|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Vụ vợ chồng Trung Nguyên: Tòa có thể chia cổ phần

06:55 | 28/02/2019
Chia sẻ
Các chuyên gia pháp lý cho rằng theo yêu cầu của ông Vũ và bà Thảo tòa có thể chia cổ phần vì nó được coi là một loại tài sản.

Chiều 1-3 tới, TAND TP.HCM sẽ tuyên án sơ thẩm vụ ly hôn và tranh chấp tài sản chung giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo (46 tuổi) và ông Đặng Lê Nguyên Vũ (48 tuổi, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên). Vấn đề pháp lý gây chú ý trong những ngày qua là ngoài những loại tài sản khác, tại tòa vợ chồng “vua cà phê” đã yêu cầu chia số cổ phần tại các công ty.

Phức tạp nhất trong khối tài sản chung

Theo đó, đối với cổ phần của vợ chồng tại bảy công ty, bà Thảo yêu cầu cho bà hưởng 51% cổ phần tại Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên, 15% cổ phần tại Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên và 7,5% cổ phần tại Công ty CP Hòa tan Trung Nguyên - G7. Đối với số cổ phần của vợ chồng tại bốn công ty còn lại, bà Thảo đồng ý cho ông Vũ sở hữu toàn bộ.

Về phần ông Vũ, ông đề nghị chia cho ông 70% số cổ phần trong tổng số cổ phần của vợ chồng tại cả bảy công ty. 30% cổ phần còn lại, ông cũng đề nghị nhận và hoàn giá trị cổ phần cho bà Thảo. Ông Vũ mong muốn tiếp tục được quản lý, điều hành Tập đoàn Trung Nguyên.

Hai bên đã thống nhất giá trị cổ phần trong bảy công ty theo kết luận tại các chứng thư thẩm định giá. Đây cũng là mảng tài sản phức tạp, gay cấn nhất trong việc phân chia.

Phát biểu quan điểm về chia tài sản, đại diện VKSND TP.HCM cho rằng theo Điều 33, Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất. Nguyên tắc giải quyết là tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính tới các yếu tố khác như công sức đóng góp vào khối tài sản ấy… Sau khi đưa ra các nhận định thì VKS đề nghị HĐXX phân chia tỉ lệ phù hợp nhằm đảm bảo quyền lợi của các bên và đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các công ty.

vu vo chong trung nguyen toa co the chia co phan
Ông Vũ và bà Thảo tại phiên tòa. Ảnh: MẾN CHUNG

Là tài sản nên tòa có thể chia

Theo TS Võ Trí Hảo (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM),khoản 1 Điều 105 BLDS 2015 quy định tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Cổ phần là quyền về tài sản nên vẫn có thể được định giá và được chia trong vụ án ly hôn. Chẳng hạn theo thông lệ quốc tế thì để đánh giá độ giàu của tỉ phú nào đó, người ta cũng căn cứ vào số cổ phần mà tỉ phú nắm giữ trong các công ty.

Đồng tình, PGS-TS Dương Anh Sơn (Trưởng khoa Luật kinh tế, Trường ĐH Kinh tế Luật TP.HCM) nói: “Cổ phần là những phần bằng nhau được phân chia từ vốn điều lệ. Mà vốn điều lệ là tài sản. Tôi bỏ tiền ra mua cổ phần và cổ phần đó thuộc sở hữu của tôi thì đó là tài sản của tôi”. Theo ông Sơn, nếu các công ty cổ phần của Trung Nguyên đã niêm yết trên sàn chứng khoán thì tòa cần định giá khối tài sản này, sau đó mới chia. Các công ty còn lại nếu chưa niêm yết thì tòa có thể chia cổ phần trực tiếp trên đó. Vấn đề ông Vũ hay bà Thảo nắm bao nhiêu cổ phần không quan trọng mà quan trọng đó là tài sản chung, “của chồng công vợ” nên phải được chia.

Luật sư (LS) Lê Ngô Trung (Đoàn LS TP.HCM) phân tích: Theo Điều 110 Luật Doanh nghiệp, công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần, tức cổ phần chính là vốn (vốn nghĩa là tài sản).

Ngoài ra, theo Điều 36 Luật Doanh nghiệp thì cổ đông của công ty cổ phần phải chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty theo quy định sau đây: Cổ phần hoặc phần vốn góp bằng tài sản… Luật quy định rõ cả cụm từ “quyền sở hữu tài sản góp vốn”, rồi liệt kê “cổ phần” trong đó, tức nó là tài sản. Chính vì là tài sản nên thực tế mới có chuyện chuyển nhượng hoặc mua bán cổ phần. Chưa kể theo khái niệm tại khoản 1 Điều 105 BLDS nói trên thì quyền được chia cổ tức từ cổ phần cũng được coi là quyền tài sản. Mà quyền tài sản thì được coi là tài sản theo BLDS.

Tòa thẩm định giá cổ phần ra sao?

Tại phiên tòa, LS của hai bên đã thông tin về việc tòa trưng cầu thẩm định giá khối tài sản và số cổ phần của ông Vũ, bà Thảo tại các công ty. Theo đó, công ty trung tâm của toàn bộ hệ thống Trung Nguyên là Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên, quản lý các hoạt động sản xuất, kinh doanh cà phê của tập đoàn. Doanh nghiệp này hiện có vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng nhưng ông Vũ chỉ trực tiếp sở hữu 20% và bà Thảo sở hữu 10%. Số 70% cổ phần còn lại được nắm giữ bởi Công ty Đầu tư Trung Nguyên (Trung Nguyên Investment, công ty do ông Vũ và bà Thảo lập nên để quản lý tập trung khối tài sản của gia đình). Đến cuối năm 2017, cơ cấu sở hữu của Trung Nguyên Investment gồm ông Vũ nắm 61,66%, bà Thảo nắm 30% và mẹ ông Vũ nắm 6,68%.

Chia theo Luật Hôn nhân và Gia đình

Theo quy định tại Điều 105 BLDS 2015 nói trên thì cổ phần cũng được xem là một loại tài sản. Nếu đã là tài sản và tòa xác định được đây là tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân thì theo Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, tòa có thể chia. Một số ý kiến cho rằng tòa không có thẩm quyền chia cổ phần của Trung Nguyên trong vụ này là không đúng. LS PHẠM BÍNH KHIÊM, Đoàn LS TP.HCM

Không phải quyền tài sản thì sao chuyển nhượng?

Cổ phần là phần vốn góp của thành viên vào công ty cổ phần, có thể góp vốn bằng tài sản hoặc hiện kim nhưng đều có thể quy ra được thành một số tiền nhất định. Khi cổ đông sở hữu cổ phần trong công ty nghĩa là người đó có một phần quyền tài sản đối với công ty. Nếu cổ phần không phải là quyền tài sản thì làm sao có thể chuyển nhượng cổ phần cho người khác được? Theo quy định tại BLDS thì cổ phần là tài sản, cụ thể là quyền tài sản. Nếu đã là tài sản mà xác định là tài sản chung của vợ chồng thì tòa hoàn toàn có thể chia được cổ phần của Trung Nguyên. TS NGUYỄN THỊ HỒNG NHUNG, Phó Trưởng khoa Luật, ĐH Kinh tế Luật TP.HCM

Vũ Mến - Minh Chung