Vinmart và chiến lược tăng trưởng 'nóng' thông qua sáp nhập
Chìa khóa mua bán sáp nhập
CTCP Dịch vụ Thương mại VinCommerce, công ty con của Tập đoàn Vingroup, vừa hoàn tất việc mua lại toàn bộ chuỗi siêu thị Fivimart, giá trị thương vụ không được tiết lộ.
Sau khi hoàn tất sáp nhập, hệ thống siêu thị Fivimart sẽ được đổi tên thành VinMart, đồng bộ về cách vận hành.
Sau thương vụ này, VinCommerce sở hữu hệ thống bán lẻ quy mô lớn nhất Việt Nam với khoảng 100 siêu thị VinMart, 1.400 cửa hàng tiện lợi Vinmart+ trên toàn quốc tính đến nay. Mục tiêu của hệ thống tới 2020 sẽ đạt 200 siêu thị Vinmart và 4.000 cửa hàng Vinmart+.
Vingroup tham gia thị trường bán lẻ năm 2014, sau 4 năm đã vươn lên vị trí số một |
Còn nhớ thời điểm tháng 10/2014, Vingroup mua lại 70% vốn công ty Ocean Retail (khi đó với 9 siêu thị và 4 cửa hàng tiện lợi), đánh dấu sự ra đời của hai thương hiệu Vinmart và Vinmart+.
Sau đúng 4 năm, từ con số 0, hệ thống của siêu thị của Tập đoàn Vingroup đã vươn lên vị trí số một trong nước. Chiến lược mua bán sáp nhập chính là chìa khóa để Vingroup có thể nhanh chóng thực hiện các mục tiêu của mình đối với mảng bán lẻ.
Đưa Fivimart về một nhà, Vingroup đồng thời tiếp nhận hệ thống 23 siêu thị, đều là sở hữu mặt bằng lớn và vị trí đắc địa, đông dân cư, đồng thời có lịch sử hoạt động hơn 10 năm…
Tuy vậy, phía Tập đoàn cũng sẽ phải khắc phục những vấn đề mà hệ thống của Fivimart còn đang tồn đọng về hiệu quả hoạt động, trước đó trong quá trình hợp tác cùng Aeon chưa thay đổi được.
Ba năm cùng đối tác Aeon, dù doanh thu có tăng trưởng nhưng Fivimart liên tục thua lỗ, năm 2016 lỗ 96 tỉ đồng.
Tính đến cuối năm 2017, hệ thống siêu thị Fivimart lỗ lũy kế gần 200 tỷ đồng, nợ phải trả 823 tỷ đồng, tương đương tổng giá trị tài sản của công ty.
Trong một diễn biến khác, hệ thống siêu thị và các cửa hàng tiện ích của Vinmart tăng trưởng chóng mặt về mặt quy mô kể từ khi đi vào hoạt động.
Tốc độ tăng doanh thu hàng năm của hệ thống từ 50% đến 100%. Năm 2017, doanh thu mảng này đã đạt 13.053 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2018 kết quả khả quan trên 8.150 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi cùng kỳ.
Biên lợi nhuận gộp đang dần cải thiện, nửa đầu năm đạt gần 11%, nhưng vẫn còn là thấp nếu so với chuỗi Bách hóa Xanh của Thế giới Di động (18%).
Tuy nhiên, phía Tập đoàn vẫn đang phải đối mặt với chi phí vận hành lớn do mở rộng cửa hàng không ngừng.
Theo cập nhật của CTCP Chứng khoán TP HCM (HSC), Vingroup đã điều chỉnh kế hoạch mở mới trong năm 2018 từ 1.000 cửa hàng xuống 750 cửa hàng. HSC cho biết, Vingroup đã thận trọng hơn trong kế hoạch mở rộng, tập trung nhiều hơn vào lựa chọn vị trí cho cửa hàng mới nhằm đảm bảo có lượng khách cao và giảm bớt thời gian đạt điểm hòa vốn.
Liệu Vingroup có thể thống lĩnh cuộc chơi?
Từ nay đến năm 2020, VinCommerce sẽ phải mở thêm 100 siêu thị, cùng với đó là 2.600 cửa hàng tiện lợi trên cả nước để có thể đạt được mục tiêu đã đề ra. Một nửa chặng đường còn lại để đi trong vòng hai năm, có nghĩa sẽ tăng gấp đôi tốc độ mở mới.
Hiện tại, người tiêu dùng dễ dàng bắt gặp 2 – 3 cửa hàng tiện ích Vinmart+ trên một tuyến phố Hà Nội đông đúc dân cư. Tại các khu chung cư, hệ thống này cũng đã chiếm cho mình những vị trí đắc địa để có thể tiếp cận khách hàng.
Bên trong, Vinmart hay đặc biệt là Vinmart+ đang dần đáp ứng những nhu cầu tối thiểu về thực phẩm hay đồ dùng sinh hoạt hàng ngày, ngoài tính tiện lợi và quan trọng nhất là hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giá cả hợp lý.
Mô hình bán lẻ tại Việt Nam vẫn đang ở mức thấp so với các nước trong khu vực, chưa nói là với thế giới, đó là đánh giá khi Vingroup khi quyết định tham gia lĩnh vực này.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 9 tháng đầu năm ngành bán buôn, bán lẻ Việt Nam tăng 8,48% so với cùng kỳ năm trước, là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực dịch vụ, cũng là ngành có đóng góp lớn nhất vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế (0,9 điểm %).
Còn theo số liệu của Bộ Công Thương, giai đoạn 2011- 2017, mức tăng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng là 10%/năm, đạt 3,57 triệu tỷ đồng vào năm 2016 và đạt 3,23 triệu tỷ đồng vào năm 2017.
Mặc dù ở giai đoạn sau (từ 2011 trở lại đây), tốc độ tăng trưởng có chậm lại, nhưng tính chung từ 2006 - 2016, tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa luôn cao gấp 1,5-2 lần so với tốc độ tăng trưởng bình quân của GDP cùng thời kỳ. Nguyên nhân được cho biết là đến từ sự cải thiện đáng kể của hạ tầng thương mại với các siêu thị mini, trung tâm thương mại và sự tham gia ngày càng đông đúc của của các nhà đầu tư trong ngoài nước.
Còn theo nghiên cứu của Kantar Worldpanel, mô hình bán lẻ hiện đại cũng đang dần thế chỗ các mô hình truyền thống, đặc biệt là tại khu vực thành thị. Kênh bán online cũng có những bước tiến đáng kể, tăng trưởng 180% trong 4 tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 1 điểm thị phần và thu hút thêm 98.000 hộ mua mới. Mô hình siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi cũng đạt được tốc độ tăng tới 40%.
Vingroup với lợi thế “sân nhà” là doanh nghiệp nội, cùng hệ sinh thái ngày càng đa dạng, liệu có thể trở thành kẻ thống lĩnh cuộc chơi hấp dẫn này, từ đó góp phần thay đổi thói quen mua sắm của người Việt Nam?
Sau thương vụ Fivimart, thị trường lại tiếp tục rộ lên thông tin, Vingroup có khả năng tiếp tục thâu tóm thêm hai chuỗi siêu thị đang hoạt động kém hiệu quả. Với việc đã xây dựng thương hiệu vững chắc trong tâm trí người tiêu dùng, nước cờ tiếp theo mua bán sáp nhập đang được đánh giá khả quan.
Xem thêm |