Xanh SM lấn sân giao đồ ăn, chọn cách không đối đầu GrabFood hay ShopeeFood
Kể từ khi ra mắt, hãng vận tải của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã lần lượt ra mắt các dịch vụ mới nhằm khai thác đội xe điện lên tới hàng chục nghìn chiếc của hãng.
Mới đây, ngoài vận tải hành khách và giao hàng, Xanh Bike dự kiến sẽ tung ra dịch vụ giao đồ ăn. Trả lời về động thái mới này, Xanh SM cho biết hãng không theo đuổi mô hình đặt giao đồ ăn trực tiếp trên ứng dụng.
"Đây là một phần của dịch vụ giao hàng. Hãng sẽ nhận đơn hàng đồ ăn nếu người dùng có nhu cầu đặt Xanh Express giao", phía doanh nghiệp giải thích.
Nước đi của Xanh Bike có phần giống Ahamove. Không giống như Grab, ShopeeFood và Be - tập trung vào mô hình giao đồ ăn trực tiếp, Ahamove lại chọn một lối đi khác. Sau thất bại với dự án Lala vào năm 2017, Ahamove quyết định không đối chọi trong mảng giao đồ ăn mà tìm ngách mới thông qua các giải pháp.
Từ năm 2021, Ahamove đã tung ra dịch vụ Siêu tốc đồ ăn, phục vụ cho các nhà hàng và quán ăn tại các thành phố lớn, với mục tiêu giao hàng nhanh chóng. Dịch vụ này cho phép giao đồ ăn trong vòng 30 phút cho các đơn hàng dưới 5 km.
Với đội ngũ tài xế đông đảo, Ahamove tự tin có xe sẵn sàng phục vụ ngay cả trong giờ cao điểm như trưa và tối. Với lộ trình ngắn, các đơn hàng được hoàn thành nhanh chóng, giúp chủ quán gia tăng doanh thu bằng cách hoàn tất nhiều đơn hơn.
Các đối tác của Ahamove có thể kể đến như The Coffee House, Pizza 4P'S Delivery,... Dịch vụ đã có mặt tại nhiều thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bắc Ninh,...
"Thị trường không bao giờ có lãi"
Trong nhiều năm qua, các ứng dụng giao đồ ăn đã tận dụng tối đa sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng của người Việt, khi ngày càng nhiều người lựa chọn sử dụng dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến.
Theo báo cáo của Momentum Works, tổng giá trị hàng hóa (GMV) trên các nền tảng giao đồ ăn tại Việt Nam trong năm 2023 đạt 1,4 tỷ USD, mức tăng trưởng 27%, cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Điều này khẳng định Việt Nam là một thị trường vô cùng tiềm năng trong lĩnh vực giao đồ ăn, vượt qua các nước như Thái Lan hay Indonesia về tốc độ phát triển.
Một trong những yếu tố hấp dẫn của thị trường Việt Nam chính là sự bùng nổ của các dịch vụ công nghệ, cùng với đó là số lượng người dùng điện thoại thông minh ngày càng gia tăng. Với dân số hơn 100 triệu người và tầng lớp trung lưu phát triển nhanh chóng, nhu cầu giao đồ ăn được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong những năm tới.
Thêm vào đó, lối sống đô thị hóa và quỹ thời gian hạn chế khiến người tiêu dùng càng phụ thuộc vào các ứng dụng giao hàng để tiết kiệm thời gian. So sánh với các thị trường khác trong khu vực, Việt Nam nổi bật ở tốc độ phát triển cao hơn và sự cạnh tranh gay gắt giữa các nền tảng. Trong khi tại Indonesia, các nền tảng giao đồ ăn chỉ tăng trưởng một con số, Việt Nam đạt được con số ấn tượng với 27% vào năm 2023, điều này tạo cơ hội lớn cho các ứng dụng mới tham gia vào cuộc chơi.
Tuy vậy, thị trường giao đồ ăn tại Việt Nam cũng chứng kiến một cuộc đua khốc liệt giữa các ứng dụng công nghệ lớn và đã có kẻ phải rời cuộc chơi.
