Ba cơ sở tiếp tục lạc quan về chứng khoán Việt Nam
Thị trường đã tăng khả quan trong 9 tháng đầu năm 2023 với mức tăng trưởng 14,6%, tuy nhiên có thể thấy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư gần đây thể hiện rõ qua sự sụt giảm của chỉ số và thanh khoản trong tháng 9. Nguyên nhân có thể do những yếu tố như một số công ty chứng khoán giảm tỷ lệ cho vay ký quỹ vào thời điểm cuối quý; lãi suất dài hạn trái phiếu chính phủ Mỹ đang tăng cao; áp lực USD tăng giá trong quý III.
Câu hỏi được đặt ra là thị trường sẽ diễn biến như thế nào trong thời gian tới và liệu có cơ sở nào để tiếp tục lạc quan về thị trường?
Chia sẻ trong chương trình "Giải mã thị trường - Đón đầu cơ hội", bà Nguyễn Lê Nguyên Phương, Trưởng phòng đầu tư VinaCapital, cho biết nhìn vào dữ liệu trong quá khứ có thể thấy chu kỳ tăng giá của thị trường thường kéo dài hơn chu kỳ giảm. Năm 2022 thị trường đã giảm rất mạnh vì một số tác động từ bên ngoài cũng như ở nội tại, sang đến 9 tháng đầu năm 2023 thị trường đã phục hồi rất tốt.
Nhìn về yếu tố cơ bản, VinaCapital đánh giá triển vọng của thị trường trong ba cấp độ chính, bao gồm lợi nhuận, định giá và dòng tiền.
Về góc độ lợi nhuận, VinaCapital dự đoán các doanh nghiệp đang dần thẩm thấu được “liều thuốc” giảm lãi suất của chính phủ và lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ bắt đầu được phục hồi. VinaCapital ước tính lợi nhuận doanh nghiệp sẽ giảm khoảng 5,6% vào quý III, thấp hơn so với mức giảm 9,2% vào quý II và sẽ bật tăng trở lại ở mức 37,1% vào quý IV. Bước sang năm 2024, VinaCapital dự kiến lợi nhuận tăng trưởng ở mức 25% so với mức tăng chỉ 0,5% trong năm 2023.
"Đây là một sự phục hồi rất đáng được khích lệ. Tuy nhiên, chúng tôi cũng lưu ý rằng sự phục hồi này sẽ có sự phân hoá nhất định, những doanh nghiệp có quy mô lớn và có thị phần tốt đương nhiên sẽ phục hồi tốt hơn", vị chuyên gia này cho biết.
Với yếu tố định giá, nhà đầu tư có thể sử dụng hai chỉ số tương đối phổ biến trên thị trường là chỉ số P/E (tương quan giữa giá và thu nhập) và chỉ số P/B (tương quan giữa giá và giá trị sổ sách). Hai chỉ số này đang giao dịch ở mức lần lượt 8,8x và 1,4x, nằm ở một trong những vùng rẻ nhất trong vòng 10 năm qua.
Về yếu tố dòng tiền, hệ thống KRX dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau, VinaCapital cho rằng đây là bước ngoặt rất quan trọng để tạo tiền đề cho việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.
Xét về quy mô giao dịch và vốn hóa, Việt Nam hoàn toàn xứng đáng nằm trong danh sách những thị trường mới nổi nhờ những phát triển vượt bậc trong 10 năm qua. VinaCapital ước tính nếu tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam chiếm khoảng từ 0,7 đến 1,2% trong rổ chỉ số thị trường mới nổi của MSCI và Russell, dòng vốn nước ngoài đổ thêm vào thị trường Việt Nam có thể lên tới 5 đến 8 tỷ USD, đặc biệt sự kỳ vọng của nhà đầu tư trước khi được nâng hạng cũng là một yếu tố nâng đỡ thị trường trong thời gian tới.
Một số ví dụ điển hình cho các thị trường được nâng hạng như Các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) có mức tăng trưởng 73% từ thời điểm được vào danh mục theo dõi cho đến thời điểm được nâng hạng. Hay Qatar cũng có mức tăng 38%.
"Ba luận điểm trên là cơ sở để VinaCapital tiếp tục lạc quan về thị trường đặc biệt trong dài hạn, tuy nhiên cần lưu ý thị trường không bao giờ đi lên theo một đường thẳng mà sẽ có những nhịp điều chỉnh để tạo động lực tốt hơn cho những nhịp tăng bền vững hơn. Do đó, nhà đầu tư có một cái nhìn thật sự dài hạn và kiên nhẫn với thị trường sẽ có thể vượt qua được những biến động trong ngắn hạn và hy vọng gặt hái được thành quả tốt", bà Nguyễn Lê Nguyên Phương chia sẻ.
Trong chương trình, các chuyên gia VinaCapital chia sẻ bốn chủ đề đầu tư cho giai đoạn 2023 – 2024, đó là chuyển đổi số (bao gồm tích hợp hệ thống, trí tuệ nhân tạo, dịch vụ internet và dữ liệu số); Nhu cầu phục hồi (nội địa là bán lẻ; xuất khẩu là cảng, vận chuyển, công ty xuất nhập khẩu); Hưởng lợi từ lãi suất thấp (bao gồm ngân hàng, chứng khoán, sản xuất, bất động sản công nghiệp); Dầu khí.