VN-Index mất mốc 1.100 điểm, cổ phiếu chứng khoán giảm sàn hàng loạt
Kết phiên, VN-Index giảm 15,55 điểm (1,41%) còn 1.087 điểm, HNX-Index giảm 3,67 điểm (1,62%) xuống 223,45 điểm, UPCoM-Index giảm 0,94 điểm (1,1%) về 85 điểm.
Thị trường phiên chiều biến động như tàu lượn. VN-Index bị bán mạnh đầu phiên, sau đó lực cầu bắt đáy nhập cuộc giúp chỉ số hồi về sát tham chiếu. Tuy nhiên, niềm vui không kéo dài do lực bán dâng cao khi VN-Index chạm mốc 1.100 điểm. Chỉ số cứ thế chìm sâu trong sắc đỏ và giảm gần 16 điểm lúc đóng cửa.
Mặc dù VN-Index giảm sâu hơn so với phiên sáng, số cổ phiếu giảm trên HOSE trong phiên chiều thu hẹp còn 364 mã, trong khi có 141 mã tăng và 45 mã đứng giá tham chiếu. Tính chung toàn thị trường, số mã giảm vẫn chiếm gần 70%.
Nhóm vốn hóa lớn tiếp tục là gánh nặng cho thị trường, VN30-Index giảm gần 21 điểm. Rổ VN30 đóng cửa với 23 mã đỏ, trong đó các mã giảm mạnh nhất phải kể đến như VPB (-4,7%), SSI (-4,6%), MWG (-3,8%), VNM (-3,4%), MSN (-2,8%), STB (-2,4%), ... Chiều ngược lại, CTG, BID, BCM, VJC tăng chưa đến 1%.
Nhiều cổ phiếu chứng khoán giảm kịch sàn như AGR, CTS, VCI, FTS. Bên cạnh đó, VIX, HCM, EVS, SHS, SSI, MBS, VND, SBS, ORS, ... mất hơn 3% thị giá.
Tương tự nhóm ngân hàng cũng diễn biến kém sắc với 19/27 mã giảm, nổi bật là VCB giảm 1,6% còn 84.500 đồng/cp, VPB giảm 4,7% về 21.450 đồng/cp. Đây là hai "tội đồ" lớn nhất của thị trường khi bộ đôi này lấy đi gần 3,7 điểm của VN-Index.
Giá trị khớp lệnh trên HOSE đạt gần 13.000 tỷ đồng, hụt gần 7.000 tỷ đồng so với phiên trước. Tính chung toàn thị trường thì thanh khoản chưa đến 16.000 tỷ đồng, tương đương hơn 780 triệu đơn vị cổ phiếu được mua - bán.
Tính đến 14h00, VN-Index giảm 6,69 điểm (0,61%) còn 1.096,71 điểm, VN30-Index giảm 8,21 điểm (0,73%) xuống 1.117,35 điểm.
VN-Index phiên chiều có thời điểm rơi về ngưỡng 1.090 điểm, tuy nhiên lực cầu bắt đáy đã xuất hiện giúp chỉ số chính sàn HOSE thu hẹp đà giảm. Nhóm vốn hóa lớn cũng ghi nhận hồi phục với GVR, VRE, PLX tăng hơn 1%, cùng với MBB, SHB, BCM, SAB, CTG, FPT xanh nhẹ trên tham chiếu.
Dừng phiên sáng, VN-Index giảm 9,14 điểm (0,83%) xuống 1.094,26 điểm. VN30-Index giảm 11,28 điểm (1%) xuống 1.114,28 điểm. Cùng chiều, HNX-Index giảm 2,61 điểm (1,15%) còn 224,5 điểm, UPCoM-Index giảm 0,89 điểm (1,04%) về 85,05 điểm.
Thị trường chứng khoán vẫn chưa cho thấy dấu hiệu của sự phục hồi trong phiên sáng nay. Đầu phiên các nhóm ngành đều có sự điều chỉnh nhẹ, tuy nhiên lực bán sau đó áp đảo trên diện rộng khiến VN-Index thủng 1.100 điểm. Trước đó, mốc 1.100 điểm được kỳ vọng là hỗ trợ cứng cho chỉ số trong ngắn hạn. Với xu hướng điều chỉnh hiện tại, VN-Index đang đối mặt với rủi ro điều chỉnh xuống các vùng hỗ trợ sâu hơn.
Theo quan sát, nhóm vốn hóa lớn là tác nhân chính gây ra sự đổ dốc của thị trường phiên sáng nay. Top10 mã ảnh hưởng tiêu cực nhất lên thị trường đều là những cái tên trong rổ VN30. Trong đó, VIC, VNM và VCB là 3 gánh nặng lớn nhất của VN-Index khi lấy đi gần 3 điểm của chỉ số. Ở phía ngược lại, BID và GVR tăng lần lượt 0,5% và 1%, đóng vai trò gồng đỡ thị trường chung.
Sắc đỏ lấn át ở hầu hết các nhóm ngành với 640 mã giảm, trong khi chỉ có 211 mã tăng và 164 mã đứng giá tham chiếu.
Nhóm bất động sản giao dịch phân hóa với sự hồi phục đến từ HDC (+3,6%), DXG (+3,2%), ITA (+1,8%), CII (+1,7%), CEO (+1,6%), GVR (+1%), ... Trong khi đó, LDG, HQC, VRE, DIG, VHM, TCH, L14, HDG, ... giảm trên 1%.
Tại nhóm cổ phiếu trụ cột - ngành ngân hàng, có 7 mã giữ được sắc xanh là LPB, PGB, BAB, OCB, BIB, EIB, MBB, cùng với SHB, SSB và VAB đứng giá tham chiếu, các mã còn lại đồng loạt giảm 0,2 - 5,3%.
Là nhóm phản ứng nhạy với thị trường, cổ phiếu của các công ty chứng khoán tiếp tục suy yếu với phần lớn các mã mất trên 2% thị giá, có thể kể đến như VDS, ORS, EVS, SSI, VND, VCI, FTS, CTS, SBS, AGR, CSI, ...
Sự thiếu vắng dòng tiền dẫn dắt trong phiên hôm nay cho thấy nhà đầu tư vẫn đang thận trọng trong phiên đáo hạn phái sinh. Thanh khoản thị trường phiên sáng giảm nhẹ với gần 387 triệu đơn vị giao dịch, tương đương tổng giá trị giao dịch đạt 7.934 tỷ đồng. Trong đó, tính riêng giá trị khớp lệnh trên HOSE đạt hơn 6.300 tỷ đồng, giảm 8% so với phiên trước đó.