|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vốn FDI chảy vào Việt Nam khi chiến tranh thương mại xảy ra nhưng điều đó không xảy ra với Indonesia

07:57 | 27/10/2019
Chia sẻ
Nikkei Asian Review đưa tin, Việt Nam và một số quốc gia Đông Nam Á khác đang hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vì nhà sản xuất muốn tăng cường xây dựng nhà máy mới bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc để né thuế quan trừng phạt của Mỹ, tuy nhiên Indonesia không hẳn nằm trong nhóm này.
2

Tổng thống Widodo nhấn mạnh sẽ cải thiện môi trường kinh doanh và qui định trong nước nhằm thu hút dòng vốn FDI, vốn đang chảy vào Việt Nam và một số nước Đông Nam Á khác. (Ảnh: AP)

Khi mà vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chảy vào Indonesia vẫn còn chậm, các cuộc cải cách nhằm thu hút FDI sẽ là một thử thách lớn đối với Tổng thống Joko "Jokowi" Widodo.

Trong nửa đầu năm 2019, vốn FDI của Indonesia chỉ tăng khiêm tốn 4% so với cùng kì năm ngoái, vì các qui định thiếu rõ ràng và chi phí lao động tăng góp phần ngăn cản nhà đầu tư thâm nhập vào thị trường này.

Vào ngày 4/9, Tổng thống Widodo đã ra lệnh cho các bộ trưởng kinh tế liệt kê những qui định ngăn dòng vốn FDI chảy vào Indonesia và nỗ lực đơn giản hóa qui trình nhất có thể.

Kể từ khi nhậm chức vào năm 2014, ông Widodo, người từng điều hành một doanh nghiệp sản xuất đồ nội thất trước khi trở thành thống đốc thành phố Jakarta, đã cố gắng nới lỏng qui định trong nước, chẳng hạn như các yêu cầu cấp phép và phê duyệt.

Nỗ lực trên đã giúp Indonesia thăng hạng trên bảng xếp hạng môi trường kinh doanh hàng đầu của thế giới.

Năm 2014, nước này đứng ở vị trí 120 trong cuộc khảo sát các môi trường kinh doanh thuận lợi của WorldBank. Trong ấn bản năm nay, Indonesia đã leo lên hạng 73 toàn cầu.

Tuy nhiên, dòng vốn FDI rót vào Indonesia vẫn chững lại, mặc dù có ghi nhận một số dấu hiệu tích cực kể từ khi ông Widodo thắng cử nhiệm kì thứ hai vào tháng 4. Chính quyền Tổng thống Widodo lo ngại rằng doanh nghiệp đang từ bỏ Indonesia và chọn điểm đến khác ở Đông Nam Á.

Theo một khảo sát khác của World Bank trên 33 doanh nghiệp đã chuyển sản xuất từ Trung Quốc sau khi chiến tranh thương mại nổ ra, 23 trong số này chọn Việt Nam làm điểm dừng chân, trong khi phần còn lại chuyển đến Malaysia, Thái Lan và Campuchia.

Như vậy, không doanh nghiệp nào trong khảo sát chọn Indonesia dù đây là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.

1

Tỉ lệ FDI trong tổng sản phẩm quốc nội của Indonesia, Việt Nam và trung bình toàn cầu. (Ảnh: Nikkei Asian Review/World Bank)

Bắt đầu công việc kinh doanh ở Indonesia quả thực không dễ dàng gì. Qui trình cấp phép và phê duyệt rất tốn thời gian vì cơ quan quản lí được phân chia giữa cấp trung ương và địa phương. Ngoài ra, mức lương tối thiểu đã tăng gần 8% mỗi năm trong giai đoạn gần đây, khiến chi phí lao động tăng lên.

Rào cản đối với đầu tư FDI ở Indonesia được chứng minh qua các con số sau: Vốn Fdi chỉ tương đương 1,9% tổng sản phẩm quốc nội năm 2018, thấp hơn mức trung bình toàn cầu hay đối thủ Việt Nam và Malaysia.

Các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động ở Indonesia cũng đang trong tâm trạng lo lắng. Vào ngày 1/10, tổ chức Jakarta Japan Club gồm nhiều công ty Nhật Bản vận hành ở Indonesia, đã công bố các khuyến nghị chính sách cho nhiệm kì thứ hai của ông Widodo nhằm thúc đẩy vốn FDI.

Các thành viên của tổ chức trên kêu gọi chính phủ Indonesia xây dựng chính sách nhất quán và minh bạch hóa hệ thống thuế. Theo một đại diện doanh nghiệp Nhật Bản, các qui định về thuế của Indonesia quá mù mờ, khiến các quản lí công ty hiểu chúng theo nhiều nghĩa khác nhau.

Năm 2016, có khoảng 12.852 tranh chấp giữa cơ quan thuế và doanh nghiệp ở Indonesia, trong khi ở Nhật Bản chỉ xuất hiện 245 trường hợp. Các công ty thường đụng độ với cơ quan thuế, khiến họ gặp khó khăn trong quá trình xây dựng kế hoạch dài hạn.

Trả lời tờ Nikkei Asian Review hồi tháng 6, Tổng thống Widodo khẳng định ông sẽ lắng nghe nhà đầu tư và đưa ra nhiều biện pháp nhằm thu hút vốn FDI vào Indonesia. Ông gợi ý chính phủ sẽ sửa đổi luật lao động, vốn thường bị các công ty nước ngoài chỉ trích vì quá cứng nhắc để có thể đáp ứng trong môi trường kinh tế hay biến động.

Ngoài ra, Tổng thống Widodo còn bày tỏ tâm thế cởi mở trong thay đổi chính sách thu hút đầu tư, nhưng trừ khi cải cách thực sự được thực hiện, các nhà đầu tư sẽ tiếp tục xa lánh Indonesia.

Để khiến nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á hấp dẫn hơn, ông sẽ buộc phải đưa ra nhiều quyết định khó khăn, chẳng hạn như nới lỏng qui định liên quan đến bảo vệ người lao động, hợp lí hóa qui trình phê duyệt và giới thiệu một hệ thống thuế minh bạch hơn.

Khả Nhân