|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Agriseco gọi tên 8 cổ phiếu đầu tư trong tháng 6

13:13 | 05/06/2022
Chia sẻ
Những cổ phiếu được doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn trong tháng 6 thuộc nhóm ngành hưởng lợi khi nền kinh tế mở cửa sau đại dịch, kết quả kinh doanh quý II tăng trưởng tốt và mặt bằng giá chưa tăng nhiều trong giai đoạn vừa qua.

Trong tháng 5/2022, VN-Index đã giảm 5,3% bởi nhiều nguyên nhân trong đó chủ yếu đến từ sự rút lui và suy yếu của dòng tiền tham gia thị trường. Thanh khoản bình quân toàn thị trường chỉ đạt gần 18.000 tỷ đồng, giảm 32,4% so với tháng trước đó.

Trong đó, các nhóm ngành giảm điểm mạnh nhất có thể kể đến như tài nguyên cơ bản (15,4%); bảo hiểm (12,2%); xây dựng và vật liệu (8,6%) và dịch vụ tài chính (8,4%). Mặt bằng giá cổ phiếu đang trở về mức hấp dẫn với P/E toàn thị trường ở mức 13,8 lần, thấp hơn các nước trong khu vực như Thái Lan (18,2 lần), Malaysia (15,6 lần), và so với trung bình P/E trong 5 năm gần đây (16,8 lần).

Số liệu vĩ mô tháng 5 vẫn cho thấy sự khởi sắc của nền kinh tế với chỉ số PMI đạt 54,7 điểm, cao nhất kể từ tháng 4 năm ngoái. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 477,3 nghìn tỷ đồng, tăng 22,6% so với cùng kỳ 2021.

Bước sang tháng 6, Agriseco đánh giá đây là thời điểm thích hợp để tích lũy những cổ phiếu tốt cho cả ngắn, trung và dài hạn khi đà phục hồi kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ và kỳ vọng nâng hạng thị trường trong tương lai gần.

Theo đó, những cổ phiếu được doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn thuộc nhóm ngành hưởng lợi khi nền kinh tế mở cửa sau đại dịch, kết quả kinh doanh quý II tăng trưởng tốt và mặt bằng giá chưa tăng nhiều trong giai đoạn vừa qua.

 

 (Nguồn: Agriseco).

 

1. FPT

Kết quả kinh doanh 4 tháng đầu năm 2022 tiếp tục tăng trưởng 2 chữ số khi doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 12.991 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước và 2.081 tỷ đồng, tăng 32%. Biên lợi nhuận ròng cải thiện từ 15% lên 16% nhờ sự đóng góp từ chuyển đổi số.

Mảng công nghệ tiếp tục là trọng tâm của FPT trong năm nay, ước tính doanh thu tăng khoảng 20%. Trong khi mảng viễn thông tăng trưởng đều 13%/năm do nhu cầu và lượng người đăng ký sử dụng Internet và truyền hình trả tiền tăng.

Với, mảng giáo dục FPT vừa khởi công xây dựng Unischool ở Hà Nam để thực hiện mục tiêu xây dựng chuỗi giá trị bền vững khi cung cấp được nguồn nhân lực chất lượng cao.

Agriseco Research dự báo mức tăng trưởng lợi nhuận năm 2022 của FPT đạt trên 20% so với cùng kỳ nhờ tăng trưởng các mảng cốt lõi. Mức trả cổ tức bằng tiền mặt và cổ phiếu đều đặn sẽ phù hợp cho các nhà đầu tư trong trung và dài hạn. 

2. GMD

Gemadept tiếp tục kỳ vọng đón dòng chảy hàng hóa đổ về cảng nước sâu Gemalink theo như xu hướng hiện tại. Ngoài ra Trung Quốc dừng các lệnh phong tỏa sẽ là thông tin tích cực đối với nhóm ngành cảng biển.

Cảng nước sâu Gemalink có lãi và vận hành full công suất trong năm nay. Động lực mới từ Nam Đình Vũ giai đoạn 2 khởi công tháng 12/2021, đến nay đã hoàn thành 25%.

