|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xây dựng 5 vùng nguyên liệu nông sản, quy mô 166.800 ha

11:54 | 26/10/2022
Chia sẻ
Đại diện Cục Chế biến và Phát triển nông sản cho rằng Việt Nam cần hình thành 5 vùng sản xuất nguyên liệu tập trung quy mô 166.800 ha thuộc 13 tỉnh, thành, tập trung vào các ngành chủ lực rau quả, gỗ, gạo, cà phê...

Tại diễn đàn “Liên kết vùng – động lực phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế”, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết thời gian qua, ngành nông liên tục đón nhiều tin vui khi nhiều loại trái cây như bưởi, sầu riêng, chanh leo được xuất khẩu chính ngạch sang một số thị trường.

Tuy nhiên ngành nông nghiệp cũng đang gặp nhiều rào cản trong xây dựng vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc và hạ tầng kỹ thuật trong chế biến.

Để duy trì và nâng cao kết quả xuất khẩu nông sản, ông Toản cho rằng việc xây dựng vùng nguyên liệu cần gắn với quy hoạch, quản lý quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội là khâu quan trọng.

Trong đó, vùng nguyên liệu phải theo nhu cầu thị trường, các điều kiện lợi thế tự nhiên để hình thành phát triển các vùng sản xuất hàng hóa lớn được ứng dụng khoa học tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ sinh học, thông minh, hữu cơ, phát triển tuần hoàn…

Ngoài ra, xây dựng vùng nguyên liệu nông sản phải gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tổ chức lại sản xuất và đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục chế biến & Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT (Ảnh: Hoàng Anh)

Đại diện Cục Chế biến và Phát triển nông sản cho rằng Việt Nam cần hình thành 5 vùng sản xuất nguyên liệu tập trung quy mô 166.800 ha thuộc 13 tỉnh, thành.

Khu vực (tỉnh, thành)

Vùng nguyên liệu

Sơn La, Hòa Bình

Vùng cây ăn quả miền núi phía Bắc với diện tích 14.000 ha

Quảng Trị, Thừa Thiên Huế

Vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng có chứng chỉ bền vững (FSC, PEFC, VFCS…) với 22.900 ha

Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk, Đăk Nông

Vùng cà phê Tây Nguyên khoảng 19.700 ha

An Giang, Kiên Giang

Vùng lúa gạo Tứ giác Long Xuyên khoảng 50.000 ha

Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang

Vùng cây ăn quả Đồng Tháp Mười với 60.200 ha

“Việc xây dựng các vùng nguyên liệu chuyên canh sẽ giúp các vùng có định hướng riêng, không phát triển chồng lấn, cạnh tranh nội vùng. Nếu không thay đổi và theo kịp xu thế thị trường, chúng ta có thể tụt hậu ngay trong dư địa của mình”, ông Toản nói.

Ngoài việc xây dựng vùng nguyên liệu, theo ông Nguyễn Quốc Toản cần phát triển hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản.

Đồng thời hình thành các chuỗi liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân sản xuất nguyên liệu tạo mối quan hệ win –win (đôi bên cùng có lợi) trong từng mắt xích trong chuỗi. Điều này sẽ giúp giảm chi phí sản xuất đầu vào khoảng 5-10%; giảm tổn thất sau thu hoạch 5-10% và gia tăng giá trị 10-20%.

Sau vấn đề vùng nguyên liệu, tiêu thụ nông sản là vấn đề được các chuyên gia và doanh nghiệp quan tâm. Tại diễn đàn, ông Dương Thái Trung, đại diện Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng nông sản xuất khẩu của Việt Nam đang chưa theo kịp tín hiệu thị trường.

Tiêu thụ hàng nông sản nước ta liên tục gặp khó khăn, hàng nông sản có thời điểm rơi vào tình trạng “được mùa mất giá” do lệ thuộc vào một số thị trường truyền thống như Trung Quốc, vốn đang siết chặt chính sách Zero COVID. 

Theo ông Dương Thái Trung, sau khi có nguyên liệu, nông sản đạt chuẩn, các doanh nghiệp cần đầu tư cho xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản cả trong nước và quốc tế. Trong đó tập trung phát triển mạnh thương mại điện tử và áp dụng truy xuất nguốn gốc trong kinh doanh tiêu thụ nông sản, đảm bảo vận hành tốt các kênh trực tiếp và online. 

Ngoài ra, các bộ, ngành và địa phương cần đầu tư mạnh cho kết cấu hạ tầng thương mại, tạo điều kiện cho tiêu thụ hàng hóa nói chung và các mặt hàng nông sản nói riêng.

Hoàng Anh