|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Vụ tống tiền táo tợn: Dọa đánh bom tàu bay rồi cuỗm đi 560.000 USD tiền chuộc

18:07 | 06/01/2022
Chia sẻ
Một tàu bay của Qantas Airways (Australia) từng bị dọa đánh bom, buộc hãng phải trả tiền chuộc 560.000 USD vào năm 1971, tương đương với khoảng 3,4 triệu USD ngày nay.

Chiếc máy bay và tủ để đồ

Trưa 26/5/1971, Cục Hàng không Dân dụng Australia nhận được cuộc gọi của một người tự xưng là "Mr. Brown" (ông Brown). Người này nói rằng trên chiếc Boeing 707 thực hiện chuyến bay số 755 của Qantas Airways mới cất cánh từ Sydney đến Hong Kong có một quả bom.

Để chứng minh là mình nói thật, "ông Brown" cho biết ở ngăn tủ đựng đồ số 84 tại sân bay Sydney có một quả bom tương tự với quả ở trên chuyến bay số 755. Cảnh sát lập tức tìm tới tủ đựng đồ số 84, tìm thấy bên trong đúng là có một khối thuốc nổ được nối với một máy đo độ cao và ba bức thư.

Bức thư thứ nhất gửi tới Cơ trưởng RJ Ritchie, một quản lý cấp cao của Qantas, với nội dung đòi tiền chuộc 500.000 đô la Australia, tức là khoảng 560.000 USD. Sau khi điều chỉnh theo lạm phát, số tiền nói trên tương đương với khoảng 3,8 triệu USD ngày nay. Đổi lại, "ông Brown" sẽ hướng dẫn cách tìm và vô hiệu hóa quả bom.

Bức thư thứ 2 nhắc lại lời đe dọa rằng trên chuyến bay số 755 có một quả bom tương tự với quả bom để trong tủ đồ số 84.

Bức thư thứ 3 nói rằng nếu chuyến bay số 755 hạ độ cao xuống dưới 20.000 feet (tức khoảng 6.100 mét), tàu bay sẽ nổ tung.

Quả bom trong tủ đồ số 84 được cài đặt để phát nổ khi bị hạ độ cao xuống dưới 1.500 mét. Để thử xem quả bom này có hoạt động theo độ cao thật hay không, cơ quan chức năng Australia đầu tiên gỡ bỏ tất cả chất nổ rồi thay vào đó một bóng đèn và đưa "thiết bị" này lên một tàu bay Boeing 707 khác. Nếu đèn sáng tức là bom có thể nổ.

Vụ tống tiền táo tợn: Dọa đánh bom tàu bay rồi cuỗm đi 560.000 USD tiền chuộc - Ảnh 1.

Quả bom thực tế được phát hiện trong ngăn tủ số 84 tại sân bay Sydney, ngày 26/5/1971. (Ảnh: ABC News).

Máy bay leo lên độ cao khoảng 2.000 mét rồi giảm xuống còn 1.500 mét và chiếc bóng đèn bật sáng. Nếu trước đó không thay thế chất nổ bằng bóng đèn, chiếc Boeing 707 thứ 2 này đã nổ tung.

Đến lúc này, cảnh sát Australia tin rằng "ông Brown" hoàn toàn có khả năng chế tạo bom phát nổ theo độ cao chứ không chỉ là một kẻ trêu đùa qua điện thoại.

Chiếc xe Kombi và vali tiền chuộc

Chuyến bay Qantas 755 từ Sydney đến Hong Kong có tổng cộng 128 người, bao gồm 116 hành khách và 12 phi hành đoàn. Tất cả hành khách được thông báo rằng tàu bay đang quay trở lại Sydney vì một "lỗi kỹ thuật" và không ai hay biết gì về lời đe dọa nổ bom của "ông Brown".

Bản thân chiếc máy bay có trị giá tới hàng chục triệu USD. Nếu trả 560.000 USD tiền chuộc mà đổi được an toàn cho chiếc máy bay cũng như hàng trăm con người thì đó là việc phải làm.

Qantas quyết định chuẩn bị hai vali chứa đầy số tiền mà "ông Brown" yêu cầu rồi mang đến điểm hẹn. "Ông Brown" cải trang bằng tóc giả và râu giả, xuất hiện trên một chiếc xe Volkswagen Kombi, nhận số tiền khổng lồ rồi lái xe đi.

Vụ tống tiền táo tợn: Dọa đánh bom tàu bay rồi cuỗm đi 560.000 USD tiền chuộc - Ảnh 2.

