Vũ điệu nhọc nhằn của Liên minh châu Âu với Trung Quốc (Phần 1)
Năm nay khiến Liên minh châu Âu rất bối rối về việc phải làm gì với Trung Quốc. Đầu năm nay, hai bên hy vọng sẽ chính thức hóa quan hệ đối tác kinh tế và chiến lược tại hội nghị thượng đỉnh mang tính bước ngoặt ở Leipzig, do Thủ tướng Đức Angela Merkel chủ trì, đánh dấu một bước đột phá lịch sử trong quan hệ Trung Quốc-EU.
Đại dịch COVID-19 khiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, thay vì được chào đón trên thảm đỏ bởi Đức, 26 quốc gia thành viên EU khác và các nhân vật hàng đầu của Brussels, phải thực hiện một cuộc họp video với Merkel và các Chủ tịch của Ủy ban và Hội đồng EU.
Steven Blockmans, quyền giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Châu Âu, phát biểu: "Rõ ràng một cuộc gọi video với chỉ ba nhà lãnh đạo là một phần thưởng an ủi khá khập khiễng cho Trung Quốc. Chúng ta thậm chí còn không biết các bên sẽ ra một thông cáo chung cuối cùng hay không".
Hầu hết các nhà quan sát lâu năm về quan hệ EU-Trung Quốc đều cho rằng năm 2020 là một thảm họa. Nó không chỉ là việc Trung Quốc đã xử lí kém một đại dịch bắt đầu bùng phát trong lãnh thổ của họ, và sự lúng túng của Bắc Kinh đã làm hỏng các mối quan hệ.
Một quan chức ngoại giao EU tiết lộ rằng các chính trị gia cao cấp nhất của châu Âu đã buộc phải "suy nghĩ kỹ về loại tác nhân địa chính trị mà Trung Quốc đang cố gắng trở thành".
"Quan điểm của chúng tôi là Trung Quốc đã lợi dụng sự phân tâm của nhiều người trên thế giới gây ra bởi virus để đẩy nhanh các mục tiêu của họ ở những nơi như Hong Kong với luật an ninh, đàn áp người Duy Ngô Nhĩ và các hành động khiêu khích quốc tế", vị quan chức nói.
Trước đó, trong năm nay, Bắc Kinh đã gây nên làn sóng phản đối khi áp đặt luật an ninh quốc gia mới lên Hong Kong, cấm ly khai, lật đổ, khủng bố và cấu kết với các lực lượng nước ngoài.
Giai đoạn thấp điểm của năm 2020 diễn ra vào tháng trước khi Vương Nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, bắt đầu chuyến đi vòng quanh châu Âu gặp gỡ các nhân vật quan trọng trước hội nghị thượng đỉnh trực tuyến hôm 14/9.
Tuy nhiên, thay vì được chào đón bằng sự nồng nhiệt mà các phái đoàn Trung Quốc đã quen thuộc, ông lại nhận những lời chỉ trích.
"Với suy nghĩ của tôi, đó là một thảm họa ngoại giao. Thảm họa ấy thể hiện rõ nhất ở Đức, nơi ông Vương Ngihj bị phê phán vì đe dọa một chính trị gia Czech khi đến thăm Đài Loan, rồi bị thúc giục hủy luật an ninh ở Hong Kong và thậm chí không được gặp Merkel", Blockmans phát biểu.
Blockmans nói thêm rằng trong suốt chuyến thăm, Hong Kong, hoàn cảnh của người Duy Ngô Nhĩ, những lời tuyên truyền của Trung Quốc về virus liên tục xuất hiện (trong chương trình nghị sự), trái ngược với những việc bạn muốn xảy ra trong một chuyến đi ngoại giao.
Các quan chức Trung Quốc từ lâu đã biện hộ rằng chính sách trấn áp ở Tân Cương là cần thiết để giải quyết chủ nghĩa cực đoan và phù hợp với luật pháp Trung Quốc và thông lệ quốc tế.