Vốn hóa cổ phiếu bị thổi bay hơn 2,5 triệu tỷ đồng, còn tương đương 55% GDP, nhiều công ty địa ốc rời nhóm tỷ USD
Vốn hóa thị trường cổ phiếu Việt Nam giảm hơn 2,5 triệu tỷ đồng, tương đương 55% GDP
Năm 2022 khép lại, đánh dấu một năm đầy sóng gió trên thị trường chứng khoán Việt Nam. VN-Index thiết lập vùng đỉnh trên ngưỡng 1.500 điểm sau đó giảm sâu, có thời điểm rơi xuống dưới 900 điểm.
Đóng cửa năm, chỉ số giữ trên mốc 1.000 điểm, đóng cửa ở 1.007,09 điểm, tương đương mức giảm 32,78% so với cuối năm 2021. Với kết quả này, VN-Index góp mặt trong Top 5 chỉ số chứng khoán tồi tệ nhất toàn cầu.
Đà lao dốc của VN-Index cũng thổi bay hàng triệu tỷ đồng vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm nay. Thống kê tính đến ngày 30/12, tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường đạt 5.226.609 tỷ đồng, giảm 2.539.998 tỷ đồng so với cuối năm 2021.
Đỉnh điểm quy mô vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam đạt hơn 8 triệu tỷ đồng. Theo đó, giá trị vốn hóa giảm khoảng 2,8 triệu tỷ đồng từ đỉnh.
Theo dữ liệu công bố từ Tổng Cục thống kê, quy mô GDP theo giá hiện hành năm 2022 đạt khoảng 9,513 triệu tỷ đồng. Như vậy, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu tại Việt Nam đang tương đương 55% GDP.
Theo Nghị quyết số 54/NQ – CỔ PHIẾU ngày 12/4/2022 về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025, mục tiêu đặt ra là quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt tối thiểu 85% GDP, dư nợ thị trường tái phiếu doanh nghiệp đạt 20% GDP.
Nếu xét theo mục tiêu trên, con số 55% thời điểm cuối năm 2022 vẫn còn cách khá xa. Năm 2021 tỷ lệ vốn hóa trên GDP từng vượt ngưỡng 85% trên.
Vốn hóa sàn HOSE giảm hơn 2 triệu tỷ đồng
Đóng góp chính vào mức giảm vốn hóa hơn 2,5 triệu tỷ đồng đến từ sàn HOSE. Theo dữ liệu thống kê, tổng giá trị vốn hóa HOSE cuối năm 2022 đạt hơn 4 triệu tỷ đồng, tụt 1,82 triệu tỷ đồng so với cuối năm 2021. Mức giảm từ đỉnh (hơn 6 triệu tỷ đồng) là hơn 2 triệu tỷ đồng.
Đứng thứ hai về quy mô vốn hóa là thị trường UPCoM. Tại ngày 30/12/2022, tổng giá trị vốn hóa của thị trường này đạt 957.174 tỷ đồng, giảm 461.292 tỷ đồng (32,52%) so với đầu năm. Lúc đỉnh điểm vốn hóa thị trường này đạt 1.479.906 tỷ đồng.
Trong một năm kém sắc, vốn hóa sàn HNX giảm hơn một nửa so với đầu năm. Quy mô vốn hóa HNX cuối năm nay là 252.140 tỷ đồng, mất 257.888 tỷ đồng.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản rời câu lạc bộ vốn hóa tỷ USD
Xét theo từng doanh nghiệp, Vietcombank vẫn là đơn vị có quy mô vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam, đạt 378.601 tỷ đồng, bằng 9,4% vốn hóa sàn HOSE. Theo sau Vietcombank là Vinhomes (Mã: VHM, 209.009 tỷ đồng), Tập đoàn Vingroup (205.190 tỷ đồng).
Top 10 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất sàn HOSE còn có các ngân hàng, công ty, tập đoàn lớn như BIDV, PV GAS, Vinamilk, Tập đoàn Masan, VietinBank, VPBank và Sabeco. Việc giá cổ phiếu HPG lao dốc mạnh khiến Hòa Phát không còn góp mặt trong Top 10 công ty vốn hóa lớn nhất thị trường.
Trong một năm đầy sóng gió, nhiều doanh nghiệp rời câu lạc bộ vốn hóa tỷ USD trên sàn HOSE như Bất động sản Phát Đạt (Mã: PDR). Giá cổ phiếu giảm sàn liên tiếp đẩy Phát Đạt từ doanh nghiệp tỷ USD xuống còn dưới 10.000 tỷ đồng.
Ngoài Phát Đạt, doanh nghiệp bất động sản khác cũng rời câu lạc bộ vốn hóa tỷ USD như DIG Corp (Mã: DIG), Khang Điền (Mã: KDH), Tổng Công ty Viglacera (Mã: VGC), Đất Xanh (Mã: DXG) và Kinh Bắc (Mã: KBC).
Ngoài ra, nhiều công ty khác cũng không còn nằm trong nhóm vốn hóa tỷ USD như Chứng khoán VNDirect (Mã: VND), Tập đoàn GELEX (Mã: GEX), Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (Mã: DGC), TCT Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Mã: DPM).