|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Xây dựng chính sách 'hút' sóng đầu tư vào ngành bán dẫn

19:58 | 20/02/2024
Chia sẻ
Việt Nam đang trở thành một tên tuổi quan trọng, thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư, đồng thời là điểm đến cho nghiên cứu, phát triển và sản xuất chip bán dẫn.

Việt Nam đang nổi lên như một thị trường trọng điểm sản xuất chất bán dẫn lớn trên toàn cầu. Tuy nhiên tình trạng cạnh tranh giữa các quốc gia trong khu vực và trên thế giới về thu hút FDI, đặc biệt là đối với ngành bán dẫn cũng được đánh giá là rất khốc liệt. Vậy Việt Nam cần có những giải pháp gì để có thể tận dụng các cơ hội đón làn sóng đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn?

Nhằm có góc nhìn rõ hơn về vấn đề này, phóng viên BNEWS/TTXVN đã có cuộc phỏng vấn với ông Hoàng Việt Anh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn FPT.

Ông nhận định như thế nào về tiềm năng và cơ hội thu hút đầu tư trong ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam?

Phó Tổng giám đốc Hoàng Việt Anh: Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển công nghệ chip bán dẫn. Ngành này có thể trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam trong thời gian tới và Việt Nam có nhiều cơ hội để thu hút đầu tư vào ngành bán dẫn.

Đầu tiên, Việt Nam là một thị trường tiêu thụ chip có tiềm năng lớn trên thế giới. Dữ liệu thống kê cho thấy, tốc độ phát triển của thị trường chip tại Việt Nam trong những năm gần đây đạt 6,12% mỗi năm và dự kiến đến năm 2027 quy mô của thị trường có thể đạt khoảng 1,66 tỷ USD.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm dây chuyền sản xuất của Công ty sản xuất chíp bán dẫn tại Bắc Giang. (Ảnh: Dương Giang-TTXVN).

Thêm vào đó, Việt Nam đang trở thành một tên tuổi quan trọng, thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư, đồng thời là điểm đến cho nghiên cứu, phát triển và sản xuất chip bán dẫn. Điều này xuất phát từ một số lý do.

Thứ nhất, Việt Nam có lợi thế về điều kiện tự nhiên, là một trong số ít các quốc gia trên thế giới có trữ lượng đất hiếm, một nguyên liệu quan trọng trong sản xuất chip bán dẫn.

Thứ hai, về thời cơ, trong chuyến thăm và làm việc của Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Việt Nam vào tháng 9/2023, Chính phủ hai nước đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Một trong những điểm quan trọng trong việc nâng cấp quan hệ là thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực phát triển năng lực sản xuất chip bán dẫn cho Việt Nam. Đây được xem là một cơ hội quan trọng và tích cực, có thể thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam trong lĩnh vực này.

Thứ ba, Chính phủ Việt Nam đã liên tục ban hành những chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực chip và bán dẫn. Thỏa thuận hợp tác với nhiều quốc gia, Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường và đưa ra nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn hơn để thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.

Thứ tư, Việt Nam có lực lượng lao động trẻ và năng động, phù hợp để đào tạo trở thành các kỹ sư trong ngành sản xuất chip và bán dẫn. Mặc dù, hiện chỉ có khoảng 5.000 kỹ sư làm việc trong 40 công ty chip và bán dẫn ở trong nước, nhưng Việt Nam đã có lộ trình tăng gấp 10 lần số kỹ sư này trong thời gian từ nay đến năm 2030. Do vậy, Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng trở thành một trong các điểm đến để nghiên cứu, phát triển và sản xuất chip bán dẫn trên thế giới trong thời gian tới.

Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới đang rất quan tâm đầu tư vào phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. Vậy các doanh nghiệp Việt nói chung và FPT nói riêng đã chuẩn bị gì cho “cuộc đua” này?

Phó Tổng giám đốc Hoàng Việt Anh: Trong vòng 15 - 20 năm qua, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn nhà đầu tư; trong đó có lĩnh vực chip và bán dẫn. Nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới như Intel, Samsung hay Foxconn đã có mặt tại Việt Nam.

