|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

'Vua trái phiếu' Jeffrey Gundlach: Fed sẽ phải hạ lãi suất khi Mỹ rơi vào suy thoái vào đầu năm 2024

07:27 | 03/11/2023
Chia sẻ
Tỷ phú Jeffrey Gundlach chỉ ra một số dấu hiệu cho thấy kinh tế Mỹ đang giảm tốc và sẽ suy thoái vào nửa đầu năm sau. Ông cho rằng sự kiện này sẽ buộc Fed phải hạ lãi suất.

"Vua trái phiếu" Jeffrey Gundlach. (Ảnh: Fox News). 

Ông Jeffrey Gundlach, CEO công ty quản lý đầu tư DoubleLine Capital, cho biết lãi suất sắp đi xuống trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất thế giới sa sút và rơi vào suy thoái trong năm 2024.

Trong cuộc phỏng vấn với CNBC hôm 1/11, ông nói: “Tôi thực sự nghĩ lãi suất sẽ giảm xuống bởi Mỹ sẽ bước vào suy thoái trong nửa đầu năm 2024”.

Cũng trong ngày 1/11, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), đã nhất trí giữ nguyên lãi suất trong phạm vi 5,25 - 5,5%.

Đây là buổi họp thứ hai liên tiếp ngân hàng trung ương Mỹ giữ nguyên lãi suất. Từ khi Fed khởi động chiến dịch chống lạm phát vào năm 2022, các quan chức đã thực hiện 11 lần tăng lãi suất.

Ông Gundlach chỉ ra một vài dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang chậm lại. Thứ nhất, tỷ lệ thất nghiệp đã nhích lên, dù vẫn còn ở mức thấp.

Thứ hai, đường cong lợi suất đang đảo ngược và đó là tín hiệu suy thoái. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn hai năm đã cao hơn  trái phiếu kỳ hạn 10 năm trong suốt hơn một năm qua và gần đây mức chênh lệch này đã nới rộng trở lại. 

 

Ông Gundlach cũng chứng kiến làn sóng sa thải đầu tiên. Vị tỷ phú đầu tư được mệnh danh là “vua trái phiếu” cho biết: “Tôi tin rằng các chúng ta sắp chứng kiến các đợt sa thải lớn. Chúng ta đã thấy các doanh nghiệp ngừng tuyển dụng và giờ một số công ty đã bắt đầu ra thông báo cắt giảm nhân sự. Nhân viên các công ty tài chính và công nghệ đang bị cho thôi việc và tôi tin rằng làn sóng này sẽ lan ra những ngành khác”.

Ông Gundlach cũng cảnh báo về mức thâm hụt tài khoá ngày càng lớn của chính phủ liên bang. Tính đến cuối tháng 9, mức thâm hụt ngân sách của Mỹ đã phình lên gần 1.700 tỷ USD. Ngân sách thiếu hụt sẽ khiến cho nợ của chính phủ - hiện đã đạt gần 34.000 tỷ USD - gia tăng.

"Vua trái phiếu" lưu ý: “Điều mà thị trường sẽ cần phải đối mặt là chúng ta không thể duy trì mức lãi suất và thâm hụt này nữa. Chính phủ không thể xoay xở với mức lãi suất cao như hiện tại. Điều đó hoàn toàn không bền vững”. 

Tỷ phú đầu tư Stanley Druckenmiller cũng có mối lo ngại tương tự về chi tiêu của chính phủ. Ông cho rằng đáng lẽ Bộ Tài chính nên phát hành thêm nhiều trái phiếu kỳ hạn dài trong những năm trước để được hưởng lãi suất thấp.

Tuy nhiên, do đã không làm vậy, chính phủ Mỹ sẽ phải đối mặt với các lựa chọn khó khăn trong tương lai, ví dụ như cắt giảm các chương trình như An sinh Xã hội.

Về động thái tiếp theo của Fed, ông Gundlach dự đoán các nhà hoạch định chính sách sẽ không tiếp tục tăng lãi suất trong năm 2023. Hôm 1/11, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết FOMC chưa tính đến việc cắt giảm lãi suất và các quan chức sẽ không làm vậy cho đến khi đưa được lạm phát về tầm kiểm soát.

Giang