Gemalink 2 sẽ sớm được khởi công xây dựng trong 2022. Trong đó Nam Hải Đình Vũ giai đoạn 2 dự kiện tăng thêm 500.000 TEUs (gấp đôi công suất cảng này) và khai thác từ 2023.

Ngoài ra, Gemalink giai đoạn 2 dự kiện tăng thêm 900.000 TEUs, tăng 60% công suất hiện tại, khai thác từ cuối 2023.

Gemadept có kế hoạch thoái vốn mảng cao su. Năm nay là thời điểm thuận lợi để thoái vốn (cây cao su phát triển hết, hạ tầng hoàn thiện, giá cao su phục hồi).

3. KBC

Quỹ đất khu công nghiệp (KCN) sẵn sàng cho thuê hiện nay lớn khoảng hơn 1.300 ha với các lợi thế về vị trí địa lý, uy tín sẽ đảm bảo tăng trưởng trong dài hạn. Dự kiến năm 2022 sẽ ghi nhận lợi nhuận từ dự án KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh (118ha) và KĐT Phúc Ninh (khoảng 6ha). Dự định sẽ chuyển nhượng 50ha bán đất Tràng Cát và thu về 10.000 – 20.000 tỷ đồng năm 2022.

KBC và công ty con mới đây ký các biên bản ghi nhớ MOU hơn 8 tỷ USD với các doanh nghiệp Hoa Kỳ: (1) Hợp tác với đối tác Hayward Quartz Technology phát triển dự án nhà máy công nghệ cao sản xuất chất bán dẫn 1,3 tỷ USD tại KCN Kim Thành, Hải Dương; (2) Ký kết với Hyatt Hotel Resort and Casino đầu tư dự án khách sạn 5 tỷ USD tại KĐT Tràng Cát; (3) Ký với ACI Capital và IDG Capital dự án khu công nghệ cao quy mô 500ha chuyên về sản xuất linh kiện điện tử 2 tỷ USD.

Mặt khác, các dự án mới được chấp thuận đầu tư ở Long An, Hải Dương, Hưng Yên với tổng diện tích 2.000 ha sẽ nối tiếp các quỹ đất hiện tại góp phần thúc đẩy tăng trưởng đà tăng của KBC trong dài hạn.

4. SAB

Agriseco kỳ vọng lợi nhuận quý II của SAB tăng trưởng tích cực khi mùa hè đến và các sự kiện quan trọng như Seagame 31 diễn ra sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ bia. Giá bia tiếp tục tăng kể từ quý II thêm 10 - 15% do giá nguyên liệu sản xuất đang tăng cao, chủ yếu là giá lúa mạch (3% giá vốn) đã tăng gấp đôi kể từ cuối năm 2020 tới nay, giá malt tiếp tục neo cao gần vùng đỉnh lịch sử.

Mặc dù vậy, SAB đã có chính sách thu mua nguyên vật liệu cho cả năm, điều này sẽ giúp giảm bớt tác động tăng giá của nguyên vật liệu trong các quý tới. Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp được dự báo tiếp tục điều chỉnh giảm khi SAB đang áp dụng công nghệ chuyển đổi số.

5. PHR

Agriseco kỳ vọng kết quả kinh doanh của PHR trong quý II sẽ tiếp tục tăng mạnh, đạt mức kế hoạch mà ban lãnh đạo đề ra với tổng doanh thu 486 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận trước thuế 220 tỷ đồng, tăng 378% nhờ 2 lý do chính:

(1) Giá cao su duy trì ở mức cao nhờ nhu cầu cao su trên thế giới tăng mạnh từ sự phục hồi và mở cửa trở lại của các nền kinh tế. Điển hình là Trung Quốc đã mở cửa trở lại sau đại dịch từ 1/6/2022 do nước này chiếm hơn 40% nhu cầu tiêu thụ cao su trên thế giới.

(2) Kỳ vọng tiền đền bù chuyển nhượng đất KCN VSIP 3 còn lại với khoảng 609 tỷ đồng (đã ghi nhận 289 tỷ đồng vào quý I/2022) sẽ tiếp tục được ghi nhận vào lợi nhuận trong các quý tới của năm 2022 và cả năm 2023, giúp lợi nhuận có thể tăng hơn 100%.

