|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Xây dựng Hoà Bình chưa thể phục hồi khi dịch COVID-19 vẫn tiếp diễn và giá thép tăng phi mã

09:57 | 02/05/2021
Chia sẻ
Dù quý I Xây dựng Hoà Bình ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng 63% so với cùng kỳ năm trước song con số chỉ chưa tới 9 tỷ đồng, ở mức rất thấp so với thời kỳ hoàng kim 2017 - 2018 của công ty.

CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (Mã: HBC) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2021.

Quý I, doanh thu thuần của Xây dựng Hoà Bình giảm 7% so với cùng kỳ năm trước còn 2.263 tỷ đồng. Giá vốn giảm mạnh hơn giúp biên lợi nhuận của doanh nghiệp cải thiện lên 8,7%.

Dù hụt thu tài chính và chi phí lãi vay tăng song các chi phí được tiết giảm giúp công ty báo lãi sau thuế tăng 63% lên gần 9 tỷ đồng. Lãi ròng của doanh nghiệp chưa tới 8 tỷ.

Xây dựng Hoà Bình - Ảnh 1.

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2021.

Theo nghị quyết HĐQT mới đây, doanh nghiệp đặt mục tiêu tổng doanh thu 13.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế kỳ vọng 235 tỷ đồng, lần lượt tăng 20% và gấp 2,79 lần kết quả năm 2020.

So với kế hoạch này, Xây dựng Hoà Bình mới đạt chưa tới 17% kế hoạch doanh thu và 4% mục tiêu lợi nhuận năm.

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT công ty chia sẻ trong báo cáo thường niên rằng: "Suốt ba năm 2018, 2019 và 2020 thị trường xây dựng đầy khó khăn do không có nhiều dự án đầu tư địa ốc được cấp giấy phép xây dựng, cộng thêm những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 khiến các chủ đầu tư trong lĩnh vực du lịch và bất động sản nghỉ dưỡng đều bị thiệt hại rất lớn".

Sang tới đầu năm 2021, dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát khi liên tiếp có tới hai đợt dịch bùng phát từ đầu năm. Bên cạnh đó, giá thép xây dựng đang tăng phi mã. 

Khoảng giữa tháng 4 vừa qua, Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) đã phải kêu cứu với chính phủ có những biện pháp bảo vệ các nhà thầu xây dựng Việt Nam đang đứng trước nguy cơ vỡ trận, phá sản vì tình hình giá thép tăng đột biến.

VACC cho rằng các nhà thầu xây dựng Việt Nam gặp phải những khó khăn không cách nào tháo gỡ vì các chủ đầu tư không phải vốn nhà nước đa số đều sử dụng loại hợp đồng có giá trị cố định không điều chỉnh ở thời điểm ký (trừ trường hợp bất khả kháng) nên các nhà thầu phải tự giải quyết sự thâm hụt lớn này.

"Còn các dự án đầu tư vốn ngân sách lại phải áp dụng đơn giá vật liệu theo thông báo của các Sở Xây dựng, mà các thông báo này thì không cập nhật được biến động giá kịp thời nên các nhà thầu cũng phải tự xử lý phần biến động này".

Hai doanh nghiệp trong ngành xây dựng là CTCP Xây dựng Coteccons (Mã: CTD) và CTCP Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Ricons cũng ghi nhận lợi nhuận đi lùi trong quý I/2021. 

Theo thống kê thì mức lợi nhuận quý I năm nay của Coteccons thấp nhất kể từ quý II/2013 tới nay và biên lợi nhuận gộp quý này chỉ đạt gần 4,7% trong bối cảnh giá thép xây dựng tăng phi mã.

Gần 10.400 tỷ đồng phải thu ngắn hạn

Về tình hình tài chính, tổng tài sản cuối quý I là 15.565 tỷ đồng, tương đương so với đầu năm.

Chỉ tiêu chiếm tỷ trọng lớn nhất vẫn là khoản phải thu ngắn hạn với 10.397 tỷ đồng tại ngày 31/3, giảm nhẹ hơn 2,3% so với đầu năm và đã được trích lập dự phòng hơn 407 tỷ. Phải thu từ khách hàng và theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng chiếm chủ yếu.

Trong đó, khoản phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng gần 4.373 tỷ,  tăng 291 tỷ đồng so với đầu năm.

Phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng được ghi nhận cùng lúc với doanh thu. Khoản mục này dùng để ghi nhận phần trăm công việc mà Hòa Bình đã hoàn thành và được xác minh bởi bên tư vấn thứ ba, nhưng chưa lập hóa đơn cho khách hàng.

Còn phải thu khách hàng được chuyển từ phải thu theo tiến độ hợp đồng xây dựng đã lập hóa đơn và chuyển đến khách hàng. Theo đó, khách hàng có nghĩa vụ phải thanh toán cho Hòa Bình và bất kỳ khoản thanh toán chậm nào sẽ bị phạt.

Tổng nợ đi vay (đều là nợ ngân hàng) cuối quý I của Xây dựng Hoà Bình là 4.935 tỷ đồng, giảm 182 tỷ so với đầu năm và phần lớn là nợ ngắn hạn. Tổng nợ đi vay chiếm 32% tổng nguồn vốn và gấp gần 1,19 lần vốn chủ sở hữu.

Hoàng Kiều