|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

VN-Index có khả năng lấy lại mốc 1.300, SSI khuyến nghị mua GAS, FPT, GMD, …

21:57 | 05/06/2022
Chia sẻ
Chứng khoán SSI cho rằng các thách thức như xung đột Nga – Ukraine, Fed nâng lãi suất hay Trung Quốc kiên trì Zero COVID đã được phản ánh vào giá nên thị trường chứng khoán có những cơ hội nhất định.

Nội thành thủ đô Hà Nội, tháng 6/2022. (Ảnh: Song Ngọc).

Trong báo cáo phân tích mới công bố, Chứng khoán SSI đánh giá thị trường chứng khoán vẫn còn gặp nhiều thách thức ngắn hạn trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt chính sách tiền tệ, xung đột Nga-Ukraine kéo dài, và Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chính sách Zero COVID hà khắc.

Mặc dù vậy, cả thị trường chứng khoán Mỹ và Việt Nam đều đã giảm khoảng 14% so với đầu năm nên các thách thức này đã phần nào được phản ánh vào giá, SSI nhận định.

Chỉ số S&P 500 có lúc chớm bước vào thị trường gấu trong phiên 20/5 vì giảm hơn 20% so với mức kỷ lục, nhưng khi xét giá đóng cửa, chỉ số này luôn cầm cự trên ngưỡng 20% tính từ đỉnh. Biểu đồ dưới đây cho thấy S&P 500 đã hồi phục đáng kể sau khi chạm đáy 52 tuần trong phiên 19/5.

Chứng khoán Mỹ giảm sâu so với đầu năm 2022.

Về phần VN-Index, chỉ số này chạm đáy ngắn hạn 1.172 điểm vào ngày 16/5 nhưng sau đó đã hồi phục lên mức 1.288 điểm kết phiên 3/6.

SSI cho rằng vùng hỗ trợ 1.160 – 1.150 điểm là vùng đã giúp chỉ số VN-Index cân bằng và phục hồi sau nhịp giảm sâu trong tháng 5. Thanh khoản nhìn chung vẫn duy trì ở mức thấp nếu so với bình quân giai đoạn 4 tháng đầu năm. Khu vực 1.280 điểm sẽ quyết định xu hướng của chỉ số VN-Index trong giai đoạn tháng 6.

Nếu vẫn duy trì trên khu vực này, VN-Index nhiều khả năng sẽ mở rộng đà hồi phục kỹ thuật lên vùng 1.300 -1.330 điểm. Ngược lại, nếu xuyên thủng vùng 1.280 điểm, chỉ số có khả năng sẽ điều chỉnh trở lại với vùng hỗ trợ gần là 1.261 – 1.250 điểm. Biểu đồ bên dưới cho thấy VN-Index hiện nay thấp hơn khoảng 14% so với đầu năm và giảm 15,5% so với đỉnh lịch sử trong phiên 4/4.

VN-Index đã hồi phục một phần sau khi giảm sâu trong nửa đầu tháng 5.

Chứng khoán SSI nhận định thị trường bất động sản trong nước sẽ có những khó khăn nhất định trong thời gian tới do mặt bằng giá đã ở mức cao trong bối cảnh lãi suất đảo chiều.

Thị trường bất động sản là nơi có dòng tiền lớn lưu chuyển, vì vậy “sức khỏe” của thị trường này sẽ có liên quan tới thị trường tài chính nói chung, trong đó có thị trường khoán và các doanh nghiệp bất động sản niêm yết. Động thái của khối ngoại đã nâng đỡ cho thị trường hồi phục từ mức thấp trong trong tháng 5.

Theo thống kê của Chứng khoán SSI sau đây, khối ngoại đã mua ròng trong hai tháng liên tiếp 4 và 5, trái ngược với đà bán ròng trong ba tháng trước đó.

Khối ngoại mua ròng trong hai tháng 4 và 5.

Chứng chỉ quỹ FUEVFVND mô phỏng chỉ số VN Diamond dẫn đầu nhóm khối ngoại mua ròng, theo sau là các cổ phiếu DGC, STB, MWG, …

SSI cho biết tổng dòng vốn ETF trong tháng 5 bơm ròng gần 4.900 tỷ đồng và nâng tổng giá trị dòng vốn lũy kế từ đầu năm lên 6.700 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các quỹ chủ động đảo chiều bơm ròng 272 tỷ đồng trong tháng 5.

