|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Vươn lên Top1 về margin, đại gia Hàn Quốc lại đổ bộ hoạt động ETF nội, câu chuyện hết 'room' càng đơn giản hơn?

08:31 | 06/08/2020
Chia sẻ
Việc cung cấp ETF nội của "ông lớn" trong ngành tài chính Hàn Quốc là Mirae Asset kì vọng giải quyết câu chuyện bài toán hết room và thu hút dòng tiền ngoại vào TTCK Việt Nam.

Đại gia Hàn Quốc mở ETF dựa trên VN30

Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành giấy chứng nhận đăng kí chào bán chứng chỉ quĩ đầu tư chứng khoán ra công chúng cho Quĩ ETF MAFM VN30 do Công ty TNHH Quản lí quĩ Mirae Asset (Việt Nam) quản lí.

Quĩ ETF MAFM VN30 tham chiếu chỉ số VN30. Theo thông tin đưa ra, trong đợt chào bán ban đầu, ETF MAFM VN30 dự kiến huy động tối thiểu 50 tỉ đồng.

Được biết, Công ty TNHH Quản lí quĩ Mirae Asset (Việt Nam) có vốn điều lệ 26 tỉ đồng,  100% sở hữu bởi Công ty Quản lí quĩ Mirae Asset Global Investment Co., Ltd. Tính đến ngày 30/6, giá trị danh mục nhà đầu tư ủy thác trong nước được đơn vị này quản lí là gần 68 tỉ đồng.

Hiện Công ty TNHH Quản lí quĩ Mirae Asset (Việt Nam) đang vận hành Quỹ Đầu tư cổ phiếu tăng trưởng Mirae Asset Việt Nam (MAGEF). Đây là loại hình quĩ đầu tư dạng mở, được IPO vào tháng 7 năm ngoái.

MAGEF tập trung đầu tư vào các cổ phiếu công ty niêm yết có giá trị vốn hóa thị trường lớn, thanh khoản cao, đây là các công ty đầu ngành, có tiềm năng tăng trưởng dài hạn.

Tính đến ngày 30/6, giá trị tài sản ròng của quĩ MAGEF là 434 tỉ đồng. Hiệu suất đầu tư của quĩ trong 6 tháng đầu năm nay là  âm 12,53%, thấp hơn mức giảm 14,14% của VN-Index. Kể từ khi hoạt động vào tháng 7/2019, hiệu suất của quĩ là âm 15,76%, trong khi mức giảm của VN-Index là 16,61%. 

Vươn lên Top1 về margin, đại gia Hàn Quốc lại đổ bộ hoạt động ETF nội, câu chuyện hết 'room' càng đơn giản hơn? - Ảnh 1.

Cơ cấu danh mục đầu tư của MAGEF. Nguồn: MAGEF

Về cơ cấu danh mục đầu tư của MAGEF tính đến cuối tháng 6, cổ phiếu VCB và VNM chiếm tỉ trọng lớn nhất trong danh mục với 8,3% và 8,2%, theo sau đó là cổ phiếu MWG với tỉ trọng 6,1%. Danh mục đầu tư của quĩ còn có các mã khác như MSN, HPG, FPT, ACB, VHM, MBB và VTP.

Sân chơi ETF nội thêm nhộn nhịp

Với việc "lấn sân" sang sản phẩm ETF của đại gia Hàn Quốc Mirae Asset, sân chơi ETF nội tại Việt Nam thêm phần nhộn nhịp. Kể từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận 4 ETF nội được mở mới. Trong đó, SSI AM mở thêm ETF dựa trên hai bộ chỉ số là VN30 (ETF SSIAM VN30) và VNFin Lead (ETF SSIAM VNFIN LEAD). 

ETF SSIAM VNFIN LEAD đã được niêm yết và giao dịch trên HOSE trong tháng 2 trong khi ETF SSIAM VN30 dự kiến niêm yết lên HOSE vào ngày 13/8 tới đây.

