|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Virus corona đang 'phá vỡ' thỏa thuận thương mại Mỹ Trung?

08:05 | 12/02/2020
Chia sẻ
Việc các nhà nhập khẩu Khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất Trung Quốc đề nghị tạm ngưng mua vào mặt hàng này trong bối cảnh nhu cầu về năng lượng giảm mạnh bởi dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra đã làm dấy lên lo ngại có thể phá hỏng thỏa thuận thương mại giai đoạn một Mỹ - Trung.
Virus corona đang 'phá vỡ' thỏa thuận thương mại Mỹ   Trung? - Ảnh 1.

Nhiều nhà nhập khẩu Khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất của Trung Quốc đang đề nghị tạm ngưng mua vào mặt hàng này trong bối cảnh nhu cầu về năng lượng giảm mạnh do tác động của dịch nCoV. (Nguồn: Getty Images)

Theo Bloomberg, dưới tác động của dịch bệnh do nCoV, đến đầu tháng 2/2020, mức tiêu thụ dầu hàng ngày ở Trung Quốc đã giảm 20%, tức là giảm 3 triệu thùng. Điều này khiến giá vàng đen trên thị trường thế giới cũng giảm. Ví dụ, chỉ trong một tháng, giá dầu thô Brent giao kỳ hạn giảm 13 USD xuống còn 55,5 USD/thùng.

Ồ ạt ngưng hợp đồng mua khí

Tình hình xuất nhập khẩu LNG thậm chí còn tồi tệ hơn. Ngày 6/2, Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) đã ngưng các hợp đồng mua khí LNG với ít nhất 3 nhà cung cấp và tuyên bố tình trạng bất khả kháng, theo Reuters.

Trong khi đó, tập đoàn Hóa chất và Dầu khí Trung Quốc (Sinopec) và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) cũng có thể thông qua quyết định tương tự.

Theo thông tin trên báo chí, Trung Quốc trước hết giảm lượng LNG nhập khẩu từ Mỹ, vì khí hóa lỏng từ Mỹ được cho là đắt nhất do chi phí vận chuyển cao. Điều này đe dọa phá hỏng thỏa thuận thương mại giai đoạn một mà Washington và Bắc Kinh đạt được vào giữa tháng 1 vừa qua.

Một trong những điều kiện chính của thỏa thuận là Trung Quốc cam kết nhập khẩu ít nhất 200 tỷ USD hàng Mỹ trong 2 năm, trong đó Bắc Kinh hứa mua 50 tỷ USD trong lĩnh vực năng lượng.

Ngành LNG Mỹ hoảng loạn

Tại Mỹ, nếu toàn bộ lượng khí đáng lẽ xuất sang Trung Quốc ở lại trên thị trường nội địa, thặng dư cung sẽ tăng và giá khí đốt sẽ sụp đổ. Ngân hàng Mỹ (Bank of America - BofA) cảnh báo, đến tháng 12, giá khí đốt có thể giảm đến hơn một nửa tại nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tình hình trở nên phức tạp hơn bởi vì trong ngành công nghiệp đá phiến, khối lượng khí đồng hành đang gia tăng mạnh. Theo công ty tư vấn Rystad Energy, trong năm 2019, lượng khí đốt được đốt bỏ trong mỏ đá phiến Perm là 18,5 triệu mét khối mỗi ngày, còn tổng lượng khí đồng hành bị đốt bỏ tại các khu phức hợp Mars-Ursa và Bakken là nhiều hơn mức tiêu thụ nhiên liệu của các quốc gia như Hungary, Israel, Azerbaijan, Colombia hoặc Romania.

Điều này đã gây nguy hiểm cho triển vọng cung cấp LNG đến châu Âu. Gần đây, Klaus-Dieter Borchardt, Phó Chủ tịch Tổng cục Năng lượng châu Âu, cho biết, EU sẽ kiểm tra tất cả các nhà sản xuất về độ phát thải carbon dioxide, bao gồm khí metan, và việc đốt khí đồng hành. Nói cách khác, EU sẽ không chấp nhận LNG từ các công ty ô nhiễm môi trường.

Sự hoảng loạn trong ngành này đã khiến các nhà sản xuất trở nên căng thẳng. Ví dụ, Chenire, chủ sở hữu Sabine Pass, kho chứa LNG lớn nhất ở Mỹ, đã kiện Tellurian, nhà điều hành một dự án khác về sản xuất khí hóa lỏng. Khiếu nại chính là cựu Giám đốc điều hành Chenire ông Sharif Souki đã tài trợ cho một liên doanh khác và đã thành lập Tellurian - công ty đang xây dựng kho trạm xuất khẩu Driftwood LNG ở Vịnh Mexico.

Davin McDermott, nhà phân tích của Morgan Stanley nhận định: “Ngành công nghiệp dầu khí là "nạn nhân" của sự thành công của chính mình. Mỹ đang sở hữu nguồn cung vượt mức không chỉ ở Mỹ mà cả ở châu Âu, châu Á và trên toàn thế giới”.

Việc liên tục tăng sản xuất chẳng những không giúp các doanh nghiệp hưởng lợi mà còn khiến các khoản nợ không ngừng tăng lên. Ví du, một trong những công ty khí đốt lớn nhất - Chesapeake Energy, hồi tháng 11/2019 đã cảnh báo về sự phá sản sắp xảy ra với khoản nợ 9 tỷ USD. Đối thủ cạnh tranh chính của công ty này, EQT Corp, gần đây đã tuyên bố rằng, trong tương lai gần, công ty sẽ bị thiệt hại 1,8 tỷ USD do cổ phiếu mất giá.

Phương Nga