|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

VNDirect: Bất động sản, ngành dịch vụ sẽ là hai trong 4 nhóm ngành tăng trưởng triển vọng năm 2022

11:30 | 15/12/2021
Chia sẻ
Các chuyên gia của VNDirect dự báo 4 nhóm ngành gồm công nghiệp, dịch vụ, bán lẻ và bất động sản sẽ có sự cải thiện mạnh mẽ về tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2022. Đây cũng là 4 chủ điểm đầu tư nổi bật trong năm 2022.

Theo báo cáo mới đây của VNDirect, các chuyên gia đánh giá, với độ phủ rộng rãi của vắc xin, nền kinh tế Việt Nam sẽ thích ứng với bình thường mới và quá trình mở cửa trở lại của nền kinh tế Việt Nam sẽ được đẩy nhanh kể từ quý đầu tiên của năm 2022.

VNDirect dự báo GDP của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 7,5% vào năm 2022, với tốc độ phục hồi cao trên mọi phương diện.

Nền kinh tế được thúc đẩy bởi 4 động lực chính: hoạt động sản xuất và xuất khẩu lấy lại đà tăng trưởng; FDI vẫn là điểm sáng trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh; và cầu nội địa phục hồi nhờ các gói hỗ trợ tài khóa sắp triển khai. 

Về rủi ro vĩ mô, các chuyên gia nhận thấy rủi ro lớn nhất là áp lực lạm phát gia tăng do cả hai yếu tố chi phí đẩy và cầu kéo trong năm 2022. Các rủi ro khác bao gồm sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc ảnh hưởng đến tăng trưởng xuất khẩu; cùng sự xuất hiện của các biến thể mới.

Từ những nhận định trên, các chuyên gia của VNDirect dự báo 4 nhóm ngành có sự cải thiện mạnh mẽ về tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2022, bao gồm: Hàng hóa công nghiệp, Dịch vụ, Bán lẻ và Bất động sản. Đây cũng là 4 chủ điểm đầu tư nổi bật trong năm 2022.

VNDirect: Bất động sản, ngành dịch vụ,... sẽ là nhóm ngành tăng trưởng triển vọng năm 2022 - Ảnh 1.

Nguồn: VNDirect.

Giá hàng hoá dự kiến vẫn duy trì ở mức cao trong năm tới

Theo VNDirect, giá hàng hoá dự kiến vẫn duy trì ở mức cao trong năm 2022. Hiện chỉ số giá hàng hoá Bloomberg Commodity Index đã vượt mức cao nhất trong 10 năm và giá đã tăng ở hầu hết các mặt hàng, từ năng lượng, kim loại đến nông nghiệp do sự kết hợp của các yếu tố cung và cầu. 

VNDirect: Bất động sản, ngành dịch vụ,... sẽ là nhóm ngành tăng trưởng triển vọng năm 2022 - Ảnh 2.

Nguồn: VNDirect.

Giá của tất cả các mặt hàng đã tăng vọt trong năm nay và theo quan điểm của nhóm chuyên gia, các loại hàng hoá khác nhau sẽ có triển vọng khác nhau trong các giai đoạn tới và những công ty có mức độ phụ thuộc vào giá hàng hoá cao sẽ được hưởng lợi từ xu hướng này, chẳng hạn như dầu khí và các công ty xuẩt khẩu hàng hoá.

Cơ sở hạ tầng vẫn còn hứa hẹn trong những năm tới

Xu hướng đầu tư thứ hai, theo VNDirect là tiềm năng phát triển cơ sở hạ tầng trong những năm tới. Báo cáo cho biết, Việt Nam đang đẩy mạnh bổ sung nguồn cung đất khu công nghiệp để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. 

Trong 5 tháng năm 2021, Việt Nam thành lập mới 25 khu công nghiệp (KCN), bổ sung 7.300ha diện tích đất công nghiệp, mức tăng diện tích đất cao nhất kể từ năm 2015. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng cảng biển cũng được tăng cường để phục vụ tăng trưởng thương mại.

VNDirect: Bất động sản, ngành dịch vụ,... sẽ là nhóm ngành tăng trưởng triển vọng năm 2022 - Ảnh 3.

Nguồn: VNDirect.

VNDirect: Bất động sản, ngành dịch vụ,... sẽ là nhóm ngành tăng trưởng triển vọng năm 2022 - Ảnh 4.

Nguồn: VNDirect.

