|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Vốn hóa thị trường của Samsung Electronics tăng mạnh dưới thời cố Chủ tịch Lee Kun-Hee

02:47 | 26/10/2020
Chia sẻ
Giá trị vốn hóa thị trường của Samsung Electronics Co., “lá cờ đầu” của Tập đoàn Samsung lớn nhất Hàn Quốc, đã tăng 500 lần dưới sự lãnh đạo trong 27 năm của cố Chủ tịch Lee Kun-Hee.
Vốn hóa thị trường của Samsung Electronics tăng mạnh dưới thời cố Chủ tịch Lee Kun-Hee - Ảnh 1.

Vốn hóa thị trường của Samsung Electronics tăng mạnh dưới thời cố Chủ tịch Lee Kun-Hee. (Ảnh: AFP)

Theo số liệu từ Samsung Electronics và Korea Exchange, giá trị vốn hóa thị trường của Samsung Electronics Co., “lá cờ đầu” của Tập đoàn Samsung lớn nhất Hàn Quốc, đã tăng 500 lần dưới sự lãnh đạo trong 27 năm của cố Chủ tịch Lee Kun-Hee, khi công ty này chuyển đổi từ một nhà sản xuất thiết bị gia dụng nhỏ thành công ty công nghệ hàng đầu thế giới.

Khi ông Lee lên nắm giữ vị trí người đứng đầu của Tập đoàn Samsung vào tháng 11/1987, giá cổ phiếu của Samsung Electronics chỉ vào khoảng 12.000 won/cổ phiếu (10,60 USD/cổ phiếu), với giá trị vốn hóa thị trường khoảng 400 tỷ won, xếp sau các công ty công nghiệp nặng hàng đầu của đất nước, trong đó có cả nhà sản xuất thép hiện được biết đến như POSCO. 

Doanh thu của Samsung Electronics trong năm đó đạt 2.300 tỷ won, còn lợi nhuận ròng ở mức 34,5 tỷ won.

Vào thời điểm cố Chủ tịch Lee thôi giữ vị trí quản lý do cơn đau tim vào tháng 5/2014, giá trị vốn hóa thị trường của Samsung Electronics đạt 196.600 tỷ won, còn giá cổ phiếu ở mức 1,33 triệu won/cổ phiếu. 

Giá cổ phiếu của Samsung Electronics liên tục tăng kể từ đó và công ty này đã quyết định chia tách cổ phiếu theo tỷ lệ 50:1 trong năm 2018 để tăng giá trị của cổ đông. Giá cổ phiếu của “gã khổng lồ công nghệ” này đóng cửa ở mức 60.200 won/cổ phiếu trong phiên 23/10 và vốn hóa thị trường đạt 360.000 tỷ won (khoảng 319 tỷ USD).

Tổng doanh thu trong năm 2014 của Samsung Electronics đã đạt 206.200 tỷ won, cao gấp 87 lần so với năm 1987, với thu nhập ròng tăng gấp 678 lần lên 23.400 tỷ won trong cùng giai đoạn trên. 

Sự phát triển mạnh mẽ của Samsung để trở thành một trong những “gã công nghệ khổng lồ” của thế giới là nhờ vào chiến lược chuyến hướng đầu tư kinh doanh chất bán dẫn của cố Chủ tịch Lee.

Vốn hóa thị trường của Samsung Electronics tăng mạnh dưới thời cố Chủ tịch Lee Kun-Hee - Ảnh 2.

Ông Lee Kun-hee trả lời báo giới vào tháng 12/2010. (Ảnh: Reuters)

Năm 1988, ông Lee đã sáp nhập Samsung Semiconductor & Telecommunications Co. với Samsung Electronics nhằm đẩy mạnh phát triển hơn nữa ngành chất bán dẫn, nhờ đó Samsung đã trở thành “người tiên phong” trong phát triển chip bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên động 64M (DRAM 64M) đầu tiên trên thế giới vào năm 1992.

Sự hiện diện của Samsung Electronics trên thị trường chip nhớ toàn cầu đã giúp giá cổ phiếu của công ty đạt tới 100.000 won/cổ phiếu trong năm 2015. Cố Chủ tịch Lee cũng đề ra chiến lược tập trung vào mảng điện thoại di động, và đã giành được thị phần lớn nhất ở thị trường trong nước vào năm đó. 

Hoạt động kinh doanh chip nhớ và điện thoại di động bùng nổ đã giúp Samsung Electronics trở thành công ty sở hữu giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất cả nước năm 1999 và giá cổ phiếu của công ty ở mức hơn 500.000 won/cổ phiếu trong năm 2004.

Việc hãng Apple Inc. của Mỹ ra mắt mẫu điện thoại thông minh (smartphone) iPhone vào năm 2007 đã đe dọa sự hiện diện của Samsung Electronics trên thị trường điện thoại toàn cầu. 

Tuy nhiên, Samsung sau đó đã đáp trả bằng cách tung ra dòng smartphone Galaxy S của riêng mình vào năm 2010. Động thái này đã đẩy giá cổ phiếu của Samsung Electronics tăng lên 1 triệu won/cổ phiếu vào tháng 1/2011.

Sau đó, Samsung Electronics đã vượt mặt Apple để giành vị trí dẫn đầu về thị phần smartphone toàn cầu trong quý III/2011, với việc tung ra mẫu Galaxy S2.

Ông Lee Kun Hee, người xây dựng Samsung thành một tập đoàn công nghệ hàng đầu và từng 2 lần bị kết án, rồi sau đó lại được tha bổng, đã qua đời ngày 25/10 tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Sự ra đi của ông đã để lại bao sự tiếc nuối, cùng khối tài sản thừa kế khổng lồ. Theo Forbes, tổng giá trị tài sản ròng mà ông Lee để lại có thể lên tới 21 tỷ USD.

Minh Hằng (Theo Yonhap)

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.