|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Vốn điều lệ MB sắp vượt Vietcombank, VietinBank sẽ soán ngôi BIDV

08:51 | 01/07/2021
Chia sẻ
Với kế hoạch chi cổ tức bằng cổ phiếu chốt trong tháng 7 của VietinBank và MB, bảng xếp hạng vốn điều lệ các ngân hàng sẽ có sự thay đổi đáng kể về thứ hạng.
Vốn điều lệ MB sắp vượt Vietcombank, còn VietinBank sẽ soán ngôi của BIDV - Ảnh 1.

Ngân hàng TMCP Quân đội (Ảnh: MB).

Cuộc đua tăng vốn điều lệ của các ngân hàng đang ở thời điểm gay cấn khi loạt nhà băng công bố kế hoạch chia cổ tức. Bảng xếp hạng vốn điều lệ của các ngân hàng dự kiến sẽ có nhiều thay đổi trong tháng 7, thời gian mà nhiều ngân hàng đã chốt ngày thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu.

VietinBank và MB là hai ngân hàng đã chính thức chốt được kế hoạch của mình với ngày đăng ký cuối cùng nhận cổ tức lần lượt là 8/7 và 13/7.

Theo đó, VietinBank sẽ phát hành gần 1,1 tỷ cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ hơn 29%, qua đó nâng vốn điều lệ từ 37.234 tỷ đồng lên gần 48.058 tỷ đồng, sẽ trở thành quán quân mới về vốn điều lệ các ngân hàng. Sau khi tăng vốn, VietinBank sẽ đáp ứng toàn bộ yêu cầu và tiêu chuẩn của Basel II theo Thông tư 41.

Ngân hàng này còn đặt tham vọng lớn hơn với kế hoạch đưa chỉ tiêu này đến cuối năm lên mức 54.134 tỷ đồng.

Còn MB sẽ thực hiện chia cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu tỷ lệ 35% tăng vốn điều lệ thêm 9.795 tỷ đồng lên hơn 38.600 tỷ đồng, vượt Techcombank (35.049 tỷ đồng) để trở thành ngân hàng tư nhân có vốn điều lệ lớn nhất trên thị trường.

Đồng thời, vốn điều lệ của MB cũng sẽ tạm qua mặt các "ông lớn" như Vietcombank, Agribank khi những ngân hàng này vẫn chưa có kế hoạch cụ thể để tăng vốn trong năm nay.

Vốn điều lệ MB sắp vượt Vietcombank, VietinBank sẽ soán ngôi BIDV - Ảnh 2.

Nguồn: Phương Nga tổng hợp.

Tuy vậy, thứ hạng xếp hạng về vốn điều lệ của các ngân hàng sẽ tiếp tục có sự thay đổi khi những nhà băng khác cũng đang rục rịch cho kế hoạch tăng vốn.

Tại cuộc họp ĐHĐCĐ đầu tháng 3, BIDV, quán quân vốn điều lệ hiện tại, đã trình cổ đông thông qua phương án tăng 20,3% vốn điều lệ lên 48.524 tỷ theo phương án chi trả cổ tức bằng cổ phiếu (12,2%) và phát hành thêm 341,5 triệu cổ phần mới.

Thời gian thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu dự kiến trong quý III và IV/2021 và việc chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ dự kiến trong giai đoạn 2021 - 2022. Song cho đến hiện tại, vẫn chưa có thông tin về văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý về việc tăng vốn của BIDV.

Tương tự, Vietcombank cũng đã trình cổ đông kế hoạch tăng vốn lên hơn 50.400 tỷ đồng thông qua chia cổ tức năm 2019 tỷ lệ 8% và phát hành cổ phiếu riêng lẻ tỷ lệ 6,5% giai đoạn 2021 - 2022. Tuy nhiên phương án tăng vốn chưa được thông báo cụ thể.

Cuộc đua tăng vốn cũng trở nên gay cấn hơn bao giờ hết khi mới đây, VPBank đã thay đổi kế hoạch, chuẩn bị xin ý kiến cổ đông về việc chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành riêng lẻ.

VPBank là một đối thủ "đáng gờm" khi ngân hàng này đang sở hữu một lượng lớn "của để dành. Tính đến cuối quý I, vốn chủ sở hữu của VPBank đạt gần 56.000 tỷ đồng. Con số này được dự kiến sẽ đạt 90.000 tỷ đồng vào năm 2022, dựa vào một số nguồn thu trong năm bao gồm bán vốn tại FE Credit, lợi nhuận năm 2021 và ký lại hợp đồng bảo hiểm vào khoảng tháng 6/2021.

Với lượng vốn như vậy, ban lãnh đạo ngân hàng đã tiết lộ về tham vọng nâng vốn điều lệ lên tối thiểu 75.000 tỷ đồng, gấp gần 3 lần mức hiện tại và cũng là mức cao nhất trong số các ngân hàng tại Việt Nam hiện nay.

Ngoài ra, cuộc rượt đuổi về thứ hạng vốn điều lệ tại các ngân hàng nhóm dưới cũng trở nên sôi động khi nhiều nhà băng có kế hoạch tăng vốn "khủng" trong năm nay như SCB (Tăng 32,8%); OCB (tăng 31,8%); HDBank (tăng 25%); ABBank (tăng 64,7%)...

Lê Huy