|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

WHO: Việt Nam đang ứng phó rất tốt với virus corona

09:52 | 23/02/2020
Chia sẻ
Đại diện WHO tại Việt Nam đánh giá cao công tác ứng phó của Việt Nam đối với virus corona chủng mới, nhưng vẫn kêu gọi duy trì sự chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống dịch lan rộng.

Trao đổi với Zing.vn, Trưởng Đại diện của Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam Park Ki Dong đánh giá Việt Nam cho tới nay đã ứng phó tốt với nguy cơ từ virus corona chủng mới (Covid-19), trong đó việc chuẩn bị từ sớm, điều tra quá trình tiếp xúc các ca nhiễm và phối hợp liên ngành.

Chiều 21/2, bệnh nhân nhiễm virus corona cuối ở Việt Nam cho đến nay đã xuất viện sau khi được điều trị tại TP.HCM. Như vậy toàn bộ 16 ca xác nhận nhiễm virus corona ở Việt Nam tính đến nay đều đã khỏi bệnh.

Ông Park cũng kêu gọi Việt Nam tiếp tục kiểm soát tốt những ca hiện tại, đồng thời vẫn chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống virus lây lan rộng hơn.

WHO: Việt Nam đang ứng phó rất tốt với virus corona - Ảnh 1.

Bệnh nhân cuối là một Việt kiều Mỹ không giấu được niềm vui ngày 21/2, sau khi thắng được virus corona. Ảnh: Phạm Ngôn.

Kích hoạt hệ thống ứng phó ngay từ sớm

- Ông đánh giá ra sao về cách chuẩn bị và ứng phó của Việt Nam với các ca nhiễm virus corona?

WHO đánh giá Việt Nam đã ứng phó với các ca bệnh rất tốt. Việt Nam đã kích hoạt hệ thống ứng phó ngay trong giai đoạn đầu xuất hiện ca nhiễm - tăng cường theo dõi và đảm bảo rằng các cơ sở y tế có biện pháp ngăn chặn, kiểm soát lây nhiễm, quản lý các ca nhiễm, tăng cường việc xét nghiệm, đồng thời có sự phối hợp liên ngành.

- Việt Nam có thể làm thêm gì để chuẩn bị tốt nhất cho tình huống Covid-19 lan rộng hơn?

Ngoài tiếp tục các nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, Việt Nam cũng cần sẵn sàng cho khả năng virus lây lan rộng hơn.

Đối với chính phủ, sẽ cần bảo đảm các cơ sở y tế có thể chú trọng điều trị các ca bệnh nghiêm trọng và dễ tổn thương nhất, và chuyển hướng tiếp cận từ xét nghiệm tất cả ca nghi nhiễm, điều tra quá trình tiếp xúc, sang xét nghiệm dựa vào xu hướng hay sự lây lan theo khu vực.

Đối với công chúng, khuyến cáo của chúng tôi vẫn như trước. Giữ gìn sức khỏe, rửa tay thường xuyên, ho theo cách an toàn và giữ khoảng cách với những người đang cảm thấy không khỏe. Nếu ai cảm thấy ốm, nên ở nhà để không vô tình lây bệnh cho người khác.

WHO: Việt Nam đang ứng phó rất tốt với virus corona - Ảnh 2.

Tiến sỹ Park Ki Dong, Trưởng đại diện tại Việt Nam của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch. Ảnh: TTXVN.

- Ông đánh giá sao về khả năng dịch bệnh bùng phát ở ngoài Trung Quốc, như tổng giám đốc WHO đã viết “Chúng ta có thể mới chỉ đang thấy phần nổi của tảng băng” trong tweet nói về số ca nhiễm thấp ngoài Trung Quốc?

Tweet của tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus phản ánh lo ngại của WHO rằng số ca nhiễm tương đối thấp bên ngoài Trung Quốc có thể châm ngòi cho sự bùng phát rộng hơn, trên toàn cầu, nếu chúng ta không hành động kịp thời đối với mỗi ca nhiễm và cụm ca nhiễm, để kiểm soát và ngăn chặn lây lan thêm.

Vì vậy, WHO đã tuyên bố đợt bùng phát virus này là “tình trạng y tế công cộng khẩn cấp cần quan tâm toàn cầu” (PHEIC), và kêu gọi tất cả quốc gia chuẩn bị kiềm chế dịch bệnh, bao gồm chủ động theo dõi, phát hiện sớm, cách ly và quản lý ca bệnh, điều tra quá trình tiếp xúc, để ngăn chặn virus lây lan thêm, và để chia sẻ toàn bộ dữ liệu với WHO.

Như tiến sĩ Tedros đã nói, có một số quốc gia hiện chưa có các cơ chế để phát hiện ca bệnh nếu có ca bệnh “nhập khẩu” từ nước khác. 

WHO đã đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp để cộng đồng quốc tế hỗ trợ các nước có hệ thống y tế yếu kém trong việc phát hiện, chẩn đoán và chăm sóc người nhiễm virus, để ngăn lây sang người khác và bảo vệ các y bác sĩ.