Thời gian qua, nhiều nhà phát triển lớn cả trong nước và quốc tế đã và đang có kế hoạch gia nhập thị trường khu công nghiệp như Vingroup với hai KCN tại Hải Phòng và Tập đoàn phát triển công nghiệp WHA của Thái Lan, Fraser, Capitaland, khẳng định tiềm năng của thị trường này.

Theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2030 đã được phê duyệt, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) dự kiến tổng sản lượng container thông quan sẽ đạt 47 triệu TEU trong năm 2030, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 8% trong giai đoạn 2021-2030.

Để đáp ứng nhu cầu cho tốc độ tăng trưởng này, Bộ GTVT ước tính tổng mức đầu tư cho hệ thống cảng biển trong giai đoạn 2021-2030 là 312.440 tỷ đồng, trong đó phần lớn vốn đầu tư (95%) được huy động từ khối doanh nghiệp, phần còn lại là vốn ngân sách nhà nước.

Các dự án ưu tiên trong quy hoạch bao gồm: xây dựng các bến cảng tại Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng và cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, khởi công cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng), di dời và chuyển đổi công năng các bến trên sông Cấm tại cụm cảng Hải Phòng và các bến trên sông Sài Gòn tại cụm cảng Hồ Chí Minh nhằm đáp ứng sự phát triển của địa phương.

Các chuyên gia phân tích của VNDirect cho rằng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng là một trong những cơ sở quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng và thu hút làn sóng đầu tư nước ngoài. Theo đó, cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, cảng biển và năng lượng sẽ là điểm nhấn trong hai năm tới. 

"Chúng tôi tin rằng các doanh nghiệp có dự án mở rộng công suất lớn để nắm bắt nhu cầu tăng trưởng trong những lĩnh vực này sẽ được hưởng lợi nhiều nhất", báo cáo nhấn mạnh.

Sự trỗi dậy của kinh tế số trong “bình thường mới”

Xu hướng đầu tư thứ ba là sự trỗi dậy của kinh tế số trong bối cảnh bình thường mới. Các chuyên gia của VNDirect tin rằng, các công ty có vị thế nắm bắt các cơ hội từ sự trỗi dậy của kinh tế số, cũng như các công ty có khả năng thay đổi mô hình kinh doanh để thích ứng với nhu cầu "digital" của người tiêu dùng sẽ vượt trội hơn so với các đối thủ khác.

Theo báo cáo của VNDirect, đại dịch đã thúc đẩy quá trình số hóa và tăng cường áp dụng công nghệ tại Việt Nam nhanh hơn gấp nhiều lần so với trước đây và vẫn tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong vài năm tới. 

Các chuyên gia cho rằng, nền kinh tế số của Việt Nam có tiềm năng phát triển mạnh mẽ với mức tăng trưởng bình quân 29% mỗi năm giai đoạn 2020 -25 để đạt mức 52 tỷ USD vào năm 2025.

Ngành dịch vụ lấy lại vị thế nhờ sự phục hồi của cầu nội địa

Xu hướng đầu tư thứ tư đến từ sự hồi phục của cầu nội địa kéo theo sự hồi phục của ngành dịch vụ. Theo đó, báo cáo nhận định, ngành hàng không, bán lẻ, sản xuất thực phẩm và nước giải khát sẽ là những đối tượng hưởng lợi chính từ khả năng phục hồi tiêu dùng.

VNDirect kỳ vọng những dịch vụ này sẽ phục hồi và có tốc độ tăng trưởng cao hơn từ năm 2022 trở đi, chủ yếu là đến từ các dịch vụ không thiết yếu được mở cửa trở lại và khả năng phục hồi tiêu dùng.

Cụ thể, các chuyên gia dự đoán, tất cả các hoạt động dịch vụ, bao gồm du lịch, vận tải và vui chơi giải trí có thể được phép hoạt động hết công suất kể từ quý II/2022, sau khi Việt Nam đạt mục tiêu tiêm chủng cho hơn 70% dân số.

Bên cạnh đó, sức tiêu thụ cũng được kỳ vọng sẽ tăng trở lại mạnh mẽ, với tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng dự kiến tăng 10 -12% so với cùng kỳ trong năm 2022.

"Chúng tôi cũng tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng tốt hơn của ngành bán lẻ trong năm 2022 nhờ nhu cầu trong nước phục hồi mạnh mẽ, thời kỳ dân số trẻ và sự thay đổi lối sống của người tiêu dùng theo hướng bán lẻ hiện đại hơn truyền thống", báo cáo cho hay.

Phương Trang

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.