Cảnh diễn lại lúc hai vali tiền chuộc chuẩn bị được giao cho thủ phạm. (Ảnh: News Ltd/Newspix).

Vụ tống tiền táo tợn: Dọa đánh bom tàu bay rồi cuỗm đi 560.000 USD tiền chuộc - Ảnh 3.

Cảnh diễn lại lúc "ông Brown" ngồi trên xe Volkswagen Kombi nhận hai vali tiền. (Ảnh: abc.net.au).

Do cảnh sát Australia phối hợp không tốt nên đã không thể bắt giữ hay bám sát chiếc xe ô tô này. Khoảng 15 phút sau khi nhận tiền, chiếc xe được phát hiện ở một con hẻm nhỏ, hoàn toàn trống rỗng.

Trong khi đó trên bầu trời Sydney, chiếc Boeing 707 bị nghi là có bom vẫn đang bay lòng vòng. Phi hành đoàn tìm kiếm khắp tàu bay nhưng không thấy quả bom, hành khách đã bắt đầu nghi ngờ nhưng chưa tới mức hoảng loạn.

Lúc 6h20 chiều, "ông Brown" – đang cầm tiền trong tay - gọi điện cho Qantas lần cuối cùng và thông báo: "Trên máy bay không có quả bom nào cả, mọi người cứ hạ cánh thoải mái".

Nhiên liệu đã sắp cạn và Qantas không còn lựa chọn nào khác là tin lời "ông Brown". Chiếc Boeing 707 hạ cánh an toàn xuống sân bay Sydney và "ông Brown" biến mất trong đêm tối, không một manh mối.

"Ông Brown" và kẻ chủ mưu

Cảnh sát làm đủ mọi cách để tìm "ông Brown" nhưng vô ích. Qantas Airlines treo thưởng 50.000 đô la Australia cho người cung cấp thông tin giúp bắt giữ thủ phạm nhưng ban đầu cũng không đi đến đâu.

Ngày 4/8 cùng năm 1971, tức hơn hai tháng sau vụ việc, cảnh sát mới phát hiện ra "ông Brown" có tên thật là Peter Macari, người gốc Anh. Kết quả này đạt được không phải nhờ một thám tử siêu hạng tài ba nào mà là do sự ngu ngốc của thủ phạm.

Sau khi biến mất với 500.000 đô la Australia (AUD), Peter Macari đã chia chác số tiền này cho một đồng phạm. Cả hai tiêu xài phung phí, mua nhà, mua xe hơi để sống cuộc đời vương giả. Một người thấy Peter Macari giàu lên đột ngột đã tỏ ý nghi ngờ và gọi điện báo cảnh sát.

Vụ tống tiền táo tợn: Dọa đánh bom tàu bay rồi cuỗm đi 560.000 USD tiền chuộc - Ảnh 4.

Peter Macari. (Ảnh: ABC News).

Trong số 500.000 AUD nhận được, Macari và đồng phạm đã tiêu khoảng 112.000 AUD, cất giấu 138.000 AUD trong một bức tường. Khoảng 250.000 AUD còn lại đã biến mất.

Khi được hỏi, Macari cho biết một tên trùm tội phạm mới là kẻ chủ mưu thực sự và đã lấy phần lớn số tiền chuộc.

Tuy vậy, không loại trừ khả năng Macari đã cất số tiền trên ở một chỗ bí mật để sau này lấy ra.

Macari bị kết án 15 năm tù, đồng phạm bị kết án 7 năm. Sau khi ngồi tù 9 năm, vào năm 1980, Macari được đưa về Anh trên một chuyến bay của Qantas Airways.

Tại đồn cảnh sát Australia, Macari cho biết ông ta học được thủ đoạn dọa nổ bom theo độ cao để tống tiền nhờ xem bộ phim Doomsday Flight (phát hành năm 1966).

Năm 1986, một bộ phim có tựa đề "Call me Mr. Brown" (tạm dịch là "Gọi tôi là ông Brown") được thực hiện dựa theo vụ dọa đánh bom tàu bay của Macari năm 1971. Những gì từ điện ảnh bước ra đời thực đã một lần nữa quay lại với điện ảnh.

Vụ tống tiền táo tợn: Dọa đánh bom tàu bay rồi cuỗm đi 560.000 USD tiền chuộc - Ảnh 5.

Peter Macari (bên trái) bước vào tòa án, ngày 29/9/1971. (Ảnh: John M Manolato, smh.com.au).


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Song Ngọc

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.