|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vinpearl huy động xong 425 triệu USD trái phiếu quốc tế

11:24 | 28/09/2021
Chia sẻ
Trái phiếu quốc tế được Vinpearl phát hành vào ngày 21/9, kỳ hạn 5 năm với lãi suất danh nghĩa 3,25%/năm.
Vinpearl huy động xong 425 triệu USD trái phiếu quốc tế - Ảnh 1.

Tòa Landmark 81 thuộc dự án Vinhomes Central Park do Tập đoàn Vingroup thực hiện. (Ảnh minh họa: Fantasea).

CTCP Vinpearl - đơn vị làm dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng giải trí thuộc Tập đoàn Vingroup (Mã: VIC) vừa công bố kết quả phát hành thành công 425 triệu USD trái phiếu quốc tế với mệnh giá 200.000 USD.

Đây là số trái phiếu được phát hành vào ngày 21/9, với kỳ hạn 5 năm, lãi suất danh nghĩa 3,25%/năm được thanh toán 6 tháng/lần. Tập đoàn Vingroup là bên đứng ra bảo lãnh toàn bộ nghĩa vụ thanh toán đối với số trái phiếu nói trên.

Theo điều khoản thỏa thuận, trái phiếu có thể chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông của Tập đoàn Vingroup với mức giá chuyển đổi là 109.680 đồng/cp, cao hơn 27% so với giá VIC chốt phiên 27/9. Tính đến cuối tháng 6, Vingroup sở hữu 98,2% vốn điều lệ tại Vinpearl.

Số tiền thu được nhằm bổ sung vốn hoạt động kinh doanh chung cho Vinpearl, thanh toán trước hạn các khoản vay nước ngoài đã thực hiện năm 2020 (gồm gốc, lãi và các khoản phải trả khác liên quan), thực hiện các dự án đầu tư thông qua việc nhận chuyển nhượng các hạng mục khách sạn thuộc những dự án sở hữu bởi Tập đoàn Vingroup.

Credit Suisse, The Hongkong and Shanghai Banking (HSBC) và BNP Paribas là các ngân hàng đồng bảo lãnh phát hành cho thương vụ trên.

Gần đây nhất, tháng 7, Vingroup đã hoàn tất huy động 2.600 tỷ đồng trái phiếu để tăng vốn cho Vinpearl.

Vinpearl hiện là thương hiệu dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng – giải trí lớn tại Việt Nam với trên 18.500 phòng khách sạn và biệt thự, ba công viên chủ đề và hai khu vui chơi giải trí, hai công viên bảo tồn và chăm sóc động vật bán hoang dã cùng 4 sân golf.

Theo kế hoạch năm nay, Vinpearl sẽ duy trì và phát triển thị trường nội địa trên đà phát triển của năm 2020 với mũi nhọn là kênh bán hàng trực tuyến và kênh doanh nghiệp, đồng thời phát triển, mở rộng các thị trường trọng điểm nước ngoài thông qua việc triển khai hoạt động marketing, truyền thông để chuẩn bị đón đầu cơ hội ngay khi mở lại các đường bay quốc tế.

Minh Hằng

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.