|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Với doanh nghiệp Việt, khai thác dữ liệu lớn vẫn là chuyện xa vời

12:27 | 02/03/2019
Chia sẻ
Khó thể so sánh với các ông lớn công nghệ như Google, Facebook, nhưng khả năng tận dụng lợi thế big data để khai thác tiềm năng khách hàng của doanh nghiệp Việt vẫn rất hạn chế.

Dữ liệu lớn giúp doanh nghiệp xử lý thông tin chính xác

Dữ liệu lớn (Big Data) là một thuật ngữ rộng nói về việc xử lý một tập hợp dữ liệu rất lớn và phức tạp mà các ứng dụng xử lý dữ liệu truyền thống không thể thực hiện.

Nhờ dữ liệu lớn, doanh nghiệp có thể biết các con số rất đặc biệt như khoảng 230 triệu người sử dụng Tweeter hàng ngày, 2,7 tỷ người bình luận trên Facebook, 86.400 giờ xem video trên Youtube… Từ những con số này, doanh nghiệp có thể giải quyết các bài toán từ tài chính, vận hành sản xuất, nhân sự đến nhu cầu khách hàng, bán hàng và thị trường.

Khi muốn biết thị trường hiện nay đang diễn ra như thế nào, doanh nghiệp sẽ phải khảo sát, điều tra, hoặc dựa trên cảm tính của họ, nhưng cảm nhận thường không chính xác. Trong khi việc điều tra, khảo sát lại đòi hỏi chi phí lớn, mất thời gian và quy mô nhỏ.

Nếu doanh nghiệp biết sử dụng lợi ích của dữ liệu lớn, họ sẽ có lượng lớn thông tin về thị trường, khách hàng và sản phẩm một cách chính xác hơn, giúp họ đưa ra quyết định kịp thời và hiệu quả trong kinh doanh.

su am hieu va van dung ve big data cua doanh nghiep vietvan mo ho
Dữ liệu lớn giúp doanh nghiệp có nguồn thông tin chính xác hơn về khách hàng, thị trường. Ảnh: Internet

“Ví dụ một doanh nghiệp muốn tìm vị trí cho một cửa hàng sắp mở, cần tính toán lưu lượng khách hàng theo giờ, theo ngày tháng, theo năm hay sức mua… Nếu doanh nghiệp sử dụng Big Data, họ sẽ có kết quả chính xác hơn so với các phương pháp thủ công trước đây”, ông Lý Huy Sáng, phó Giám đốc Công ty TNHH Minh Long, nhận định.

Việc phân tích về khách hàng cũng hiệu quả hơn thông qua những mô tả của dữ liệu lớn. Doanh nghiệp sẽ biết sự hài lòng của khách hàng như thế nào, đâu là những khách hàng trung thành, phân khúc khách hàng, kênh bán và khách hàng, vì sao mất khách, thu hút khách hàng ra sao… 

“Doanh nghiệp có thể trả lời các câu hỏi như doanh nghiệp có đang cung cấp đúng sản phẩm dịch vụ mà khách hàng mong muốn? Khách hàng có hài lòng về trải nghiệm khi mua sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp hay không? Họ hài lòng ở mức độ nào và đâu là yếu tố khiến họ hài lòng nhất?”, ông Trương Công Hải, Giám đốc điều hành công ty Cổ phần công nghệ MIDEAS, phát biểu.

Theo thống kê, hiện nay các nhóm ngành như viễn thông, tài chính ngân hàng, bán lẻ, tiếp thị số có nguồn dữ liệu khổng lồ và có nhiều cơ hội tăng trưởng vượt bậc nhờ dữ liệu lớn. Các doanh nghiệp chỉ cần khai thác một cách hiệu quả dữ liệu lớn để tăng lợi nhuận cho chính họ, tăng trải nghiệm mua sắm của người dùng.

