|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chân dung ‘cá mập’ ngoại mạnh tay giải ngân nhất vào TTCK Việt Nam năm 2022

07:30 | 31/12/2022
Chia sẻ
Trong bối cảnh VN-Index nằm trong Top 5 chỉ số chứng khoán tồi tệ nhất thế giới, điểm sáng của thị trường đến từ hoạt động mua ròng của khối ngoại. Trong đó phải kể đến Fubon FTSE Vietnam ETF, tổ chức giải ngân mạnh tay nhất vào thị trường năm 2022.

Fubon FTSE Vietnam mạnh tay giải ngân khi VN-Index bước vào nhịp chỉnh sâu

Theo thống kê, khối ngoại giải ngân mua ròng tổng cộng 29.130 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2022 sau khi bán ròng gần 82.000 tỷ đồng trong hai năm 2020 và 2021.

Không chỉ có dòng tiền từ những tổ chức hoạt động lâu năm trên thị trường, nhiều quỹ đầu tư huy động thêm được lượng tiền mới để giải ngân mua ròng cổ phiếu Việt Nam. Trong số đó quỹ hoán đổi danh mục ETF đến từ Đài Loan – Fubon FTSE Vietnam ETF là một cái tên nổi bật nhất.

Dữ liệu ước tính của phóng viên, Fubon FTSE Vietnam ETF mua ròng trong toàn bộ 12 tháng của năm 2022 với tổng giá trị hơn 15,9 tỷ Tân đài tệ, tương đương gần 528 triệu USD (12.500 tỷ đồng). Giá trị mua ròng của quỹ ngoại này tương đương gần 43% giá trị mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài trong năm nay.

 Quy mô mua/bán ròng theo tháng của Fubon FTSE Vietnam ETF. Nguồn: Thu Hà tổng hợp.

Quan sát diễn biến giao dịch, hoạt động giải ngân của Fubon FTSE Vietnam ETF xu hướng sôi động hơn khi VN-Index nhịp điều chỉnh sâu.

Đơn cử, trong ba tháng đầu năm khi thị trường giao dịch trong vùng 1.400 - 1.500 điểm, quỹ Đài Loan giải ngân khoảng 57 triệu USD, trong đó tháng 2 và 3 chỉ đạt lần lượt là 0,92 triệu USD và 6,4 triệu USD.

Quy mô mua ròng từ Fubon FTSE Vietnam tiếp tục gia tăng lên gần 171 triệu USD trong quý II khi VN-Index rơi từ 1.500 điểm xuống vùng 1.200 điểm. Nhưng thị trường hồi phục trong quý III, lượng giải ngân thu hẹp xuống còn hơn 33 triệu USD.

Trong quý cuối năm, thị trường lao dốc, chỉ số có thời điểm xuống dưới 900 điểm do ảnh hưởng từ làn sóng giải chấp, tín hiệu tiêu cực từ thị trường trái phiếu cộng hưởng thông tin vĩ mô kém sắc. Khi đó lượng vào ròng của Fubon FTSE Vietnam ETF lại tăng vọt lên hơn 267 triệu USD, đánh dấu quý mua ròng mạnh nhất trong gần 2 năm hoạt động tại Việt Nam.

Riêng trong tháng 11 và 12, giá trị mua ròng của quỹ Fubon FTSE Vietnam lần lượt đạt 116,4 triệu USD và 96,1 triệu USD.

 Lượng chứng chỉ quỹ của Fubon FTSE Vietnam ETF tiến lên ngưỡng 2 tỷ ccq. Nguồn: Thu Hà tổng hợp.

NĐT không ngừng rót tiền

Động thái giải ngân của Fubon FTSE Vietnam ETF là điểm sáng trong bối cảnh thị trường lao dốc, hiệu suất đầu tư của quỹ cũng không mấy tích cực. Tỷ suất lợi nhuận kể từ thời điểm bắt đầu hoạt động tại Việt Nam của quỹ (16/4/2021) là – 27,83%. Kể từ đầu năm 2022, hiệu suất của quỹ là – 38,14%. Kết quả này kém hơn so với một số quỹ chủ động có quy mô lớn trên thị trường như VEIL của Dragon Capital, VOF của VinaCapital hay Pyn Elite Fund.

Lý giải về hoạt động giải ngân mạnh tay của Fubon, một nhà quản lý từng có kinh nghiệm huy động tiền từ thị trường Đài Loan cho biết một bộ phận nhà đầu tư kỳ vọng chứng khoán Việt Nam vận động như những gì từng diễn ra tại thị trường này. Tỷ lệ dân số có tài khoản chứng khoán của Việt Nam còn rất thấp, tương đương Đài Loan cách đây vài chục năm.

Từ phía nhà quản lý quỹ của Fubon, vị này đánh giá đây là thời điểm tốt để đầu tư vào Việt Nam với mức định giá hấp dẫn. Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do.

Trên thực tế, lượng nhà đầu tư vào quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF tăng từ 67.480 thời điểm cuối tháng 4/2021 lên 135.061 cuối tháng 11/2022. Con số này không ngừng gia tăng bởi quỹ vẫn huy động thêm lượng tiền mới trong tháng cuối năm nay.

Fubon FTSE Vietnam ETF mua bán thế nào trong năm 2022?

Trở lại với giao dịch của quỹ, Fubon FTSE Vietnam ETF mô phỏng theo chỉ số tham chiếu rổ FTSE Vietnam. Tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục cũng được xây dựng theo rổ chỉ số này.

Thời điểm cuối năm 2022, danh mục của Fubon FTSE Vietnam ETF gồm 30 cổ phiếu trong đó có 4 mã chiếm tỷ trọng trên 10% trong danh mục gồm VIC, VHM, VNM và MSN. Top10 khoản đầu tư lớn nhất còn có HPG, VCB, VRE, SSI và VJC với tỷ trọng 3 – 10 %.

Trong năm 2022, quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF mua ròng mạnh nhất cổ phiếu HPG của Hòa Phát với khối lượng gần 73,3 triệu đơn vị, theo sau là SHB (29,5 triệu cp), SSI (27,6 triệu cp). Những mã khác cũng được mua ròng trên 10 triệu đơn vị còn có VHM, VIC, VND, VRE, VNM, NVL, MSN, SBT, STB và VCB.

Ở chiều bán ra, ba cổ phiếu bị bán là VHC, HSG và ACB do bị loại khỏi rổ cổ phiếu FTSE Vietnam.

 

Lợi Hoàng