Việt Nam cũng đã xây dựng và xác định ngành công nghiệp chip bán dẫn sẽ là hướng mũi nhọn trong thời gian tới. Các doanh nghiệp trong nước đã phối hợp với Chính phủ để xây dựng những chính sách, lộ trình phát triển năng lực cho Việt Nam. Cụ thể, Việt Nam đã có một lộ trình đào tạo khoảng 50.000 kỹ sư chuyên lĩnh vực chip và bán dẫn từ nay đến năm 2030.

Thêm vào đó, Việt Nam đã có quy hoạch mảng chip và bán dẫn tại các khu công nghiệp. Các doanh nghiệp lớn của Việt Nam như Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tập đoàn FPT cũng đã chủ động xây dựng năng lực tham gia vào quá trình nghiên cứu phát triển và sản xuất chip. Trong đó, FPT đã bắt tay vào lĩnh vực chip và bán dẫn, với sự hợp tác đầu tiên là gia công cho các hãng làm chip bán dẫn của các nước trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Ông Hoàng Việt Anh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn FPT. (Ảnh: BNEWS/TTXVN).

Năm 2022, FPT đã chính thức thành lập Công ty cổ phần Bán dẫn FPT chuyên tập trung vào lĩnh vực chip và bán dẫn. Đây là công ty đầu tiên tại Việt Nam thương mại hóa thành công sản phẩm chip FPT 6153, dòng chip tập trung mạnh vào lĩnh vực Internet vạn vật (IoT - Internet of Things). Công ty đã nhận được đơn đặt hàng lớn sản xuất hơn 70 triệu chip.

Đồng thời, Tập đoàn FPT cũng chú trọng vào việc xây dựng hệ thống chương trình đào tạo về chip và công nghệ bán dẫn tại hệ thống giáo dục FPT. Bên cạnh đó, FPT sẽ tiếp tục mở rộng mối quan hệ hợp tác quốc tế, đồng thời tập trung vào nghiên cứu, đầu tư, mua bán, sáp nhập các doanh nghiệp có năng lực trong lĩnh vực chip và bán dẫn, nhằm tăng cường năng lực nội tại.

Các chuyên gia cho rằng để phát triển ngành bán dẫn thì vấn đề lớn nhất hiện nay là nhân lực, vậy theo ông, khả năng đáp ứng về nguồn nhân lực này của Việt Nam hiện như thế nào và FPT đã có chính sách gì để phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu cho ngành bán dẫn?

Phó Tổng giám đốc Hoàng Việt Anh: Nguồn nhân lực trẻ của Việt Nam khá nhanh nhạy trong việc học hỏi công nghệ mới. Tuy nhiên, thực tế việc đầu tư xây dựng nguồn lực làm chip và bán dẫn ở Việt Nam thời gian qua chưa thực sự tương xứng. Đến thời điểm hiện nay, Việt Nam mới chỉ có 5.000 kỹ sư làm việc trong khoảng 40 công ty chip và bán dẫn.

Trước lộ trình đào tạo khoảng 50.000 kỹ sư chuyên về chip và bán dẫn từ nay đến năm 2030 của Chính phủ Việt Nam, FPT đã có những chuẩn bị và chính sách trong việc phát triển nguồn nhân lực ngành chip bán dẫn.

Cụ thể, ngoài việc thành lập Công ty cổ phần Bán dẫn FPT năm 2022, FPT đào tạo kỹ sư chuyên về chip và bán dẫn với mục tiêu đầu ra thị trường đến năm 2030 vào khoảng 10.000 kỹ sư. FPT cũng đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đầu tư và mua bán sáp nhập các doanh nghiệp công nghệ thông tin của nước ngoài. Thời gian tới, Tập đoàn sẽ đặt trọng tâm vào doanh nghiệp sản xuất chip và bán dẫn nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường.

Ở góc độ doanh nghiệp, Tập đoàn FPT có kiến nghị chính sách gì để doanh nghiệp có thể tham gia chuỗi cung ứng trong ngành bán dẫn khi làn sóng đầu tư vào Việt Nam, thưa ông?

