Khối ngoại mua ròng hơn 2.000 tỷ đồng trong tuần VN-Index đi ngang, mua bán sôi động chứng chỉ quỹ
Sau 2 tuần hồi phục khoảng 100 điểm, VN-Index đã có diễn biến đi ngang trong tuần 30/5 – 3/6. Với 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, VN-Index đã duy trì được diễn biến tăng nhẹ 2,53 điểm, tương đương 0,2% để chốt tuần tại 1.287,98.
Trong tuần chỉ số chính sàn HOSE đã có 2 lầm kiểm định ngưỡng 1.300 vào các ngày 1 và 2/6 tuy nhiên đều lỡ hẹn với mốc điểm 1.300.
Dù VN-Index có diễn biến đi ngang nhưng nhiều cổ phiếu có vốn hóa lớn đã ghi nhận mức tăng khá tích cực trong tuần như GAS (+12,9%), DGC (+16,7%), DCM (+15,3%), KDC (+16,3%)… Các mã trên cũng trong nhóm 10 cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index, trong đó GAS đóng góp lớn nhất với 6,9 điểm. Ngoài Top10, ANV cũng được dòng tiền chú ý trong tuần khi ghi nhận mức tăng 19,7%.
Chiều tiêu cực, HPG là cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất khi cổ phiếu giảm 5,8%, từ đó lấy đi 2,3 điểm của VN-Index.
Tuần qua, khối ngoại có xu hướng mua ròng khá rõ nét trên sàn HOSE trước xu hướng đi ngang của VN-Index với giá trị vào ròng lên tới hơn 2.000 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch tại chứng chỉ quỹ diễn ra sôi động trong hai phiên đầu tuần.
NĐT ngoại mua bán sôi động chứng chỉ quỹ
Thống kê giao dịch theo từng mã, chứng chỉ quỹ FUEVFVND của DCVFM VNDiamond ETF dẫn đầu danh sách mua ròng với 1.358,6 tỷ đồng. FPT là cổ phiếu được mua ròng nhiều thứ 2 với giá trị 391,1 tỷ đồng, theo sau là DGC và VHM với giá trị vào ròng lần lượt là 272 tỷ và 135,6 tỷ đồng.
Mặc dù giao dịch không mấy tích cực tuần qua, khối ngoại vẫn gia tăng lực cầu tại nhiều cổ phiếu ngân hàng với mức giá chiết khấu hấp dẫn như CTG (132,5 tỷ đồng), HDB (121,1 tỷ đồng), TPB (53,2 tỷ đồng),...
Bên chiều bán ròng, chứng chĩ quỹ quỹ E1VFVN30 dẫn đầu Top rút vốn với giá trị 188 tỷ đồng. Tại giao dịch cổ phiếu, PNJ bị bán ròng với giá trị lên tới 170,3 tỷ đồng trong bối cảnh giá cổ phiếu lên đỉnh lịch sử mới. Kết phiên thứ Sáu vừa qua, thị giá mã này dừng tại 123.200 đồng/cp.
PNJ vừa thông báo ngày 24/6 là ngày đăng ký cuối cùng để nhận cổ tức tiền mặt đợt 2/2021 với tỷ lệ 6%, tương đương cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận về 600 đồng. Với 242,3 triệu cổ phiếu đang lưu hành, doanh nghiệp dự chi 145 tỷ đồng để thanh toán cổ tức đợt này, ngày thanh toán là 21/7.
Theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2022, cổ tức năm 2021 được chốt tỷ lệ 20% bằng tiền mặt. PNJ đã tạm ứng 6% vào tháng 4. Như vậy, sau đợt 2, doanh nghiệp còn đợt chi trả tỷ lệ 8% nữa để hoàn tất chỉ tiêu cổ tức năm 2021.
Bên cạnh đó, PNJ còn có phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu tỷ lệ 3:1. Số cổ phiếu phát hành thêm dự kiến 82 triệu đơn vị, vốn điều lệ tăng lên 3.282,5 tỷ đồng. Thời điểm thực hiện trong năm 2022 sau khi được Ủy ban Chứng khoán chấp thuận.
Trở lại với giao dịch của NĐT nước ngoài, giao dịch rút vốn còn tập trung tại nhiều bluechips như GAS (152,1 tỷ đồng), VIC (107,4 tỷ đồng), HPG (101,8 tỷ đồng), VNM (64,4 tỷ đồng),...
Tâm điểm mua ròng IDC, PVS trên HNX
Khối ngoại thực hiện mua ròng gần 104 tỷ đồng trên sàn HNX trong tuần vừa qua. Trong đó, cổ phiếu IDC của Tổng công ty IDICO đóng góp đáng kể vào giá trị toàn sàn với giá trị hơn 43 tỷ đồng, tương đương hơn 801.600 đơn vị.
Kế đến nhà đầu tư nước ngoài cũng gom ròng 39,5 tỷ đồng cổ phiếu PVS của Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam khi mã này có nhịp tăng 10,6%. Một số mã khác cùng chiều như SHS (27,7 tỷ đồng), CEO (17,9 tỷ đồng), NVB (3,2 tỷ đồng).
Trong khi đó, hoạt động rút vốn tập trung ở hai cổ phiếu THD và PLC với giá trị lần lượt là 11,8 tỷ và 10,2 tỷ đồng. Theo sau là các cổ phiếu BVS (5,6 tỷ đồng), NTP (2,2 tỷ đồng), DP3 (2,1 tỷ đồng).
Khối ngoại chưa dừng gom BSR trên thị trường UPCoM
Tuần qua, thị trường UPCoM tiếp tục ghi nhận giá trị vào ròng hơn 41 tỷ đồng. Dòng tiền ngoại tập trung chủ yếu tại cổ phiếu BSR của CTCP Lọc Hoá dầu Bình Sơn trong suốt tuần giao dịch với quy mô 130,8 tỷ đồng, tương đương hơn 1,7 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, các mã cùng chiều còn có CLX (50,9 tỷ đồng), AAS (16,1 tỷ đồng), SIP (15,9 tỷ đồng) và ACV (13 tỷ đồng).
Ngược lại, giao dịch thoái vốn không có nhiều nổi bật khi không có cổ phiếu nào bị bán ròng trên 10 tỷ đồng. Về giá trị cụ thể, cổ phiếu NTC bị rút ròng nhiều nhất với 6,7 tỷ đồng. Kế đến là các mã QNS (6,4 tỷ đồng), VTP (3,9 tỷ đồng), GHC (3,8 tỷ đồng) và QTP (2,3 tỷ đồng).