Khối ngoại mua bán ra sao trong tuần cuối năm 2022?
Thị trường trải qua tuần giao dịch cuối cùng của năm 2022 với diễn biến được khá nhiều công ty chứng khoán dự báo trước, đó là việc thanh khoản suy yếu. Thanh khoản suy yếu đã kéo theo diễn biến các phiên cuối năm tỏ ra khá ảm đảm, sau phiên đầu tuần giảm hơn 35 điểm về vùng 980, VN-Index đã có đợt hồi phục trở lại vùng 1.015 – 1.020 tuy nhiên thanh khoản của nhịp hồi phục này đã liên tục suy giảm.
Dừng bước lại 1.021, VN-Index đã giảm trở lại trong hai phiên cuối tuần và chốt tuần tại 1.007,09, so với tuần trước, VN-Index giảm 8,57 điểm, tương đương 0,84%.
Diễn biến phân hóa xảy ra khá mạnh trong tuần khi các nhóm ngân hàng và bất động sản cùng có tên trong danh sách ảnh hưởng tiêu cực và tích cực đến chỉ số. Chiều tích cực, nhóm ngân hàng và bất động sản có các cổ phiếu tiêu biểu như VCB, OCB, SSB và KBC, VRE, BCM, trong khi đó chiều tiêu cực có các cổ phiếu VHM, VIC và TCB, ACB, VPB, MBB và HDB.
Khối ngoại tiếp tục kéo dài chuỗi mua ròng lên tuần thứ 8 liên tiếp với giá trị mua ròng trong tuần đạt hơn 2.200 tỷ đồng.
Về giá trị cụ thể, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát dẫn đầu bên mua với giá trị gom ròng hơn 364 tỷ đồng. Theo sau, bộ đôi STB và DGC được gom ròng với quy mô quanh 150 tỷ đồng. Nối tiếp, lực cầu còn được ghi nhận ở PVD (128,1 tỷ đồng), VND (127,3 tỷ đồng), MSN (125 tỷ đồng), MWG (121,1 tỷ đồng).
Danh mục top10 mã được mua ròng nhiều nhất trong phiên còn có sự góp mặt của những mã dưới 120 tỷ đồng là VCB (116,7 tỷ đồng), VNM (111,6 tỷ đồng) và VRE (90,1 tỷ đồng).
Tại chiều bán, cổ phiếu VPB của VPBank bị xả ròng mạnh nhất với quy mô hơn 180,7 tỷ đồng. Liên quan đến hoạt động của ngân hàng, VPBank vừa thông báo về việc giải tỏa 35% đợt 3 cổ phần hạn chế chuyển nhượng phát hành theo chương trình lựa chọn người lao động năm 2019 (ESOP 2019) và giải tỏa 35% đợt 2 cổ phần hạn chế chuyển nhượng phát hành theo chương trình lựa chọn người lao động năm 2020 (ESOP 2020).
Cụ thể, VPBank dự kiến giải tỏa 4,35 triệu cổ phiếu (tương đương 35% số lượng đăng ký niêm yết bổ sung của đợt phát hành ESOP2019) và 3,5 triệu cổ phiếu (tương đương 35% số lượng đăng ký niêm yết bổ sung của đợt phát hành ESOP2020). Thời gian dự kiến giải tỏa là ngày 20 - 26/12/2022.
Trước đó, năm 2020, VPBank đã chào bán 17 triệu cổ phiếu ESOP cho 745 cán bộ nhân viên với giá 10.000 đồng/cp.
Trở lại với giao dịch của NĐT nước ngoài, loạt cổ phiếu bất động sản là PDR, NVL, BCM, VGC cũng bị bán ròng với quy mô 35 - 112 tỷ đồng. Nối tiếp, lực bán được ghi nhận ở những mã dưới 40 tỷ đồng như MBB (40 tỷ đồng), FPT (37,3 tỷ đồng), DBC (26,1 tỷ đồng), TVS (22,8 tỷ đồng), BID (19,6 tỷ đồng).
Tại HNX, khối ngoại nâng quy mô mua ròng lên hơn 88 tỷ đồng, qua đó đẩy quy mô gom ròng từ đầu năm lên gần 1.990 tỷ đồng.
Về giá trị cụ thể, cổ phiếu PVS tiếp tục thu hút dòng vốn ngoại với quy mô mua ròng đạt 48,2 tỷ đồng. Ngoài ra, hoạt động giải ngân tìm đến một số cổ phiếu như IDC (21,8 tỷ đồng), PVI (11,7 tỷ đồng), CEO (3,7 tỷ đồng) và BVS (1,5 tỷ đồng).
Tại chiều bán ròng, giao dịch rút vốn không có nhiều điểm nhấn khi cổ phiếu PTI của Bảo hiểm Bưu điệndẫn đầu danh mục rút vốn với quy mô 1,8 tỷ đồng. Ngoài ra, các nhà đầu tư bán ròng nhẹ hơn các mã như MBG, THD, TVC, PLC với giá trị dưới 1 tỷ đồng.
Trong khi đó, trên thị trường UPCoM, khối ngoại trở lại mua ròng với giá trị hơn 126 tỷ đồng. Với hoạt động thoái ròng trong suốt các tuần gần đây, giá trị mua ròng từ đầu năm đạt hơn 172 tỷ đồng.
Trong đó, khối ngoại chủ yếu bán ròng hơn 13,4 tỷ đồng cổ phiếu VTP của Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel. Đây cũng là mã duy nhất bị rút ròng trên 10 tỷ đồng. Ngoài ra, danh mục rút vốn của các nhà đầu tư nước ngoài còn có sự góp mặt của CLX (2,5 tỷ đồng), VEA (0,4 tỷ đồng), SSH (0,2 tỷ đồng), VOC (0,1 tỷ đồng), ...
Ở phía ngược lại, cổ phiếu ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP dẫn đầu danh mục rót ròng với quy mô 124,8 tỷ đồng. Theo thông báo mới đây của ACV, năm 2022, tổng doanh thu của tổng công ty ước đạt 15.381 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế khoảng 7.561 tỷ đồng vượt lần lượt 49% và 195% so với kế hoạch năm đề ra. So với năm 2021, doanh thu tăng gấp 2 lần, lợi nhuận trước thuế tăng gấp gần 10 lần.
Danh mục giải ngân của khối ngoại còn có các đại diện như MCH (5 tỷ đồng), MCM (3,4 tỷ đồng), MPC (2,4 tỷ đồng), MML (1,1 tỷ đồng), ...