WHO: Việt Nam đang ứng phó rất tốt với virus corona - Ảnh 3.

Bệnh nhân Li ZiChao (28 tuổi, quốc tịch Trung Quốc), một trong hai bệnh nhân đầu tiên dương tính với virus corona ở Việt Nam, được xuất viện ngày 4/2 tại TP.HCM. Ảnh: Lê Quân.

Phải sẵn sàng tình huống virus lây lan

- Lo ngại lớn nhất hiện nay là các ca “giấu bệnh”, không triệu chứng nhưng vẫn có thể lây nhiễm. Việt Nam nên làm gì để đối phó với mối đe dọa từ những ca này?

Theo các thông tin gần đây, có khả năng người nhiễm virus lây bệnh được từ trước khi có triệu chứng đáng kể. Tuy nhiên, dựa vào các dữ liệu hiện nay, những trường hợp lây bệnh đa số là từ người đã có triệu chứng.

Hiện nay, Việt Nam đã ứng phó tốt, với các ca nhiễm được phát hiện sớm qua xét nghiệm phòng lab và các cơ chế điều tra, lần theo dấu vết các ca bệnh, phù hợp với hướng dẫn của WHO, với mục tiêu kiểm soát sự lây lan thêm của virus.

WHO: Việt Nam đang ứng phó rất tốt với virus corona - Ảnh 4.

Người nghi nhiễm Covid-19 được cách ly tại Vĩnh Phúc. Ảnh: Hồng Quang.

Trong khi tiếp tục kiểm soát, chúng ta phải sẵn sàng cho tình huống có sự lây lan rộng hơn. Điều đó đòi hỏi hành động ngay bây giờ, vì sự chuẩn bị cần thời gian, nhất là để các biện pháp ứng phó đến được mọi người ở mọi nơi của đất nước.

Ứng phó với tình huống virus lan rộng sẽ đòi hỏi tính toán, lên kế hoạch rất cẩn thận để có thể dùng nguồn lực theo cách hiệu quả nhất, để bảo vệ những người dễ tổn thương, giảm thiểu tác động về sức khỏe và xã hội. Nếu chúng ta không chuẩn bị ngay bây giờ, chúng ta sẽ không thể kích hoạt các kế hoạch đó khi cần.

- Ông đánh giá khi nào dịch bệnh sẽ lên tới đỉnh điểm ở Trung Quốc và ở ngoài Trung Quốc?

Còn quá sớm để dự đoán khi nào dịch bệnh đạt đỉnh, cho tới khi đã có đủ thời gian theo dõi diễn biến. Chúng tôi không muốn suy đoán.

- Trung Quốc đang đứng đâu trong cuộc chiến chống dịch?

Trung Quốc đang nỗ lực lớn để ngăn chặn dịch bệnh và tuân thủ theo những khuyến nghị của WHO.

Khi tuyên bố “tình trạng y tế công cộng khẩn cấp cần quan tâm toàn cầu” (PHEIC), WHO đề nghị Trung Quốc tiếp tục một số biện pháp. Trong đó bao gồm thực hiện các chiến dịch tuyên truyền đầy đủ về nguy cơ để thường xuyên thông tin cho người dân về diễn biến của dịch, các biện pháp phòng ngừa, bảo vệ cho người dân, và các biện pháp ứng phó hiện tại.

WHO: Việt Nam đang ứng phó rất tốt với virus corona - Ảnh 5.

Bệnh nhân được cách ly tại tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Hoàng.

Ngoài ra, cần tăng cường các biện pháp y tế cộng đồng để kiềm tỏa dịch bệnh ở những nơi đã có. Cần bảo vệ sức khỏe của nhân viên y tế và củng cố hệ thống y tế. Cần tăng cường theo dõi các ca nghi nhiễm trên khắp Trung Quốc.

Cần hợp tác với WHO và các đối tác trong việc điều tra, tìm hiểu về dịch tễ và diễn biến dịch bệnh, và các biện pháp để kiềm chế dịch. Cần chia sẻ các dữ liệu liên quan tới các ca nhiễm.

Trung Quốc cũng cần tiếp tục tìm hiểu nguồn gốc động vật của dịch bệnh, cần tăng cường kiểm tra y tế ở cửa khẩu, sân bay, với mục tiêu phát hiện sớm các hành khách có triệu chứng để đánh giá thêm và điều trị, nhưng vẫn giảm thiểu sự gián đoạn với giao thông quốc tế.

Việt kiều Mỹ Tạ Kiên Hoa: Không vào viện sớm, tôi đã chết vì Covid-19 Thấy Việt kiều Mỹ Tạ Kiên Hoa có biểu hiện ho, sốt và sức khỏe ngày càng yếu, nhân viên khách sạn tá hỏa khi phát hiện ông từng quá cảnh Vũ Hán 2 giờ.



Trọng Thuấn