Bên cạnh đó, PHR hiện là một trong các doanh nghiệp có quỹ đất KCN lớn tại tỉnh Bình Dương với hơn 5.600 ha (chuyển đổi từ đất cao su) với giá vốn thấp. Tỉnh Bình Dương có tiềm năng thu hút dòng vốn nước ngoài đầu tư vào các KCN nhờ vị trí thuận lợi, cơ sở hạ tầng cải thiện và chính sách ưu đãi của chính quyền địa phương. Do đó, trong 5 tháng đầu năm 2022, Bình Dương tiếp tục giữ vị trí đứng đầu trong việc thu hút FDI với các dự án đầu tư nổi bật của Tập đoàn Lego (Đan Mạch).

6. VRE

 TTTM Vincom Plaza Bắc Từ Liêm tại Hà Nội. (Ảnh: Thu Thảo).

Quý II/2022 VRE đã cho ra mắt trung tâm thương mại Mega Mall Smart City, bổ sung thêm 68.000 m2 diện tích cho thuê. Hiện nay, lượng khách ghé thăm các TTTM của VRE đã đạt khoảng 70% mức trước dịch, báo hiệu sự hồi phục của toàn ngành.

Dự kiến quý II này VRE sẽ ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng tích cực trên mức nền thấp do ảnh hưởng của COVID vào cùng kỳ năm ngoái. VRE đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2022 đạt 2.400 tỷ đồng, tăng 83% so với cùng kỳ năm ngoái, đến từ sự hồi phục về doanh thu của toàn ngành về mức trước dịch vào cuối năm, và mở mới 3 TTTM, nâng tổng diện tích cho thuê của VRE lên 1,75 triệu m2.

7. SJD

SJD hiện đang sở hữu 4 nhà máy thủy điện là Cần Đơn, Ry Ninh II, Nà Lơi, Hà Tây với tổng công suất trên 100 MW, phần lớn công suất đặt tại miền Trung và Tây Nguyên.

Doanh thu và lãi sau thuế quý I đạt 78,8 tỷ và 29,1 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 57% và 105% so với cùng kỳ. Kết quả này đạt được nhờ điều kiện thủy văn tích cực kéo dài trong năm 2022 và giá bán điện cao hơn so với 2021.

Theo đó, nhóm phân tích kỳ vọng SJD tiếp tục duy trì tăng trưởng tích cực trong 1- 2 quý tới. SJD thường duy trì tỷ lệ cổ tức bằng tiền mặt cao ổn định, ở mức 15 - 20%; cổ phiếu đang ở vùng định giá hấp dẫn so với trung bình ngành với P/B là 1,2x và P/E là 6,8x.

8. TAR

TAR hoạt động kinh doanh chính là bán các loại gạo bao gồm cả gạo thương hiệu cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Công ty hiện sở hữu 6 nhà máy gạo tại Cần Thơ với tổng công suất 360 nghìn tấn gạo/năm.

Công ty đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận lần lượt là 3.500 tỷ đồng, tăng 12% cùng kỳ và 600 tỷ đồng, gấp hơn 6 lần cùng kỳ. Agriseco kỳ vọng TAR có thể tăng trưởng 35% doanh thu xuất khẩu nhờ tăng sản lượng bán sang thị trường Hàn Quốc.

Ngoài ra, lạm phát và cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine dấy lên lo ngại an ninh lương thực trên toàn cầu, đẩy giá các mặt hàng này lên cao. Nhiều nước hạn chế xuất khẩu và tăng cường tích trữ lương thực, trong đó có Ấn Độ (quốc gia xuất khẩu gạo số 1 thế giới), từ đó các doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở Việt Nam có thể hưởng lợi.

Liên quan đến hoạt động chuyển nhượng bất động sản, TAR có kế hoạch chuyển nhượng lô đất có diện tích khoảng 10.000 m2 tại tỉnh Cần Thơ và kỳ vọng ghi nhận 470 tỷ đồng lợi nhuận từ giao dịch này. 

Thu Thảo