Vùng Vịnh sẽ không còn là thiên đường thuế vào năm 2018
Ảnh: The Economic Times |
Hôm Chủ nhật (1/10), Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã tăng giá thuốc lá gấp 2 lần và tăng giá đồ uống thêm 50%, trước khi thuế VAT chung đối với hàng hóa và dịch vụ được áp dụng từ tháng 1/2018.
UAE là một trong 6 quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đồng ý áp dụng VAT ở mức 5% vào năm 2018, nhằm tìm cách vực lại nền kinh tế quốc gia này.
UAE và Arab Saudi cho biết họ sẽ triển khai thuế VAT từ ngày 1/1/2018, trong khi các thành viên khác của GCC là Bahrain, Kuwait, Oman và Qatar dự kiến sẽ áp dụng chính sách này trong năm sau.
Bên cạnh đó, theo thỏa thuận giữa các quốc gia GCC, một số hàng hóa và dịch vụ sẽ được miễn thuế.
Ông Bryan Plamondon, chuyên gia kinh tế tại HIS Markit, có trụ sở tại Mỹ, cho biết thực phẩm, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, cũng như năng lượng tái tạo, nước, giao thông và công nghệ có thể nhận được các ưu đãi. Ông cũng ước tính doanh thu từ VAT sẽ tăng trong khoảng 7 tỷ USD (tương đương 5,95 tỷ euro) – 21 tỷ USD (tương đương 17,77 tỷ euro) hàng năm, hoặc 0,5 – 1,5% GDP.
Còn theo tính toán của IMF, thu nhập từ VAT có thể đạt khoảng 2% GDP.
Các nền kinh tế vùng Vịnh, ngôi nhà của các quốc gia xuất khẩu dầu và khí đốt hóa lỏng lớn nhất thế giới, đã chịu tác động mạnh sau khi nguồn cung dầu trên thế giới dư thừa, gây ra tình trạng giá dầu giảm trong năm 2014.
Bảng tài sản của họ duy trì ở mức âm, dù chính phủ các nước đã áp dụng những chính sách thắt lưng buộc bụng mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) giới thiệu, gồm đóng băng tiền lương, các quỹ dự án của chính phủ, giảm trợ cấp, tăng giá năng lượng và dầu.
Chính phủ trong toàn khu vực cũng đã rút hàng trăm tỷ USD từ quỹ đầu tư quốc gia khổng lồ, trong những nỗ lực ngăn chặn thâm hụt ngân sách.
VAT là một trong những biện pháp khác được 6 quốc gia vùng Vịnh áp dụng, theo đó kết thúc danh tiếng thiên đường thuế có được trong nhiều thập kỷ qua của khu vực.
Công ty kế toán và tư vấn Deloitte cho biết tiến trình triển khai VAT từ năm sau đánh dấu sự khỏi đầu cho sự thay đổi lớn trong khu vực kể từ khi dầu được phát hiện trong hơn nửa thế kỷ trước.
Các quốc gia vùng Vịnh đã được hưởng lợi trong hàng thập kỷ qua từ hệ thống phúc lợi toàn diện, và không phải chịu bất kỳ một chính sách thắt lưng buộc bụng nào cho tới hiện tại.
Tuy nhiên phương pháp này cũng được dự báo sẽ kéo giá hàng hóa tăng lên đối với những người dân trong khu vực, gồm cả công dân và người lao động có thu nhập thấp.
“Người dân sẽ không vui về việc giá hàng hóa tăng khi áp dụng VAT. Tôi không nghĩ chính sách này sẽ được chấp nhận khi nó ảnh hưởng tới túi tiền của mọi người”, ông Khaled Mohammed, nhân viên người Arab Saudi làm việc trong lĩnh vực bất động sản cho biết.
Mặc dù vậy, theo IMF nhận định, việc áp dụng VAT sẽ không khiến hàng triệu người nước ngoài sinh sống và làm việc tại môi trường miễn thuế này bỏ đi. Nhưng đối với hàng ngàn nhân công thu nhập thấp trong khu vực, tương lai của họ không mấy tươi sáng. Chỉ riêng Arab Saudi và EAU đã chiếm 75% trong nền kinh tế trị giá 1.400 tỷ USD của GCC và là ngôi nhà của 80% người dân, công dân và người lao động nước ngoài của vùng Vịnh.
Ngoài ra, chính sách thuế VAT mới cũng sẽ khiến lạm phát tăng lên.
Ông Faisal Durrani, người đứng đầu phòng nghiên cứu tại Cluttons Dubai, dự báo lạm phát của UAE sẽ tăng gấp đôi lên 4% vào năm tới. Trong khi đó, Capital Economics ước tính lạm phát của Arab Saudi có thể lên tới 4,5%, một sự thay đổi lớn từ mức giảm phát 0,4% ở thời điểm hiện tại.
Mặc dù vậy, chuyên gia kinh tế người Kuwait Jassem al – Saadun nhận định, chính phủ các nước sẽ cần nhiều hơn những con số để đảm bảo áp dụng thành công VAT.