'Vương quốc hàng dởm' đạt giá trị hơn 20 tỷ USD nhờ kết hợp mua nhóm với bán sỉ
Là sự kết hợp thông minh giữa mô hình mạng xã hội và nhóm mua hàng, Pinduoduo (viết tắt là PDD) đang thổi làn gió mới vào ngành thương mại điện tử. Colin Huang, người mang quốc tịch Trung Quốc sáng lập PDD, từng làm việc cho tập đoàn Google trước khi về quê hương lập nghiệp. Sau hơn 3 năm, PDD đã tiến hành niêm yết cổ phiếu lần đầu ở Mỹ. Vào cuối tháng 7, tổng giá trị vốn hóa của công ty (dựa trên giá cổ phiếu) đã đạt tới 24 tỷ USD.
Kết hợp mua nhóm với bán sỉ
Vũ khí lợi hại nhất của PDD là mức giá cực rẻ. Người dùng có thể mua bất cứ mọi thứ - từ giấy vệ sinh tới điện thoại iPhone - với một mức giá bằng một phần giá thông thường. Ví dụ, một gói gồm 32 cuộn giấy vệ sinh trên Pinduoduo chỉ có giá chưa đến 2 USD, còn một đôi giày da của nam giới có giá dưới 15 USD.
Kỹ sư Colin Huang, người sáng lập sàn thương mại điện tử PDD. Ảnh: SCMP |
Để có mức giá thấp, PDD triển khai giải pháp mua nhóm. PDD tạo điều kiện để nhiều nhóm người mua chọn sản phẩm trực tiếp từ nhà sản xuất và giao dịch với giá buôn. Nhờ bỏ khâu trung gian và bán buôn, PDD có thể quảng cáo mọi thứ từ nhỏ đến lớn với mức giá thấp không tưởng.
Huang khẳng định PDD mang lại những trải nghiệm phong phú hơn cho cả người bán lẫn người mua. Khách hàng có thể tìm hiểu về sản phẩm và dịch vụ qua bạn bè. Nhà sản xuất có cơ hội tiếp cận nhóm khách hàng trực tuyến và cải tiến sản phẩm theo hướng mà họ chưa từng trải nghiệm, còn nhà cung cấp giảm chi phí bán lẻ và nhận phản hồi trực tiếp từ khách hàng.
Blue Moon, một trong những nhà sản xuất bột giặt lớn nhất Trung Quốc, tiết lộ rằng doanh số của họ tăng mạnh kể từ khi hợp tác với PDD từ năm 2016.
Với khoảng 55 triệu người truy cập mỗi ngày, PDD đang là một trong những mô hình khởi nghiệp phát triển nhanh nhất ở Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung.
Mang biệt danh "Vương quốc hàng dởm"
Yếu điểm lớn nhất của sản phẩm trên PDD là chất lượng. Giới truyền thông gọi chợ là "vương quốc hàng dởm". Nhiều doanh nghiệp, người bán cung cấp sản phẩm có chất lượng thấp đến nỗi người mua phải vứt chúng ngay sau khi họ nhận. Áo phông có lỗ thủng, điện thoại iPhone nhái hay trái cây thối là những thứ mà người mua có thể gặp trên PDD. Ngoài ra, nhiều người bán hàng trên PDD cũng mạo nhận thương hiệu khác, dẫn đến một số tranh chấp về vi phạm bản quyền thương hiệu.
Sản phẩm trên trang PDD rất đa dạng - từ giấy vệ sinh, trái cây tới điện thoại di động. Ảnh: Pinduoduo |
Chỉ trong vòng một tuần hồi tháng 8, ban quản trị PDD đã xóa hơn 4 triệu danh mục niêm yết sản phẩm giả trên trang, nhằm thể hiện nỗ lực nâng cao chất lượng hàng hóa.
Giờ đây, PDD đối mặt với một bản sao của chính nó. Pinshaoshao, một chợ trực tuyến mới, có tên, logo và mô hình kinh doanh gần giống PDD. Đối thủ mới cũng có kế hoạch bán mọi loại sản phẩm mà PDD cung cấp.
Mặc dù Pinshaoshao mới chỉ đang thử nghiệm và giới chức Trung Quốc chưa chính thức phê chuẩn đăng ký nhãn hiệu của nền tảng này, nó vẫn thu hút sự chú ý từ giới truyền thông Trung Quốc. Sao chép thương hiệu là thực tế phổ biến ở Trung Quốc, song chưa bao giờ công chúng thấy toàn bộ một sàn thương mại điện tử bị sao chép.
Sau khi giới truyền thông gọi Pinshaoshao là phiên bản sao của PDD, chủ sở hữu nền tảng – Tập đoàn bán lẻ Shenzhen Hongxin – thừa nhận họ muốn tận dụng danh tiếng của PDD để phát triển.