Baemin, từng là đối thủ nặng ký của ShopeeFood và GrabFood, đã gây bất ngờ khi tuyên bố rút khỏi Việt Nam vào năm 2023. Dù chỉ chiếm 5% GMV của thị trường, Baemin không thể duy trì hoạt động trong một cuộc chiến “đốt tiền” không hồi kết.
Niklas Ostberg, CEO của Delivery Hero, từng thừa nhận rằng thị trường giao đồ ăn tại Việt Nam “không bao giờ có lãi”. Quyết định rút lui này không chỉ phản ánh sự khắc nghiệt của môi trường kinh doanh mà còn là dấu hiệu cho thấy việc duy trì sự hiện diện trong lĩnh vực này đòi hỏi nguồn lực tài chính lớn và chiến lược dài hạn.
Baemin đã từng có tham vọng lớn, nhưng cuối cùng buộc phải rời bỏ vì không thể vượt qua các rào cản về chi phí vận hành và cạnh tranh khốc liệt. Trước khi rời Việt Nam, số liệu từ Vietdata cho thấy từ năm 2020 đến 2022, Baemin ghi nhận mức lỗ lớn nhất so với các app còn lại, dao động quanh mốc 1.400 tỷ đồng.
Bên cạnh Baemin, Gojek cũng là một cái tên khác đã từ bỏ mảng giao đồ ăn tại Việt Nam. Gojek ban đầu tham gia thị trường với hy vọng xây dựng hệ sinh thái dịch vụ đa dạng như đã thành công tại Indonesia, nhưng gặp phải nhiều khó khăn tương tự.
Trong 6 năm hoạt động, Gojek Việt Nam lỗ lũy kế 5.700 tỷ đồng. Sự rút lui của hai "ông lớn" này cho thấy thị trường giao đồ ăn tại Việt Nam không chỉ hấp dẫn mà còn đầy thách thức, với những đối thủ không ngừng tìm cách giữ vững và mở rộng thị phần.
Thế kiềng ba chân
Hiện nay, GrabFood và ShopeeFood là hai cái tên dẫn đầu trong cuộc đua. Cả hai đều sở hữu hệ sinh thái rộng lớn và mạng lưới người dùng trung thành. Grab, có mặt tại Việt Nam từ năm 2014, đã nhanh chóng phát triển từ một ứng dụng gọi xe sang một nền tảng dịch vụ đa năng bao gồm giao hàng và giao đồ ăn. Với sự kiện mua lại mảng dịch vụ của Uber tại Đông Nam Á vào năm 2018, Grab càng củng cố vị trí thống lĩnh của mình trên thị trường.
Tuy nhiên, giống như Baemin, Grab cũng từng đối mặt với thua lỗ liên tục và chỉ đến năm 2023 mới ghi nhận lợi nhuận lần đầu tiên.
ShopeeFood là một đối thủ đáng gờm không kém. Với tiền thân là Foody, ShopeeFood đã chuyển mình thành một nền tảng giao đồ ăn mạnh mẽ sau khi được tập đoàn SEA mua lại với giá trị thương vụ lên tới 64 triệu USD vào năm 2017.
Lợi thế của ShopeeFood đến từ sự hỗ trợ mạnh mẽ của hệ sinh thái Shopee – nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam. Theo số liệu từ Vietdata, doanh thu của ShopeeFood vào năm 2023 đạt 4.000 tỷ đồng, tăng hơn 100% so với năm trước, với lợi nhuận sau thuế gần 850 tỷ đồng.
Ngoài hai cái tên lớn trên, Be cũng đang cố gắng khẳng định vị trí của mình với dịch vụ giao đồ ăn beFood ra mắt vào năm 2022.
Dù mới chỉ gia nhập thị trường, beFood đã nhanh chóng đạt được mức tăng trưởng đáng kể, với lượng khách hàng sử dụng dịch vụ tăng 250% và số lượng đối tác nhà hàng tăng gấp 10 lần, đạt gần 100.000 đơn vị. Be chọn chiến lược nhắm vào đối tượng khách hàng ưa chuộng sự tiện lợi và nhanh chóng, với thời gian giao hàng trung bình dưới 18 phút.