"Người dùng có thể tiết kiệm thời gian hơn nhờ những lời gợi ý từ nguồn dữ liệu thay vì việc phải tự mình tìm kiếm", CEO Công ty Cổ phần công nghệ MIDEAS nhận định.

Rất ít doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư để khai thác dữ liệu lớn

Ông Lý Huy Sáng, phó Giám đốc Công ty TNHH Minh Long nhận định: “Việt Nam có nhiều thuận lợi là dân số trẻ, mức độ cập nhật công nghệ cao. Tuy nhiên, giới doanh nghiệp có một độ trễ nhất định trong việc ứng dụng dữ liệu lớn".

Phân tích cụ thể hơn, ông Sáng nhận định: "Nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp còn e dè khi ứng dụng các công nghệ số vào quy trình sản xuất, không hẳn vì chi phí cao mà vì họ chưa thực sự hiểu về hiệu quả của công nghệ đó mang lại nên khó thể mạnh dạn đầu tư bằng những hành động cụ thể như trang bị máy móc, đào tạo nhân lực".

Với dân số trên 90 triệu người, trong đó khoảng 54 triệu người sử dụng Internet (chiếm 57%), Việt Nam được xem là thị trường dữ liệu lớn tiềm năng hàng đầu khu vực châu Á và đang là đích ngắm của nhiều nhà cung cấp giải pháp Big Data như Microsoft, IBM, Oracle.

su am hieu va van dung ve big data cua doanh nghiep vietvan mo ho
Doanh nghiệp Việt có nhiều lợi thế để khai thác dữ liệu lớn nhưng rất ít doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động này. Ảnh: Như Huỳnh

"Chúng ta nghe cụm từ dữ liệu lớn hàng ngày, hàng giờ, nó len lỏi vào trong cuôc sống, hiện diện trong các vật dụng hàng ngày, từ chiếc xe được kết nối đến TV thông minh,  điện thoại. Tuy nhiên, sự am hiểu và vận dụng dữ liệu lớn của doanh nghiệp Việt còn ở giai đoạn chập chững, thậm chí là mơ hồ và không biết phải bắt đầu từ đâu", ông Sáng đánh giá.

Số liệu thống kê cũng cho thấy, rất ít doanh nghiệp Việt có khả năng tự thu thập và xử lý dữ liệu lớn. Ví như Cốc Cốc xử lý 20 terabytes dữ liệu mỗi ngày, tuy là mức cao so với doanh nghiệp trong nước nhưng chỉ bằng 1/30 so với khả năng xử lý dữ liệu của Facebook.‎

Trong khi đó, hiện nay, "cụm từ" Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang dần trở nên quen thuộc và buộc các doanh nghiệp phải chạy theo xu thế chuyển đổi số với các khái niệm như dữ liệu lớn, AI, Blockchain.

Ông Trương Công Hải, Giám đốc điều hành công ty Cổ phần công nghệ MIDEAS, nhận định: "Về bản chất, chuyển đổi số bao gồm cả các quá trình, phương thức xử lý thông minh giúp doanh nghiệp có mối quan hệ chặt chẽ hơn với khách hàng, tùy chỉnh và chuyển đổi sản phẩm, tiết kiệm chi phí, tăng năng lực nhân viên qua công nghệ, tạo ra các mô hình kinh doanh mới, phương thức quản lý mới".

Do đó, ông cho rằng, xây dựng đội ngũ và lựa chọn công nghệ để phân tích dữ liệu hiệu quả là việc rất cần thiết. Các dữ liệu về hành vi người dùng đang được khai thác triệt để nhằm tối ưu hóa lợi ích cho các doanh nghiệp.

"Để chiến dịch khai thác hiệu quả sức mạnh của dữ liệu lớn cho hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp cần có những đầu tư thích đáng về sáng tạo công nghệ, chủ động tham gia vào dữ liệu lớn thay vì chỉ đi theo xu thế", ông Hải nhấn mạnh.

Xem thêm

Như Huỳnh