Virus corona biến một đồng tiền mạnh nhất thành tệ nhất
Theo CNBC, đồng baht của Thái Lan đã bất ngờ chuyển từ loại tiền tệ mạnh nhất châu Á năm 2019 thành một trong những đồng tiền có diễn biến tệ nhất khu vực những tháng đầu năm 2020 sau sự bùng phát của dịch bệnh virus corona.
Kể từ đầu năm, đồng bath Thái giảm khoảng 4,1% giá trị so với đồng USD, lấy đi một nửa mức tăng 7,9% có được trong năm 2019.
Trong một nỗ lực nhằm thúc đẩy nền kinh tế, Ngân hàng trung ương Thái Lan (BoT) đã bất ngờ giảm lãi suất cơ bản xuống mức thấp nhất mọi thời đại, và cho biết sự lây lan của virus corona là một nhân tố sẽ kéo giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước này.
"Nền kinh tế lớn thứ hai ở Đông Nam Á đã quá phụ thuộc vào nhu cầu bên ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc.
Doanh thu du lịch từ Trung Quốc chiếm khoảng 2,7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Thái Lan, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc cũng đóng góp tới 6% GDP cho đất nước này", Trinh Nguyen, chuyên gia kinh tế cao cấp tại Ngân hàng Đầu tư Pháp Natixis chia sẻ với CNBC.
"Đó sẽ là một cú sốc đối với ngành du lịch Thái Lan. Đồng thời, xuất khẩu cũng có khả năng là nhân tố kéo giảm tăng trưởng của nền kinh tế có qui mô 500 tỉ USD này", bà nói thêm.
Sự lây lan của một chủng virus corona mới, có nguồn gốc từ Vũ Hán đã khiến các nhà chức trách Trung Quốc phải cách li nhiều thành phố, đóng cửa các trung tâm kinh tế bằng cách kéo dài kì nghỉ Tết Nguyên đán và cấm các tour du lịch ra nước ngoài.
Trung Quốc hiện sở hữu lượng du khách quốc tế lớn nhất thế giới và Thái Lan đã đón 10,5 triệu khách du lịch Trung Quốc vào năm 2018, chỉ ít hơn Hong Kong và Ma Cao, theo dữ liệu của Viện nghiên cứu du lịch nước ngoài Trung Quốc.
Bộ Du lịch Thái Lan ước tính sự sụt giảm khách đến từ Trung Quốc khiến doanh thu của ngành du lịch nước này thiệt hại 50 tỉ baht (tương đương 1,61 tỉ USD).
Thái Lan cần phải cắt giảm thêm lãi suất?
Theo một số nhà kinh tế, viễn cảnh không tích cực của ngành du lịch là một nỗi lo mới đối với nền kinh tế Thái Lan vốn đã mong manh và ngân hàng trung ương có thể sẽ phải cắt giảm lãi suất thêm một lần nữa để thúc đẩy tăng trưởng.
"Chúng tôi không nghĩ rằng việc cắt giảm lãi suất sẽ đủ để ngăn chặn sự tăng trưởng chậm lại, chứ đừng nói đến việc thúc đẩy tăng trưởng", Prakash Sakpal, Chuyên gia kinh tế châu Á tại ngân hàng ING Hà Lan, viết trong một ghi chú phát đi vào ngày 5/2.
"Chúng tôi tin rằng BoT vẫn muốn đi trước một bước và quyết định giảm lãi suất trong cuộc họp tiếp theo vào tháng 3 có ý nghĩa hơn là kịp thời, và có lẽ hiệu quả hơn để thúc đẩy nền kinh tế", ông nói thêm.
Tuy nhiên về lâu dài, theo các chuyên gia, Thái Lan cần phải làm cho nền kinh tế của mình trở nên cạnh tranh hơn và sự bùng phát virus có thể là cơ hội để giảm sự phụ thuộc vào các lĩnh vực dễ biến động trước các tác động bên ngoài.
"Tôi nghĩ rằng nền kinh tế Thái Lan cần phải đa dạng hóa các nguồn thu nhập để có thể tự tạo ra tăng trưởng. Nếu không thể tạo ra nhu cầu nội địa đủ bền vững, đặc biệt là đầu tư và tiêu dùng, Thái Lan sẽ mắc kẹt trong một cái bẫy, bất chấp mọi nỗ lực đã thực hiện", bà Trinh Nguyen nhận định.