Vượt qua ba định kiến về tiết kiệm tiền để tài chính dư dả
Khi nói đến tiết kiệm tiền, có rất nhiều quyết định phải đưa ra và bạn có thể cảm thấy quá sức. Ngoài ra còn có nhiều quan niệm sai lầm xung quanh việc tiết kiệm và rất nhiều thông tin cần “tiêu hóa”. Thực tế là nhiều người không biết nên bắt đầu từ đâu và phải làm gì khi gặp khó khăn trong việc tiết kiệm.
Chuyên gia tài chính, giám đốc sản phẩm tại Ngân hàng Shawbrook của Vương quốc Anh, ông Dominic Traynor đã đưa ra những lời khuyên, giúp mọi người vượt qua định kiến về tiết kiệm tiền để có tài chính cá nhân dư dả hơn trên Inews.
Định kiến 1: Lập ngân sách không hề hiệu quả
Mặc dù một số thói quen tiết kiệm có hiệu quả hơn những thói quen khác, nhưng lập ngân sách là một trong những cách tốt nhất đã được chứng minh là hữu ích để đảm bảo bạn luôn kiểm soát được tiền bạc của mình.
Nắm chắc về thu nhập và chi tiêu của bạn là một bước tuyệt vời trong quy trình quản lý tài chính, giúp bạn bắt đầu việc tiết kiệm, trả lời câu hỏi mình có bao nhiêu, tiêu hết bao nhiêu và có thể để dành được số tiền như thế nào.
Định kiến về việc lập ngân sách cũng không thấy hiệu quả là vì mọi người đã thất bại trong việc bám sát các mục tiêu mà họ đã đặt ra. Điều quan trọng ở đây là đảm bảo kế hoạch của bạn là thực tế, có thể đạt được dựa trên các thói quen chi tiêu của chính bản thân bạn.
Nếu bạn thấy mình thường xuyên bị bội chi, hãy xem điều đó có thể do nguyên nhân nào - mua sắm quá đà vào cuối tuần, ăn uống ở nhà hàng mỗi khi không vui… Dù lý do là gì thì nếu muốn quản lý ngân sách và tiết kiệm nhiều hơn, bạn vẫn phải đặt lại mục tiêu, có giới hạn để giảm chi tiêu trong lâu dài.
Định kiến 2: Thu nhập thấp thì không thể tiết kiệm tiền
Nhiều người cảm thấy thu nhập của họ quá thấp, thậm chí còn chẳng đủ cho các khoản chi phí thiết yếu thì làm sao có thể để tiết kiệm? Thực tế, mọi thay đổi và nỗ lực đều sẽ có ích. Cho dù bạn chỉ để tiết kiệm được chưa đến 1 triệu đồng mỗi tháng thì lâu dài, đó cũng là một khoản tích lũy tài chính ý nghĩa cho tương lai.
Nếu như bạn có thể bắt đầu tiết kiệm càng sớm thì tiền của bạn sẽ càng có nhiều theo thời gian. Kiên định trong nỗ lực tiết kiệm của bạn sẽ tạo ra một khoản tiền lớn hơn trong tương lai, đủ để trang trải cho những khoản lớn như mua nhà, mua xe hay nghỉ hưu an nhàn.
Định kiến 3: Lãi suất thấp có nghĩa là việc để tiết kiệm không có giá trị
Mặc dù ai cũng biết rằng gửi tiết kiệm với mức lãi suất thấp thì số lợi nhuận bạn kiếm được chẳng đáng là bao, thế nhưng, vẫn có nhiều cách để tận dụng tối đa số tiền bạn có. Thiên tài Einstein là người đã gọi lãi suất kép là “kỳ quan thứ 8 của thế giới”, vì vậy hãy đảm bảo rằng bạn sử dụng lãi suất kép để có lợi cho mình.
Trước khi quyết định gửi tiết kiệm, bạn hãy cân nhắc xem có thể gửi trong 1 năm hay lâu hơn, liệu bạn có bất ngờ cần chi tiêu đến số tiền đó hay không.
Bạn cũng cần phải cân nhắc việc đưa nó vào một tài khoản có kỳ hạn cố định, thường có lãi suất cao hơn nhiều so với các sổ tiết kiệm vô thời hạn (có thể rút bất kỳ lúc nào). So sánh mức lãi suất của các ngân hàng khác nhau, cân nhắc tính uy tín… đều là việc bạn phải làm để tiền được tiết kiệm nhiều nhất với lợi tức cạnh tranh nhất.
Ngoài ra, nếu có thể thì khi số tiền tiết kiệm đủ lớn, bạn có thể dành một phần để đầu tư kiếm lời. Dĩ nhiên, bạn cần có kiến thức cơ bản về đầu tư và luôn ghi nhớ, đừng bao giờ đặt trứng vào cùng một giỏ.
Tiền tiết kiệm cũng như quỹ khẩn cấp sẽ giúp bạn ứng phó với những tình huống khó khăn, bất ngờ, là sự sẵn sàng cho các mục tiêu dài hạn nên chắc chắn bạn không được phép dùng tất cả tiền để dành đi đầu tư vì như vậy, bạn sẽ có nguy cơ mất trắng.