Trong tháng 4, Công ty Cổ phần Quản lí quĩ đầu tư Việt Nam (VFM) cũng đưa ETF VFMVN Diamond (FUEVFVND) giao dịch trên HOSE.

Gần đây nhất, trong tháng 7, công ty quản lí quĩ VinaCapital cũng niêm yết ETF VinaCapital VN100 dựa trên bộ chỉ số VN100. 

Ông Brook Taylor, CEO của VinaCapital chia sẻ ETF VinaCapital VN100 được kì vọng cho phép nhà đầu tư sở hữu các cổ phiếu tăng trưởng tại Việt Nam nhưng bị hạn chế về "room" tỉ lệ sở hữu nước ngoài, đây là điểm khác biệt so với nhiều ETF ngoại.

Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, ngoài ETF SSIAM VN30, VFM cũng đang vận hành ETF lớn nhất tham chiếu chỉ số VN30 là VFMVN30. 

VFMVN30 ETF là ETF nội có qui mô lớn nhất với qui mô tài sản ròng tính đến 5/8 là gần 5.200 tỉ đồng. Có thời điểm, qui mô của VFMVN30 ETF vượt các quĩ ETF ngoại hàng đầu và có nhiều năm hoạt động tại Việt Nam.

Vươn lên Top1 về margin, đại gia Hàn Quốc lại đổ bộ hoạt động ETF nội, câu chuyện hết 'room' càng đơn giản hơn? - Ảnh 2.

Dòng vôn ETF trên TTCK Việt Nam tuần 27 - 31/7. Nguồn: Chứng khoán KIS

Không chỉ áp đảo về mặt số lượng, các quĩ ETF nội đang huy động vốn hiệu quả hơn so nhóm ETF ngoại. 

Đơn cử, trong 6 tháng gần đây, hai quĩ quen thuộc là FTSE ETF và VNM ETF bị rút ròng lần lượt 11,8 triệu USD và 25,5 triệu USD. Nếu xét trong giai đoạn 1 năm thì con số rút ròng này còn lớn hơn.

Trong khi đó, ETF SSIAM VNFIN LEAD và ETF VFMVN Diamond tăng qui mô 21,4 triệu USD và 26,9 triệu USD kể từ khi đi vào hoạt động. VNMVN30 ETF bị rút ròng 5 triệu USD trong 6 tháng nhưng vẫn trong trạng thái hút ròng trong một năm trở lại.

Kì vọng khi đại gia Hàn Quốc có bề dày kinh nghiệm trong hoạt động ETF

Trở lại thông tin Mirae Asset lấn sân vào mảng ETF tại Việt Nam, động thái này được kì vọng tiếp tục giải quyết bài toán hết "room" của các cổ phiếu trong rổ VN30. Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài có thể nắm giữ ETF trong danh mục, vì không thể gia tăng sở hữu với các mã giới hạn tỉ lệ sở hữu nước ngoài như VNM, MWG, FPT...

Đáng chú ý hơn, công ty mẹ của đơn vị vận hành ETF MAFM VN30 - Mirae Asset Global Investment Co., Ltd. là tổ chức có bề dày kinh nghiệm trong hoạt động ETF. Đơn vị này được xếp hạng trong Top20 tổ chức cung cấp ETF lớn nhất toàn cầu.

Tính đến thời điểm hiện tại, tổng giá trị tài sản quản lí tại các quĩ ETF của Mirae Asset Global Investment đạt khoảng 40 tỉ USD với hơn 370 ETF đang vận hành.

Trong những năm qua, Mirae Asset đã rót vốn mạnh mẽ vào thị trường chứng khoán Việt Nam thông qua công ty chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam). Tính đến cuối tháng 6, đây là tổ chức cung cấp margin lớn nhất trên thị trường với giá trị vượt 8.200 tỉ đồng.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Lợi Hoàng

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.