Tuy nhiên, việc tỷ trọng giao dịch của khối ngoại đang có xu hướng quay lại mức cao do thanh khoản từ khối nhà đầu tư cá nhân xuống thấp có thể khiến động lực hồi phục của thị trường suy yếu trong trường hợp dòng vốn từ khối ngoại đảo chiều. Lạm phát dự kiến cũng chịu áp lực cao dần trong các quý tới.

Nửa cuối 2022, mức tăng trưởng của những ngành bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh dự kiến sẽ ở mức tích cực so với mức nền thấp của cùng kỳ năm ngoái, giải ngân đầu tư công được kỳ vọng sẽ được đẩy nhanh hơn.

Gói hỗ trợ lãi suất 2% cũng là một động lực cho tăng trưởng nếu sớm được triển khai đúng định hướng. Nhìn chung, SSI chưa nhận thấy động lực cho thị trường chứng khoán đi lên mạnh mẽ trong giai đoạn hiện nay.

Tuy nhiên, công ty chứng khoán này tin rằng biến động mạnh trên thị trường chứng khoán sẽ mang lại cơ hội ở các ngành hồi phục sau đại dịch và không bị ảnh hưởng nhiều bởi lạm phát tăng cao như dầu khí, cảng & vận tải biển, hóa chất, tiêu dùng không thiết yếu, công nghệ thông tin.

Khuyến nghị 5 mã cổ phiếu

Chứng khoán SSI khuyến nghị nhà đầu tư theo dõi một số cổ phiếu thuộc các ngành có tiềm năng hồi phục sau dịch như GMD (cảng biển), FPT (công nghệ thông tin), PVT (vận tải biển), GAS (dầu khí) và NT2 (điện lực, dầu khí).

Cổ phiếu GAS của Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) được cho là một trong những công ty nội địa hưởng lợi hàng đầu từ giá dầu tăng cao. Năm 2022, lợi nhuận sau thuế của PV GAS có khả năng tăng 56% so với năm trước và đạt 13.400 tỷ đồng. Các giả định được đặt ra là giá dầu mazut đạt 500 USD/tấn, giá khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) khoảng 800 USD/tấn, và sản lượng khí khô của PV GAS đạt 8,2 tỷ m3, tăng 13% so với năm trước.

Lợi nhuận quý II dự kiến tăng mạnh là yếu tố ngắn hạn hỗ trợ giá cổ phiếu. Bảng thống kê bên dưới cho thấy GAS là cổ phiếu duy nhất trong top 10 vốn hóa sàn HOSE tăng giá so với ngày cuối năm 2021, các cổ phiếu còn lại đều suy giảm, ít nhất là 1,6% như VCB, nhiều thì mất tới 28% như HPG.

Vốn hóa của PV GAS tăng thêm 53.600 tỷ đồng trong khi các tập đoàn khác sa sút.

Với FPT, Chứng khoán SSI duy trì ước tính lợi nhuận trước thuế mảng công nghệ thông tin nước ngoài (CNTT NN) tăng gần 30% so với năm 2021. Lũy kế 4 tháng đầu 2022, lợi nhuận mảng này đã tăng 32% so với cùng kỳ.

Giá trị hợp đồng ký mới đạt 9.000 tỷ đồng, tăng 40%. Riêng doanh thu dịch vụ chuyển đổi số tăng 90% so với cùng kỳ và nâng mức tỷ trọng trên tổng doanh thu từ 27% lên 40%. Nhờ vậy, biên lãi trước thuế mảng CNTT NN cải thiện 0,3 điểm % lên mức 16,4%.

Doanh thu dịch vụ cloud (bao gồm trong dịch vụ chuyển đổi số) có tỷ trọng đóng góp lên tới 58% và đã ghi nhận mức tăng đột biến gần ba lần so với cùng kỳ. Tăng trưởng lợi nhuận trước thuế được kỳ vọng ở trên 20% trong hai năm tới. Với năm 2022 và 2023, SSI duy trì ước tính lãi trước thuế tăng lần lượt 24,6% và 21,7%.

FPT lãi hơn 1.500 tỷ trong quý đầu năm 2022.

Quý I vừa qua, FPT ghi nhận lãi sau thuế 1.539 tỷ đồng, tăng 33,7% so với cùng kỳ năm 2021. Khối công nghệ và khối viễn thông cùng ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng. Biểu đồ bên trên cho thấy kết quả quý đầu năm 2022 tuy khá cao nhưng vẫn chưa phải kỷ lục trong lịch sử hoạt động của FPT.

Song Ngọc

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.