Vốn hóa GVR tăng 1,1 tỉ USD, vượt Vietjet, FPT, Bảo Việt, Thế giới Di động cùng nhiều ngân hàng
Trong thời gian gần đây, cổ phiếu GVR của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam trở thành tâm điểm của thị trường khi liên tục tăng giá mạnh. Đơn cử, từ ngày 6/11 đến 13/11, GVR có chuỗi tăng 6 phiên liên tiếp.
Phiên hôm nay (17/11), cổ phiếu này tăng kịch trần lên 17.900 đồng/cp. Đây là vùng giá cao nhất của mã GVR kể từ khi giao dịch trên UPCoM hay niêm yết trên HOSE.
Đi vùng với đà tăng giá đó là sự cải thiện về thanh khoản. Kể từ đầu tháng 10, khối lượng giao dịch hàng phiên của GVR tăng đột biến lên mức 4 – 6 triệu mỗi phiên. Phiên 3/11, hơn 11,2 triệu cổ phiếu GVR được giao dịch khớp lệnh.
Cổ phiếu GVR chuyển giao dịch từ thị trường UPCoM sang niêm yết trên sàn HOSE từ ngày 17/3 với giá tham chiếu 11.570 đồng/cp. Theo đó, giá cổ phiếu GVR tăng khoảng 54,7% kể từ khi chuyển sàn sang HOSE.
Số lượng cổ phiếu đang niêm yết của GVR là 4 tỉ cổ phiếu. Ước tính với giá đóng cửa phiên hôm nay (17/11), giá trị vốn hóa của GVR là 71.600 tỉ đồng, tăng 25.320 tỉ đồng (khoảng 1,1 tỉ USD) so với thời điểm bắt đầu niêm yết trên sàn HOSE.
Thời điểm hiện tại, qui mô vốn hóa của GVR cao hơn một số đơn vị như Vietjet, FPT, Tập đoàn Bảo Việt, Đại ốc No Va, Thế giới Di động, Vietnam Airlines hay các ngân hàng như HDBank, Sacombank, VIB, Eximbank.
Thông tin thêm, GVR có cơ cấu cổ đông tương đối cô đặc. Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là cổ đông lớn duy nhất, nắm giữ 3,87 tỉ cổ phần, tương đương 96,77% vốn diều lệ của công ty.
Một điểm tích cực là số lượng cổ phần sở hữu của khối ngoại tại GVR tăng nhẹ kể từ khi doanh nghiệp này niêm yết trên HOSE. Tại thời điểm chấp thuận niêm yết, NĐT nước ngoài nắm giữ hơn 26 triệu cp (tương đương 0,63% vốn điều lệ). Tính đến phiên 17/11, khối ngoại sở hữu 30,3 triệu cp, tương đương 0,76% vốn điều lệ của GVR.