|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

WFP: Khu vực Mỹ Latinh và Caribe có nguy cơ mất an ninh lương thực nghiêm trọng

02:39 | 31/05/2020
Chia sẻ
Tính đến cuối năm 2019, khu vực Mỹ Latinh và Caribe có 3,4 triệu người “mất an ninh lương thực nghiêm trọng”, con số này có thể tăng thêm hơn 10 triệu người lên 13,7 triệu người vào cuối năm 2020.
WFP: Khu vực Mỹ Latinh và Caribe có nguy cơ mất an ninh lương thực nghiêm trọng - Ảnh 1.

Lực lượng phòng vệ và dân sự Peru đóng gói lương thực cứu trợ cho người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 tại Lima ngày 28/5/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) ngày 29/5 (giờ địa phương) cảnh báo số lượng người “mất an ninh lương thực nghiêm trọng” – những người chịu cảnh đói do không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu lương thực, cả về khối lượng lẫn độ đa dạng – tại khu vực Mỹ Latinh và Caribe có thể tăng gấp 4 lần trong năm 2020.

Tính đến cuối năm 2019, khu vực Mỹ Latinh và Caribe có 3,4 triệu người “mất an ninh lương thực nghiêm trọng”, nhưng với tác động tiêu cực của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, con số này có thể tăng thêm hơn 10 triệu người lên 13,7 triệu người vào cuối năm 2020.

Trong báo cáo dự báo nguy cơ nạn đói tại Mỹ Latinh và Caribe do tác động của COVID-19, WFP cảnh báo các nước bị đe dọa nghiêm trọng là Bolivia, Colombia, Ecuador, El Salvador, Guatemala, Haiti, Honduras, Peru, Cộng hòa Dominicana và một số quốc đảo nhỏ đang phát triển tại Caribe.

Riêng tại Haiti, số người chịu đói có thể tăng từ 700.000 lên 1,6 triệu người; trong khi tại Vành đai Khô hạn Trung Mỹ - vùng rừng và ven rừng nhiệt đới khô, kéo dài từ bờ biển Thái Bình Dương của Mexico tới tận miền Tây của Panama, quốc gia cực Nam của Trung Mỹ – con số này có nguy cơ tăng từ 1,6 triệu người hiện tại lên hơn 3 triệu người.

Giám đốc phụ trách Mỹ Latinh và Caribe của WFP Miguel Barreto nhấn mạnh nhiệm vụ sống còn và khẩn cấp hiện tại là đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ lương thực tại khu vực này, đặc biệt đối với những người phụ thuộc vào công việc thời vụ, để dịch COVID-19 không dẫn tới nạn đói ở khu vực.

Tính toán của WFP dựa trên so sánh đánh giá các chỉ số về an ninh lương thực thực hiện trong năm 2019, theo đó phân tích các chỉ số kinh tế sau khi COVID-19 bùng phát tại Mỹ Latinh và kết quả các cuộc thăm dò năm 2020 về tác động của đại dịch này đối với khả năng tiếp cận thị trường, nguồn cung lương thực, an toàn và phương tiện sống.

Lê Hà

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.