VNDirect dự báo Vietjet lãi ròng hơn 1.300 tỷ trong năm 2022
Trong 9 tháng đầu năm 2022, các hãng hàng không Việt Nam đã khai thác tổng cộng 234.370 chuyến bay, tăng trưởng 85,6% so với cả năm 2021. Riêng Vietjet Air khai thác gần 86.500 chuyến bay, chiếm 37% toàn ngành và tăng 147% so với 9 tháng đầu năm ngoái.
Tốc độ tăng trưởng của Vietjet cao hơn đáng kể so với hai hãng hàng không lớn khác là Vietnam Airlines và Bamboo Airways, số liệu của Cục Hàng không cho thấy.
Trong báo cáo chiến lược đầu tư 2023 công bố mới đây, Chứng khoán VNDirect cho biết thị phần số chuyến bay của các hãng hàng không đã thay đổi rất nhiều trong 5 năm qua. Vietnam Airlines (Mã: HVN) chứng kiến thị phần giảm từ 54,1% năm 2017 xuống còn 45,3% trong 9 tháng năm nay, trong khi Vietjet và Bamboo Airways đang dần vươn lên.
Do căng thẳng giữa Nga và Ukraine, VNDirect dự báo giá nhiên liệu Jet A1 toàn cầu năm 2022 sẽ tăng 79% so với năm ngoái. Sang năm 2023, mức tăng hạ nhiệt còn 13%. Giá xăng máy bay năm 2022-23 duy trì ở mức cao nhất kể từ năm 2015, gây nhiều khó khăn cho các hãng hàng không.
VNDirect tin rằng các hãng hàng không giá rẻ (LCC) sẽ ít bị ảnh hưởng hơn so với các hãng hàng không truyền thống (FSC).
Mức tiêu thụ nhiên liệu phụ thuộc chặt chẽ vào trọng lượng của máy bay. Các máy bay đường dài thường có thân rộng, công suất và trọng lượng lớn. Ngoài ra, các chuyến bay đường dài cũng cần nhiều nhiên liệu khiến máy bay nặng hơn.
Ngược lại, máy bay đường ngắn thường là máy bay thân hẹp, có trọng lượng nhẹ hơn nên tốn ít nhiên liệu cất cánh và duy trì độ cao hơn so với máy bay đường dài.
Hầu hết máy bay của Vietjet đều là dòng thân hẹp, đường ngắn (ngoại trừ hai chiếc A330 mới đón về trong năm qua), trong khi khoảng 30% số máy bay của Vietnam Airlines là máy bay đường dài thân rộng. Vì vậy, mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình/ghế luân chuyển (ASK) của Vietjet thấp hơn so với Vietnam Airlines.
Cụ thể, VNDirect dự báo chi phí nhiên liệu/ASK của Vietnam Airlines sẽ tăng 65,4% trong năm 2022 rồi giảm 8,3% trong năm 2022. Các con số tương ứng của Vietjet chỉ là tăng 54,3% và giảm 7,1%.
Ngoài ra, VNDirect dự báo biên lãi gộp của Vietjet ở mức khả quan là 0,4% trong năm 2022 và 2% năm 2023, còn Vietnam Airlines có thể lỗ gộp 3,5% trong năm nay rồi mới ghi nhận biên lãi gộp 1,4% trong năm sau.
Một nhân tố khác cũng tác động tới kết quả kinh doanh của các hãng hàng không là tỷ giá và lãi suất của USD.
Theo VNDirect, việc Fed liên tục thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát đã khiến đồng USD tăng giá và lãi suất USD lên cao, từ đó có tác động tiêu cực đến những doanh nghiệp thâm dụng vốn như các hãng hàng không do hầu hết đều tài trợ cho đội bay của mình bằng USD.
Trong điều kiện tỷ giá biến động và lãi suất USD tăng cao, những khó khăn mà các các hàng không phải đối mặt bao gồm:
Thứ nhất, USD mạnh hơn khiến các hãng hàng không bị lỗ tỷ giá khi đánh giá lại các khoản nợ bằng USD. Ngoài ra, chi phí đầu tư máy bay (tính bằng USD) cũng trở nên đắt đỏ hơn khiến việc mở rộng đội bay gặp khó khăn.
Tuy nhiên, những thách thức này phần nào được giảm bớt khi các hãng hàng không có nguồn thu từ USD khi bán vé quốc tế.
Thứ hai, lãi suất trên thị trường tăng lên trong khi lãi suất tài trợ cho đội bay hiện tại thường cố định nên chi phí lãi vay không bị ảnh hưởng nhiều. Tuy vậy, khi tài trợ cho đội bay mới trong giai đoạn này, các hãng hàng không phải vay với lãi suất cao hơn và có thể ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh trong tương lai.
VNDirect cho viết Vietnam Airlines có tỷ trọng vay bằng USD trên tổng dư nợ lớn nhất (66,3%) với số dư vay USD là 21.815 tỷ đồng tính đến ngày 30/6/2022; trong khi tỷ trọng của Vietjet chỉ là 17,2% với số dư 3.227 tỷ đồng. Do đó Vietjet ít phải chịu rủi ro liên quan đến đồng USD mạnh lên và lãi suất USD tăng.
Hơn nữa, tỷ lệ đòn bẩy của Vietjet an toàn hơn Vietnam Airlines, cho phép Vietjet có khả năng tài trợ cho việc mở rộng đội bay nhằm phục hồi hoạt động vận tải hàng không quốc tế trong giai đoạn tới. Ngược lại, quy mô đội bay của Vietnam Airlines giảm do các đợt thanh lý tàu bay sẽ hạn chế tiềm năng phục hồi, trong khi Bamboo Airways đang bận rộn trong giai đoạn tái cơ cấu.
VNDirect kỳ vọng sản lượng khách nội địa năm 2022 của Vietjet tăng 245%. Tăng trưởng có thể chậm lại đạt mức 12% trong năm 2023 do mức nền của năm 2022 tương đối cao.
Đối với đường bay quốc tế, sản lượng khách của Vietjet có thể đạt 2,43 triệu lượt trong năm 2022 (so với 0,1 triệu khách năm 2021) và sang năm 2023 có thể tăng 223% lên mức đạt 7,83 triệu khách, tương đương 97,4% mức cơ sở 2019 khi dịch chưa bùng phát.
Rủi ro về chính sách Zero COVID đối với Vietjet không cao do tỷ lệ khách Trung Quốc trên tổng lượng khách của Vietjet trước dịch khá thấp. VNDirect ước tính lợi nhuận ròng của Vietjet có thể đạt 1.317 tỷ trong năm 2022 từ mức 175 tỷ trong năm 2021, sau đó tăng 168% trong năm 2023 đạt 3.533 tỷ đồng.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/