|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Vụ li hôn của hai nhà sáng lập Trung Nguyên: Bà Lê Hoàng Diệp Thảo có thể kháng cáo phán quyết tước quyền cổ đông

10:54 | 03/04/2019
Chia sẻ
Giám đốc một công ty luật cho rằng, với phán quyết tước quyền cổ đông của bà Lê Hoàng Diệp Thảo tại Trung Nguyên, bà Thảo có quyền không chấp hành và kháng cáo một phần bản án lên Tòa án phúc thẩm.

Vụ án ly hôn của ông Vũ và bà Thảo đã kéo dài hơn 3 năm do liên quan đến tranh chấp tài sản. Ngày 27/3, Tòa án Nhân dân TP HCM đã đưa ra phán quyết cuối  cùng, theo đó tòa chấp thuận cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo ly hôn. Đối với tài sản chung của hai vợ chồng, ông Vũ hưởng 60% giá trị tài sản là cổ phần của các công ty thuộc tập đoàn Trung Nguyên, bà Thảo hưởng 40%. Đồng thời, bản án của TAND TP HCM cũng tước quyền cổ đông của bà Thảo tại Trung Nguyên khi buộc bà Thảo giao toàn bộ 40% cổ phần cho ông Vũ, còn ông Vũ sẽ trả cho bà số tiền tương ứng với 40% cổ phần. Nhiều người đặt câu hỏi: Quyết định của tòa án đúng thẩm quyền hay không?

Vụ li hôn của hai nhà sáng lập Trung Nguyên: Bà Lê Hoàng Diệp Thảo có thể kháng cáo phán quyết tước quyền cổ đông - Ảnh 1.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ hưởng 60% số cổ phần các công ty thuộc tập đoàn Trung Nguyên, theo phán quyết của Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Huỳnh Như

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn - giám đốc Công ty Luật TNHH TGS thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội - nhận định TAND TP HCM phân chia tài sản theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014. Theo khoản 3 Điều 59 của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, nguyên tắc giải quyết tài sản vợ chồng khi li hôn là: Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật. Nếu không thể chia bằng hiện vật, tòa án sẽ chia theo giá trị. Bên nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần họ hưởng phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.

Đối với phần tài sản trong trường hợp các bên đưa vào trong kinh doanh, luật quy định tại điều 64:

"Vợ, chồng đang thực hiện hoạt động kinh doanh liên quan đến tài sản chung có quyền nhận tài sản đó và phải thanh toán cho bên kia phần giá trị tài sản mà họ được hưởng, trừ trường hợp pháp luật về kinh doanh quy định khác."

Nhưng trong trường hợp của ông Vũ và bà Thảo, đối tượng tài sản gây tranh cãi ở đây là cổ phần của các bên. Điều 114 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định, quyền của cổ đông bao gồm nhận cổ tức, tự do chuyển nhượng cổ phần, biểu quyết thông qua các vấn đề liên quan đến hoạt động của công ty. Bà Thảo, với tư cách là cổ đông của công ty, sẽ có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần. Như vậy, với phán quyết buộc bà Thảo giao toàn bộ số cổ phần cho ông Vũ, tòa án đã tước quyền cổ đông của bà Thảo tại Trung Nguyên, trong khi quyền đó thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp chứ không phải thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật hôn nhân và gia đình. Hội đồng xét xử vụ li hôn giữa ông Vũ và bà Thảo không có thẩm quyền can thiệp và đưa ra phán quyết đối với vấn đề này.

Vụ li hôn của hai nhà sáng lập Trung Nguyên: Bà Lê Hoàng Diệp Thảo có thể kháng cáo phán quyết tước quyền cổ đông - Ảnh 2.

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn thuộc Công ty Luật TNHH TGS thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội. Ảnh: NVCC

Một câu hỏi nữa là: Nếu tòa án đã vượt thẩm quyền, bà Thảo cần chấp hành phán quyết không?

Muốn xác minh bản án sơ thẩm do Tòa án Nhân dân TP HCM tuyên đã vượt thẩm quyền của tòa, bà Thảo cần xác định nội dung nào là phần vượt thẩm quyền.Căn cứ vào Điều 28 BLTTDS 2015, những tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án gồm: Ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn; chia tài sản sau khi ly hôn; tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn; tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ; tranh chấp về cấp dưỡng; tranh chấp về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; tranh chấp về nuôi con, chia tài sản của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn hoặc khi hủy kết hôn trái pháp luật; các tranh chấp khác về hôn nhân và gia đình, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

Vụ li hôn của hai nhà sáng lập Trung Nguyên: Bà Lê Hoàng Diệp Thảo có thể kháng cáo phán quyết tước quyền cổ đông - Ảnh 3.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo hưởng 40% cổ phần trong các công ty thuộc tập đoàn Trung Nguyên. Ảnh: Huỳnh Như

Như vậy, phán quyết cho phép ông Vũ,  bà Thảo ly hôn và phán quyết phân chia tài sản chung của vợ chồng thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân TP HCM, thuộc phạm vi Luật hôn nhân và gia đình điều chỉnh.

Do đó, đối với bản án hiện tại, bà Thảo vẫn phải chấp hành phán quyết cho phép ông Vũ, bà Thảo li hôn và phán quyết chia tài sản chung của vợ chồng theo tỉ lệ 60% - 40%. Với phán quyết tước quyền cổ đông của bà Thảo tại Trung Nguyên, bà Thảo có quyền không chấp hành và kháng cáo một phần bản án tại Tòa án phúc thẩm. Ngoài ra trong trường hợp không đồng ý với toàn bộ bản án, bà Thảo cũng có quyền kháng cáo toàn bộ bản án lên tòa án phúc thẩm.


Nhạc Dương