Các quỹ đầu tư lỗ bao nhiêu năm 2022 khi không ít người cháy tài khoản, rời thị trường?
Chỉ còn một phiên giao dịch nữa thị trường chứng khoán Việt Nam khép lại năm 2022 đầy sóng gió. Đà lao dốc của VN-Index khiến không ít nhà đầu tư mất đi thành quả tích lũy được trong hai năm trước đó, thậm chí âm vốn, cháy tài khoản.
Không chỉ nhà đầu tư cá nhân, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, tập đoàn lớn cũng bị bán giải chấp (force sell) tài khoản để trả tiền vay ký quỹ cho các công ty chứng khoán. Làn sóng bán giải chấp cộng hưởng với tâm lý lo ngại về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, động thái tăng lãi suất, tình hình lạm phát khiến các nhóm cổ phiếu giảm sâu.
So sánh với thời điểm đầu năm, đa phần các nhóm cổ phiếu đã mất quá nửa giá trị. Trong đó những nhóm cổ phiếu từng là tâm điểm của dòng tiền đầu cơ cuối năm 2021 có tỷ lệ giảm giá lên tới hơn 70%, thậm chí vượt 90% như bất động sản, chứng khoán, vận tải biển…
Trong bối cảnh thua lỗ đậm, không ít người lựa chọn giải giáp tạm rời thị trường, đứng ngoài quan sát diễn biến. Hoạt động giao dịch nhộn nhịp nhất trong hai tháng cuối năm đến từ các tổ chức nước ngoài, quỹ hoán đổi danh mục ETF. Tuy nhiên, sức mua của nhóm này chưa thể bù đắp sự sụt giảm từ dòng tiền nội.
Kết quả là, thanh khoản thị trường sụt giảm hơn một nửa so với đầu năm, xuống ngưỡng bình quân quanh 12.000 tỷ đồng toàn thị trường, nhiều phiên ghi nhận mức dưới 10.000 tỷ đồng.
Đó là trạng thái của những nhà đầu tư cá nhân. Còn với những quỹ đầu tư, kết quả năm nay có vẻ tốt hơn nhờ việc đa dạng danh mục nhưng cũng không mấy sáng sủa. Việc chiến thắng được mức giảm chung của thị trường (VN-Index, VN30-Index) tạm coi một thành công.
Thống kê tới ngày 27/12, quỹ ngoại lớn nhất thị trường do Dragon Capital quản lý Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) có tỷ suất lợi nhuận -34,6%, cao hơn mức giảm 32,9% của VN-Index. Đây là kết quả tồi tệ nhất của quỹ VEIL trong nhiều năm trở lại đây.
Với kết quả đầu tư không mấy khả quan, quỹ VEIL tích cực giao dịch cơ cấu lại danh mục đầu tư trong hai tháng gần đây với việc đưa tỷ trọng tiền mặt lên ngưỡng cao kỷ lục và mua ròng trở lại trong tháng 12. Tại ngày 27/12, tài sản ròng (NAV) của quỹ VEIL giảm xuống còn hơn 1,6 tỷ USD, tương đương hơn 38.400 tỷ đồng.
Các quỹ thành viên khác trong nhóm Dragon Capital cũng có kết quả tương tự VEIL với hiệu suất âm lớn hơn mức giảm của chỉ số tham chiếu. Đơn cử, DC Dynamic Securities Fund (DCDS) có tỷ suất lợi nhuận -34,5% từ đầu năm 2022, CTBC Vietnam Equity Fund (-34,8%), Vietnam Equity (UCITS) Fund (VEF) (-37,1% tính tại ngày 23/12).
Trong nhóm quỹ thành viên VinaCapital hay do công ty quản lý quỹ này tư vấn, “tân binh” Jih Sun Vietnam Opportunity Fund có kết quả đầu tư kém nhất với tỷ suất lợi nhuận là – 35,9% kể từ thời điểm ra mắt ngày 21/1/2022. Quỹ VinaWealth Equity Opportunity Fund (VEOF) trong trạng thái tích cực với tỷ suất lợi nhuận – 22,1% kể từ đầu năm.
VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF) có kết quả -20,83%, đánh dấu trạng thái tốt nhất trong các quỹ đầu tư có quy mô lớn hơn 100 triệu USD trên thị trường. Nếu so với tỷ suất – 34,6% của quỹ VEIL do Dragon Capital quản lý, VOF có trạng thái tốt hơn rất nhiều nhờ việc phân bổ một phần danh mục vào trái phiếu, vốn cổ phần tư nhân (private equity – PE). Tại ngày 27/12, giá trị tài sản ròng của quỹ VOF là 1,012 tỷ USD (23.900 tỷ đồng).
Trong số các quỹ lớn, Pyn Elite Fund cũng đạt trạng thái tích cực với tỷ suất lợi nhuận -28,9% kể từ đầu năm 2022. Ba quỹ ngoại khác có thành tích chiến thắng VN-Index dù hiệu suất âm là Vietnam Holding (-32,3%), LionGlobal Vietnam Fund (-31,6%), KIM Vietnam Growth Fund (-29,92%).
Tính đến ngày 15/12, Lumen Vietnam Fund đạt tỷ suất lợi nhuận là -26,1%.
Ở nhóm quỹ chủ động có NAV trên 100 triệu USD, JPMorgan Vietnam Opportunities Fund là quỹ có thành tích kém nhất với tỷ suất lợi nhuận là – 38% kể từ đầu năm. Quỹ đầu tư này có quy mô khoảng 230 triệu USD, phân bổ chủ yếu vào các bluechip như VHM, VNM, MSN, HPG, VCB, NVL, VRE, SSI, DGC.
Thời điểm cuối tháng 10, cổ phiếu NVL của Novaland từng chiếm gần 5% danh mục của JPMorgan Vietnam Opportunities Fund. Kể từ cuối tháng 9, giá mã này giảm sâu từ mức trên 85.000 đồng/cp xuống còn quanh 15.000 đồng/cp. Đà lao dốc của NVL phần nào lý giải cho kết quả đầu tư tiêu cực của quỹ.
Mặc dù có kết quả đầu tư không mấy khởi sắc và mất đi một phần thành quả có được trong hai năm trước đó, nhưng những nhà quản lý quỹ ngoại vẫn giữ góc nhìn lạc quan về thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trong báo cáo gần đây nhất, nhà quản lý quỹ của Pyn Elite Fund – ông Petri Deryng dự báo thị trường hồi phục mạnh trong 12 tháng tới nhờ kết quả kinh doanh khởi sắc của các doanh nghiệp và tín hiệu vĩ mô từ nền kinh tế Việt Nam.
Bên cạnh đó, động thái giải ngân trở lại ngay sau thời điểm của quỹ VEIL cũng là một tín hiệu cho thấy dòng vốn ngoại chưa rút khỏi mà vẫn luôn tìm kiếm cơ hội giải ngân trên thị trường. Cùng với các quỹ đóng, dòng tiền từ các ETF trở thành điểm sáng của thị trường hai tháng cuối năm. Nhà đầu tư nước ngoài có tháng mua ròng kỷ lục cuối năm nâng tổng giá trị vào ròng kể từ đầu năm 2022 đạt gần 30.000 tỷ đồng trên toàn thị trường.