: "Hiện, nước ta chưa có hệ thống kho dự trữ riêng mà giao việc dự trữ này cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đầu mối. Cơ chế trên rõ ràng là bất hợp lý.
Ngoài ra, việc các doanh nghiệp đầu mối có thực hiện dự trữ bắt buộc hay không, trong khi cùng lượng xăng dầu đó, để ở kho đó lại là ẩn số”.
Lãnh đạo Bộ Công Thương sẽ đề xuất cơ chế tách bạch được dự trữ quốc gia bằng những tổng kho do nhà nước quản lý với dự trữ doanh nghiệp bằng những kho của doanh nghiệp. Điều này giúp việc kiểm soát, vận hành sẽ tốt hơn.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đã trình cấp có thẩm quyền xem xét việc thiết kế lại mô hình quản lý quỹ dự trữ và nâng mức dự trữ để tránh khi bất trắc.