|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Vụ ly hôn Trung Nguyên: Tòa bắt bà Thảo bán cổ phần cho chồng là sai luật?

20:43 | 28/03/2019
Chia sẻ
Theo nhiều luật sư, trong vụ ly hôn Trung Nguyên, Tòa không chia cổ phần mà chia theo giá trị bằng tiền là không đúng với quy định pháp luật!
Vụ ly hôn Trung Nguyên: Tòa bắt bà Thảo bán cổ phần cho chồng là sai luật? - Ảnh 1.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo tại tòa.

Hậu vụ ly hôn giữa vợ chồng “vua” cà phê Trung Nguyên đã khép lại nhưng vẫn có quá nhiều thông tin trái chiều xung quanh bản án tòa tuyên ngày 27/3. Ban đầu về việc chủ tọa tuyên án phí lên tới 80 tỷ đồng, nhưng sau khi báo chí phản ánh, vị thẩm phán trả lời lỗi do “quá mệt” nên đọc nhầm từ 8 tỷ thành 80 tỷ.

Chiều 28/3, nguồn tin của Báo Giao thông cho biết, VKSND TP.HCM đang cho kiểm tra những sai sót liên quan đến án phí mà HĐXX TAND TP đã tuyên nhầm gấp 10 lần gây xôn xao dư luận trong phiên tòa xử ly hôn giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Chủ tịch Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên). Ngoài ra, VKSND TP.HCM sẽ rà soát lại toàn bộ bản án của TAND cùng cấp đã tuyên đối với vụ thuận tình ly hôn giữa bà Thảo và ông Vũ.

Một câu chuyện khác được nhiều người đề cập đến vì sao lại chia cho ông Vũ, bà Thảo 60/40?. Trong khi Điều 59 - Luật Hôn nhân gia đình thì tài sản chung của vợ chồng theo nguyên tắc chia đôi và có xét đến yếu tố hoàn cảnh gia đình và công sức đóng góp, tạo lập, duy trì và phát triển tài sản. Không những thế, tài sản là cổ phần lại được tòa ấn định buộc bà Thảo bán cổ phần của các công ty khác cho ông Vũ có đúng luật?

Luật sư Lê Văn Hoan - Trưởng văn phòng luật sư Lê Văn (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng theo các quy định của Bộ Luật dân sự tại Khoản 1 Điều 213:Sở hữu chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia”; Tại Điểm a, Khoản 1, Điều 110 Luật Doanh nghiệp quy định “Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần”; Tại Điều 219 BLDS quy định việc chia tài sản thuộc sở hữu chung khi tài sản chung không thể chia được bằng hiện vật thì chủ sở hữu chung có quyền bán phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp các chủ sở hữu chung có thỏa thuận khác.

“Như vậy, cổ phần của ông Đặng Lê Nguyên Vũ bà Lê Hoàng Diệp Thảo tại Trung Nguyên là tài sản chung hợp nhất và có thể chia. Nhưng căn cứ vào quy định viện dẫn nêu trên thì việc tòa đã không chia cổ phần cho vợ chồng khi ly hôn lại chia theo giá trị trong khi giữa họ không có thỏa thuận nào về việc phải duy trì tình trạng của tài sản chung là không đúng quy định của pháp luật”, luật sư Hoan nói.

Liên quan đến giá cổ phần, luật sư Hoan cho hay, Khoản 5, Điều 7 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP quy định: “Giá trị tài sản chung của vợ chồng, tài sản riêng của vợ, chồng được xác định theo giá thị trường tại thời điểm giải quyết sơ thẩm vụ việc. Và tại Khoản 11, Điều 4 Luật Doanh nghiệp quy định: “Giá thị trường của phần vốn góp hoặc cổ phần là giá giao dịch trên thị trường cao nhất ngày hôm trước, giá thỏa thuận giữa người bán và người mua, hoặc giá do một tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp xác định”.

“Vậy cổ phiếu nếu đã được niêm yết trên thị trường chứng khoán thì phải được xem xét, tính toán tại thời điểm tuyên án. Trường hợp chưa niêm yết như Trung Nguyên thì phải định giá để xác định giá thị trường của giá trị cổ phần”, luật sư Hoan nói.

Yên Trang