|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Khối ngoại có tháng mua ròng mạnh thứ 4 trong lịch sử, gom ròng hơn 1.000 tỷ đồng các mã HPG, VHM, STB

19:30 | 31/12/2022
Chia sẻ
Tháng 12, khối ngoại mua ròng 12.834 tỷ đồng, đánh dấu quy mô giải ngân lớn thứ 4 trong lịch sử. Tính riêng giao dịch khớp lệnh họ gom ròng 13.555 tỷ đồng, đây là tháng thứ hai nước ngoài mua ròng mạnh liên tiếp, sau khi mua 15.974 tỷ đồng trên HOSE trong tháng 11.

VN-Index giảm 41,33 điểm tương đương 3,94% trong tháng 12 kết thúc tháng ở mức 1.007,09 điểm. Thanh khoản tăng 22,32% so với tháng trước, tăng 13,1% so với thanh khoản trung bình 5 tháng trước nhưng giảm 26,5% so với trung bình 20 tháng.

Theo quan sát, dòng tiền tăng vào cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, trong khi giảm ở nhóm vốn hóa lớn rổ VN30. Tỷ trọng phân bổ dòng tiền tăng vào nhóm bất động sản, chứng khoán, xây dựng và vật liệu, nhưng giảm ở nhóm ngân hàng, hóa chất, bán lẻ.

Diễn biến theo nhóm ngành, cổ phiếu ngành ô tô và phụ tùng, du lịch và giải trí tăng mạnh nhất trong tháng 12 trong khi nhóm địa ốc, chứng khoán lại giảm mạnh nhất. Tính từ đầu năm nhóm truyền thông, chứng khoán, thép, bất động sản nằm trong top giảm điểm và đều giảm trên 50%.

Liên quan đến giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài, họ mua ròng 12.834 tỷ đồng trong tháng 12, đánh dấu quy mô giải ngân lớn thứ 4 trong lịch sử. Tính riêng giao dịch khớp lệnh họ gom ròng 13.555 tỷ đồng, đây là tháng thứ hai nước ngoài mua ròng mạnh liên tiếp, sau khi mua 15.974 tỷ đồng trên HOSE trong tháng 11.

Tính cả năm 2022, nước ngoài mua ròng mạnh thứ hai trong lịch sử đạt 29.388 tỷ đồng, chỉ đứng sau năm 2018 với mức mua ròng 43.373 tỷ đồng.

 Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Về nhóm ngành, cổ phiếu bất động sản được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với giá trị gần 3.718 tỷ đồng trên sàn HOSE, theo sau là nhóm chứng khoán (2.776 tỷ đồng), ngân hàng (2.216 tỷ đồng), thép (1.530 tỷ đồng), hóa chất (1.052 tỷ đồng). Chiều ngược lại, chỉ có hai ngành hàng cá nhân & gia dụng, truyền thông bị bán ròng nhưng với giá trị không đáng kể.

Thống kê chi tiết theo từng mã chứng khoán, HPG được nhà đầu tư nước ngoài mua mạnh nhất với giá trị 1.508,8 tỷ đồng trong tháng 12.

Kế đó, cổ phiếu VHM của Vinhomes cũng được khối ngoại gom ròng hơn 1.390,6 tỷ đồng. Dòng tiền ngoại còn đổ vào một số mã tài chính ngân hàng khác như STB (1.289,8 tỷ đồng), SSI (772,6 tỷ đồng), VND (663,1 tỷ đồng), CTG (590,9 tỷ đồng), ... Nằm ngoài top10 mã được mua ròng mạnh nhất còn có SHB, HCM, VCI, VCB, ...

Lực mua còn xuất hiện tại các cổ phiếu vốn hóa vừa và lớn như VIC (822,5 tỷ đồng), DGC (651,9 tỷ đồng), MSN (433,4 tỷ đồng), NLG (332 tỷ đồng), PVD (315,4 tỷ đồng), ... Top các mã mua ròng tháng này có chứng chỉ quỹ FUEVFVND, đây là tháng thứ 3 liên tiếp nước ngoài mua ròng chứng chỉ quỹ này.

Trong tháng 12, VPD là cái tên mới xuất hiện trong danh mục rót vốn của khối ngoại. Cụ thể, ngày 20/12, Tepco Renewable Power Singapore Pte.Ltd mua thỏa thuận 26,6 triệu cổ phiếu VPD, tương đương gần 25% vốn của CTCP Phát triển điện lực Việt Nam (VNPD), tương ứng giá trị gần 785 tỷ đồng.

Sau giao dịch, Tepco Renewable Power đã trở thành cổ đông lớn thứ hai tại VNPD sau Tổng công ty Phát điện 1 - EVN Genco 1 (tỷ lệ 36,65% cổ phần). Ngoài ra, VNPD còn có hai cổ đông lớn khác là CTCP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc và Nhiệt điện Phả Lại với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 17,2% và 10,6%.

 Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Ở phía đối diện, nước ngoài bán ròng mạnh nhất cổ phiếu EIB của Eximbank với quy mô 1.650 tỷ đồng, bỏ xa các mã còn lại trong danh mục.

Tương tự, hoạt động rút vốn còn được chứng kiến ở nhiều cổ phiếu ngành bất động sản, xây dựng như PDR (272,4 tỷ đồng), VRE (97,5 tỷ đồng), BCG (41,8 tỷ đồng), BCM (37,4 tỷ đồng), ITA (29,6 tỷ đồng), ... Các đại diện còn lại trong danh mục bán ròng gọi tên nhiều mã vốn hóa lớn rổ VN30 như VPB (155,3 tỷ đồng), VNM (96,1 tỷ đồng), MBB (42,7 tỷ đồng).

Tương tự HOSE, NĐT nước ngoài cũng mua ròng trở lại gần 461,5 tỷ đồng trên sàn HNX trong tháng 12.

Trong khi đó, khối ngoại duy trì mua ròng cổ phiếu IDC của Tổng công ty IDICO với quy mô 206,9 tỷ đồng. Dòng tiền ngoại cũng tích cực tìm đến các mã PVS (184,8 tỷ đồng), PVI (35,2 tỷ đồng), SHS (35 tỷ đồng), HUT (21,6 tỷ đồng), ...

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu THD của Thaiholdings có giá trị bán ròng hơn 59,6 tỷ đồng, đứng sau là PGT (2,5 tỷ đồng). Những mã còn lại lần lượt bị rút vốn là PLC (2,1 tỷ đồng), PTI (1,8 tỷ đồng), MBG (1,3 tỷ đồng), ...

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Tại thị trường UPCoM, khối ngoại giao dịch tích cực khi tiếp tục mua ròng gần 105 tỷ đồng.

Ở chiều mua vào, cổ phiếu ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP được mua mạnh nhất với 112,5 tỷ đồng. Đây cũng là mã duy nhất được khối này gom ròng trên trăm tỷ đồng. Theo sau là MCH (30,6 tỷ đồng), MPC (12 tỷ đồng), MCM (8 tỷ đồng), FOC (6,3 tỷ đồng), ...

Trong khi đó, cổ phiếu VTP của Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel là tâm điểm bán ròng với gần 50,3 tỷ đồng. Sau giai đoạn gom ròng mạnh, cổ phiếu đối mặt với áp lực chốt lời từ khối ngoại trong tháng vừa qua. Bên cạnh đó, QNS và QTP lần lượt bị rút ròng với giá trị 12 tỷ và 4,1 tỷ đồng. Những mã khác trên UPCoM bị bán ròng dưới 4 tỷ đồng gồm CLX, ICN, BDT, DRI, VOC, CMT, OIL ...

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Thu Thảo