|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Vốn giá rẻ của Vietcombank, BIDV và VietinBank giảm mạnh

07:02 | 05/08/2020
Chia sẻ
Tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại VietinBank, Vietcombank và BIDV giảm gần 192.000 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm. Việc mất đi hầu hết lượng vốn giá rẻ từ KBNN và sự giảm sút của CASA khiến chi phí vốn của nhóm ngân hàng này có xu hướng tăng nhanh.

Kho bạc rút hơn 192.000 tỉ đồng tại Vietcombank, BIDV và VietinBank 

Thống kê từ báo cáo tài chính quí II/2020 cho thấy, đến ngày 30/6, tổng lượng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước (KBNN) tại VietinBankVietcombank và BIDV ở mức hơn 67.000 tỉ đồng, giảm gần 192.000 tỉ đồng, tương đương giảm 74% so với mức ghi nhận vào cuối năm 2019.

Trước đó, trong 3 tháng đầu năm, lượng tiền gửi Kho bạc tại 3 "ông lớn" này đã giảm 108.200 tỉ xuống còn 150.700 tỉ đồng. Như vậy, riêng quí II, khoản mục này đã giảm gần 83.700 tỉ đồng.

Sáu tháng đầu năm, Vietcombank có lượng tiền gửi KBNN giảm mạnh nhất, từ mức hơn 89.289 tỉ đồng vào cuối năm 2019 xuống còn hơn 992 tỉ đồng, tương đương giảm gần 99%.

Trong đó, toàn bộ 87.865 tỉ đồng tiền gửi có kì hạn vào cuối năm 2019 đã được KNNN rút ra khỏi Vietcombank. Đồng thời, tiền gửi không kì hạn (gồm cả ngoại tệ qui đổi) cũng giảm từ 1.424 tỉ đồng xuống còn 992 tỉ đồng.

Tền gửi KBNN tại BIDV cũng giảm mạnh từ gần 99.000 tỉ đồng xuống còn 23.676 tỉ đồng, tương đương giảm 76%. Trong đó, tiền gửi có kì hạn giảm từ 87.865 tỉ đồng xuống còn 13.000 tỉ đồng, tiền gửi của Bộ Tài chính cũng giảm 8% xuống mức 9.379 tỉ đồng.

Tương tự, VietinBank ghi nhận lượng tiền gửi của KBNN giảm khoảng 28.200 tỉ đồng, tương đương 40% so với mức chốt năm 2019. Ngân hàng không công bố thông tin chi tiết số dư tiền gửi theo kì hạn nên không rõ việc sụt giảm đến từ tiền gửi có kì hạn hay tiền gửi không kì hạn.

Hụt nguồn tiền lớn tại Vietcombank, BIDV và VietinBank - Ảnh 1.

Tiền gửi KBNN tại Vietcombank, BIDV và VietinBank giảm mạnh. (Đơn vị: tỉ đồng - Nguồn: QT tổng hợp).

Từ lâu, nguồn tiền gửi thanh toán của KBNN thường nằm tại các NHTM Nhà nước với số dư hàng ngày có khi lên đến 500.000 tỉ đồng. 

Lượng tiền gửi này hầu hết nằm dưới dạng tiền gửi không kì hạn hoặc tiền gửi có kì hạn ngắn và chủ yếu tập trung tại 4 ngân hàng thương mại nhà nước lớn là Agribank, Vietcombank, BIDV và VietinBank. Qua đó, giúp các ngân hàng này có được một lượng vốn lớn với chi phí giá rẻ, tạo điều kiện để hạ lãi suất và tạo vị thế cạnh tranh rõ rệt với các ngân hàng tư nhân.

Tuy nhiên, từ tháng 11/2019, thực hiện qui định mới, lượng tiền gửi thanh toán của KBNN được kết chuyển về tài khoản tại Ngân hàng Nhà nước; còn lại tiền gửi có kì hạn của tổ chức này được thực hiện qua đấu thầu khối lượng và lãi suất.

Với cơ chế đấu thầu tiền gửi có kì hạn, các ngân hàng sẽ phải dựa trên cơ sở cân đối nguồn vốn và chi phí để đưa ra khối lượng và mức lãi suất chào thầu hợp lí. Do vậy, trong bối cảnh dư thừa vốn như hiện nay, các nhà băng sẽ hạn chế tham gia đấu thầu lượng tiền gửi KBNN.

Ngoài ra, việc hạn chế gửi tiền tại các ngân hàng cũng có thể xuất phát từ chủ đích của chính KBNN khi chính phủ đang hành động rất quyết liệt để đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, coi đây là "cú đấm thép" để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trước ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19. 

Trước đó, do tốc độ giải ngân đầu tư công trong năm 2019 rất chậm, không đạt kế hoạch, dẫn đến KBNN buộc phải gửi tiền tại ngân hàng để giảm thiểu chi phí vốn.

Áp lực chi phí vốn của Big4 đang gia tăng

Bên cạnh sự sụt giảm tiền gửi không kì hạn từ KBNN, CASA của cả Vietcombank, BIDV và VietinBank cũng đều suy yếu trong 6 tháng đầu năm nay.

Theo đó, trong khi tổng huy động tăng lên thì tiền gửi không kì hạn của các ngân hàng này đồng loạt sụt giảm so với hồi đầu năm. Dẫn tới tỉ trọng CASA của Vietcombank giảm từ 28,3% xuống 26,5%; BIDV giảm từ 16% xuống 15,2%; VietinBank giảm từ 16,4% xuống 15,7%.

Việc mất đi hầu hết lượng vốn giá rẻ từ KBNN và sự giảm sút của CASA khiến chi phí trả lãi tiền gửi có xu hướng tăng nhanh.

Số liệu từ báo cáo tài chính cho thấy, bất chấp việc liên tục giảm lãi huy động, 6 tháng đầu năm, chi phí trả lãi tiền gửi của Vietcombank vẫn tăng khoảng 14,6% so với cùng kì 2019 trong khi qui mô tiền gửi khách hàng và tiền gửi của Chính phủ, NHNN bình quân chỉ tăng 9,1%.

Tương tự, 6 tháng đầu năm, chi phí trả lãi tiền gửi của BIDV và VietinBank cùng tăng khoảng 8,5% trong khi qui mô tiền gửi khách hàng và tiền gửi của Chính phủ, NHNN bình quân tăng lần lượt 6,3% và 6,4%.

Quang Hưng