|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Khối ngoại trở lại gom 29.130 tỷ đồng năm 2022 sau hai năm xả hàng, đâu là tâm điểm của dòng tiền?

17:10 | 30/12/2022
Chia sẻ
Trong một năm 2022 giao dịch đầy sóng gió, sự trở lại của dòng vốn ngoại là điểm sáng nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Giá trị mua bán ròng của khối ngoại theo năm. Nguồn: LH tổng hợp.

Khối ngoại trở lại giải ngân hơn 29.000 đồng gom cổ phiếu Việt Nam

Theo thống kê trong năm 2022, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng tổng cộng 29.130 tỷ đồng trên toàn thị trường chứng khoán Việt Nam. Số tháng mua và bán ròng ngang bằng. Riêng hai tháng cuối năm nay, nhà đầu tư ngoại xuống tiền khoảng 30.250 tỷ đồng mua ròng trên thị trường. Tháng 11 ghi nhận quy mô mua ròng kỷ lục với hơn 16.900 tỷ đồng.

Động thái đảo chiều mua ròng của khối ngoại khi giá cổ phiếu giảm sâu là một tín hiệu tích cực cho thấy sự hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong hai năm 2020 – 2021 khi thị trường thăng hoa, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng tổng cộng 81.848 tỷ đồng, tập trung vào năm 2021 với 62.538 tỷ đồng.

Theo dõi kể từ năm 2011, năm 2022 đứng thứ hai về giá trị mua ròng cổ phiếu của khối ngoại, chỉ xếp sau năm 2018 (41.783 tỷ đồng).

Bên cạnh dòng tiền giải ngân trở lại từ các tổ chức chốt lời trước đó hay cơ cấu lại danh mục đầu tư, thị trường chứng khoán Việt Nam năm nay còn đón thêm dòng tiền mới từ các quỹ đầu tư nước ngoài, nổi bật nhất là hai thị trường Đài Loan và Thái Lan.

Nhiều quỹ đầu tư mới được mở ra và giải ngân trên thị trường. Tiêu biểu là Fubon FTSE Vietnam ETF đến từ Đài Loan với quy mô mua ròng hơn 15,9 tỷ Tân đài tệ (528 triệu USD, tương đương 12.500 tỷ đồng).

Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài còn mua thông qua các quỹ ETF. Năm 2022 đánh dấu việc nhiều ETF mua ròng trở lại như FTSE ETF, VNM ETF hay dòng tiền gián tiếp thông qua DC VFMVN Diamond ETF, SSIAM VN Fin Lead ETF.

 Những cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng từ khối ngoại đạt trên 1.000 tỷ đồng. Nguồn: LH.

Đâu là tâm điểm của dòng tiền ngoại?

Về nhóm ngành, cổ phiếu ngân hàng được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với giá trị gần 7.700 tỷ đồng trên sàn HOSE, theo sau là nhóm hóa chất (6.644 tỷ đồng), bán lẻ (4.880 tỷ đồng), chứng khoán (3.135 tỷ đồng). Chiều ngược lại, cổ phiếu thép dẫn đầu về quy mô bán ròng của khối ngoại trên sàn HOSE với 4.270 tỷ đồng.

Thống kê chi tiết theo từng mã chứng khoán, DCVFM VN Diamond ETF được nhà đầu tư nước ngoài mua mạnh nhất với giá trị trên 3.900 tỷ đồng trong năm 2022. Chiều ngược lại E1VFVN30 ETF bị bán ròng 1.390 tỷ đồng.

Giao dịch với các cổ phiếu, mã STB của Sacombank dẫn đầu về giá trị mua ròng trong năm 2022 với gần 4.600 tỷ đồng. Trong số những nhà đầu tư ngoại gom STB mạnh nhất có nhóm Dragon Captial. Nhóm quỹ này công bố thông tin trở thành cổ đông lớn của Sacombank trong năm nay.

Một mã ngân hàng khác cũng ghi nhận giá trị mua ròng lớn đó là CTG của VietinBank với hơn 3.000 tỷ đồng. Chiều ngược lại EIB của Eximbank bị khối ngoại bán ròng 4.620 tỷ đồng.

Đại điện từ nhóm hóa chất, cổ phiếu DGC của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang đứng thứ hai về giá trị mua ròng trên toàn thị trường với hơn 3.140 tỷ đồng. Đây cũng là cổ phiếu ưa thích của nhóm quỹ Dragon Capital, VinaCapital. Ngoài ra, dòng tiền ngoại còn hướng đến các cổ phiếu như DPM (2.487 tỷ đồng), DCM (1.292 tỷ đồng).

Trong một năm khởi sắc của giá dầu thô, dòng tiền ngoại cũng tìm đến hai mã là PVD (1.455 tỷ đồng), PVS (1.271 tỷ đồng).

Ở nhóm bán lẻ, cổ phiếu MWG của Thế giới Di động được mua ròng mạnh nhất với 2.348 tỷ đồng, theo sau là PNJ của Phú Nhuận (1.041 tỷ đồng).

Với cổ phiếu bất động sản, dòng tiền mua hiện diện ở các mã như VHM (2.210 tỷ đồng), NLG (1.939 tỷ đồng), VRE (1.177 tỷ đồng). Trong khi ở chiều bán ròng có NVL (3.511 tỷ đồng) và VIC (2.933 tỷ đồng).

Hoạt động mua ròng đạt giá trị trên 1.000 tỷ đồng còn có các cổ phiếu như FPT (1.936 tỷ đồng), VNM (1.916 tỷ đồng), GMD (1.274 tỷ đồng).

Tại nhóm bán ra, cổ phiếu HPG của Hòa Phát bị xả gần 4.200 tỷ đồng trong năm ghi nhận sự đảo chiều trong kết quả kinh doanh. Đây là mã chứng khoán có giá trị bán ròng đứng thứ hai trên thị trường, đứng sau EIB.

Hoàng Linh

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.