VNDirect: Nhà đầu tư cần thận trọng khi mua mới, kiểm soát margin trong tháng 3
Theo báo cáo La bàn đầu tư tháng 3 của Chứng khoán VNDirect, nhà đầu tư không còn kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 3, theo đó dịch chuyển kỳ vọng sang tháng 6. DXY tăng cao hơn trong tháng 2 do CPI của Mỹ cao hơn dự kiến và dữ liệu kinh tế Mỹ mạnh hơn dự báo làm giảm khả năng Fed hạ lãi suất trước tháng 6. CPI tháng 1 của Mỹ tăng 3,1% so với cùng kỳ, vượt mức dự kiến 2,9%. CPI lõi không đổi ở mức 3,9%, vượt mức dự kiến 3,7%.
Triển vọng trung hạn của thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 3, mặc dù xu hướng VN-Index tương đối tích cực nhưng nhà đầu tư cũng cần lưu ý một số yếu tố. Thị trường đã đến vùng định giá hợp lý và cần chờ kết quả kinh doanh cải thiện trong các quý tới để định giá thị trường thêm hấp dẫn. Thứ hai, rủi ro tỷ giá cần được theo dõi cẩn thận khi tỷ giá USD/ VND liên ngân hàng đã tăng 1,6% kể từ đầu năm và hiện đang tiến gần mức cao nhất mọi thời đại là 24.867.
Do đó, nhóm phân tích VNDirect cho rằng đã đến lúc nhà đầu tư cần thận trọng trong khi việc thực hiện các giao dịch mua mới hoặc sử dụng đòn bẩy (vay margin) cao.
Chủ đề đầu tư trong tháng 3 bao gồm các lĩnh vực chứng khoán, thép và mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.
Nhà đầu tư được khuyến nghị nên duy trì quan điểm ngắn và trung hạn với các cổ phiếu trong ngành chứng khoán, vì triển vọng dài hạn đã được phản ánh qua mức tăng giá của cổ phiếu toàn ngành. Do vậy, sẽ có sự phân hóa giữ các cổ phiếu, và các cổ phiếu tiềm năng là những cổ phiếu có định giá hợp lý, được kỳ vọng có kết quả kinh doanh khả quan và thường xuyên được các nhà đầu tư ngoại ưa chuộng.
Với ngành thép, nhu cầu được dự báo sẽ tăng trưởng trở lại nhờ thị trường bất động sản trong nước được kỳ vọng tiếp tục ấm lên trong giai đoạn 2024 - 2025 trong bối cảnh môi trường lãi suất cho vay giảm, đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, vấn đề pháp lý được cải thiện và nhu cầu mua nhà, tích lũy tài sản của người dân phục hồi.
Trong dài hạn, giá than cốc đầu vào cho nhà cung cấp thượng nguồn sẽ giảm trong kịch bản cơ sở gồm: nguồn cung ổn định hơn nhờ giảm bớt các ảnh hưởng thời tiết ở Australia; không còn leo thang quân sự ở Biển Đen và các khu vực khác; mức đầu tư thăm dò khai thác vẫn ở mức cao. Ngoài ra, khi thị trường trong nước ấm lên, VNDirect kỳ vọng biên EBITDA các nhà cung cấp thép cải thiện qua việc chuyển chi phí vào giá bán cho người mua.
Về tiêu dùng thiết yếu, các doanh nghiệp trong ngành được kỳ vọng sẽ được hưởng lợi đầu tiên khi nhu cầu tiêu dùng phục hồi rõ nét hơn do người tiêu dùng có xu hướng ưu tiên các sản phẩm FMCG, tiếp đến là hàng hoá không thiết yếu.
VNDirect vẫn nghiêng về kịch bản cơ sở cho thị trường chứng khoán năm 2024, theo đó VN-Index có thể hướng tới mục tiêu 1.350 điểm vào cuối năm 2024. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng nếu kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh hơn dự kiến và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết khả quan hơn. Ở kịch bản đó, thị trường được kỳ vọng có thể tiến về vùng trên 1.400 điểm.