Phó Tổng giám đốc Hoàng Việt Anh: Lĩnh vực chip và bán dẫn đang là một tiềm năng lớn đối với Việt Nam nói chung và FPT nói riêng. Nguồn nhân lực được coi là chìa khóa quan trọng đầu tiên trong việc xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn và chip tại Việt Nam. Do vậy, FPT mong muốn Chính phủ sẽ quyết liệt và thúc đẩy mạnh hơn nữa việc đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực chip và bán dẫn tại Việt Nam. Để làm được điều này, Việt Nam cần phải có những chính sách khuyến khích các trung tâm đào tạo, trường đại học trong nước tập trung vào lĩnh vực này.

Việt Nam cần tạo sân chơi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước mạnh dạn đầu tư và kinh doanh trong lĩnh vực chip và bán dẫn. Những chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp nước ngoài cũng cần tương xứng đối với doanh nghiệp trong nước, qua đó mới tạo ra được động lực cho các doanh nghiệp này đầu tư và phát triển.

Ông Hoàng Việt Anh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn FPT. (Ảnh: BNEWS/TTXVN).

Ngoài ra, Chính phủ cần xem xét, đảm bảo cơ sở vật chất tương xứng, điều kiện sống tốt khi thu hút những kỹ sư người Việt hay các chuyên gia giỏi trên thế giới đến Việt Nam làm việc. Cuối cùng, Việt Nam cần có sự đồng bộ nhất định về hạ tầng logistics, phần cứng và phần mềm, qua đó mới tạo điều kiện được cho ngành công nghiệp chip và bán dẫn phát triển.

Thưa ông, giải pháp của FPT để có thể tham gia chuỗi cung ứng trong ngành bán dẫn đón làn sóng đầu tư này là gì?

Phó Tổng giám đốc Hoàng Việt Anh: Lĩnh vực chip và bán dẫn đang là một hướng kinh tế mũi nhọn, vấn đề mới và nóng ở thời điểm hiện nay tại Việt Nam. Tuy nhiên, với những động lực và sự nỗ lực của Nhà nước và doanh nghiệp, Việt Nam có thể làm được. Từ kinh nghiệm 25 năm xây dựng mảng phần mềm, Tập đoàn FPT đã đưa ra một số định hướng cụ thể.

Thứ nhất, FPT cùng với các doanh nghiệp lớn của Việt Nam khác như Viettel, VNPT cần nỗ lực và tích cực phối hợp cùng với Chính phủ trong việc đưa ra các mô hình, chính sách, giải pháp nhằm khuyến khích phát triển ngành công nghiệp chip và bán dẫn tại Việt Nam, bao gồm khuyến khích đầu tư từ nước ngoài cũng như doanh nghiệp trong nước chủ động và quyết liệt tham gia lĩnh vực công nghệ mới này. Thứ hai, FPT đã có sự chuẩn bị thúc đẩy xây dựng năng lực cốt lõi trong lĩnh vực chip và bán dẫn. Thứ ba, chú trọng đầu tư xây dựng nguồn nhân lực kỹ sư chất lượng cao. Đây một trong những định hướng trọng điểm FPT đã và sẽ thực hiện quyết liệt trong thời gian tới.

Trong chuỗi sản xuất, cung ứng chip và bán dẫn, các doanh nghiệp có thể tham gia từ giai đoạn nghiên cứu phát triển, thử nghiệm sản xuất và phân phối bán hàng. Tập đoàn FPT hiện đang ở giai đoạn nghiên cứu phát triển sản phẩm. Trong quá trình sản xuất, do điều kiện tại Việt Nam chưa sẵn sàng, doanh nghiệp đã buộc phải hợp tác với các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) tại nước ngoài để sản xuất và phân phối bán hàng ở nước ngoài.

Việt Nam có năng lực nghiên cứu phát triển và bán hàng, nhưng điều kiện cơ sở vật chất để sản xuất lại chưa tương xứng và đạt chuẩn. Do vậy, FPT cùng các doanh nghiệp khác cũng đang chủ động trao đổi, tham vấn với Chính phủ trong việc xây dựng lộ trình, khung pháp lý cũng như chính sách nhằm khuyến khích đầu tư và đảm bảo cho các nhà đầu tư có thể thu hồi vốn sớm nhất. Đây là một trong những bước đi quan trọng để giúp thúc đẩy và xây dựng chuỗi sản xuất chip và bán dẫn tại Việt Nam trong thời gian tới.

Trân trọng cám ơn ông!


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Thuỳ Linh